| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp lại vùng nuôi vẹm, tránh xung đột lợi ích

Thứ Tư 25/10/2023 , 13:59 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Hiện trên đầm Nha Phu xảy ra xung đột lợi ích giữa người nuôi vẹm với người thả lưới khai thác thủy sản và các tàu cào sò trái quy định.

Đầm Nha Phu dày đặc cọc nuôi vẹm xanh. Ảnh: Kim Sơ.

Đầm Nha Phu dày đặc cọc nuôi vẹm xanh. Ảnh: Kim Sơ.

Xung đột lợi ích trên đầm Nha Phu

Mới đây, đến khu vực Hòn Nưa, thôn Ngọc Diêm và khu vực biển thôn Tân Đảo, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), chúng tôi chứng kiến dày đặc cọc cắm xuống đầm Nha Phu. Theo ông Nguyễn Văn Bụi, một người dân chuyên hành nghề lưới ghẹ ở đây, những bãi cọc này là của người dân trên địa bàn xã Ninh Ích.

Họ mua cây cuốn lưới hoặc bao vào rồi cắm xuống đầm để nhử nuôi vẹm xanh. Ai đến trước giành được phần mặt biển thì cứ thế tiến hành cắm cây xuống đầm. Ngoài ra, người dân còn treo dây nuôi vẹm xanh, những vùng mặt nước đầy chai nhựa là hình thức nuôi này. Việc thả nuôi sẽ diễn ra khoảng 9 tháng, những con đạt kích cỡ từ 8-10 cm sẽ xuất bán thương phẩm, còn nhỏ hơn thì bán làm thức ăn cho tôm hùm.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bụi, những năm trở lại đây, việc nuôi vẹm xanh bằng hình thức cắm cọc, treo giàn dây nở rộ trên đầm khiến luồng lạch thu hẹp, ghe xuồng đi lại khó khăn. Người đánh cá, tôm, ghẹ như ông Bụi không còn mặt biển rộng rãi để mưu sinh.

Thời gian qua, trên đầm Nha Phu xảy ra xung đột lợi ích. Ảnh: KS.

Thời gian qua, trên đầm Nha Phu xảy ra xung đột lợi ích. Ảnh: KS.

Ngay cả những người cắm cọc, đặt giàn dây treo nuôi vẹm xanh cũng xảy ra xung đột khi tranh giành mặt nước. Điển hình như mới đây, một trường hợp người dân ở thôn Phú Hữu (cũng ở xã Ninh Ích) đến chiếm mặt nước khu vực bãi biển thôn Ngọc Diêm cắm cọc thì bị ngăn cản nên xảy ra cãi vã, đánh nhau, gây mất trật tự.

Ngoài ra, trên đầm Nha Phu vẫn còn một số tàu cào sò hoạt động xới tung đáy đầm, gây ô nhiễm môi trường. Điều này cũng gây xung đột với hàng trăm người dân làm nghề thả lưới khai thác thủy sản.

Ông Nguyễn Ngọc Quân, người dân thôn Ngọc Diêm cho biết, những tàu cào sò chủ yếu từ thôn Tân Thành (xã Ninh Ích) đến đây hoạt động. Đây là nghề cấm khai thác trong đầm nhưng khi bà con phản đối thì bị các đối tượng hăm dọa, liên tục làm rách lưới, thậm chí cào luôn vẹm nuôi của người dân trong đầm.

Sắp xếp lại khu nuôi vẹm

Vấn đề xung đột lợi ích giữa các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản tại địa phương, cũng như giữa người dân xã Ninh Ích với người dân các xã khác ven đầm Nha Phu được lãnh đạo UBND xã Ninh Ích xác nhận. Theo UBND xã Ninh Ích, toàn xã có 40 hộ nuôi vẹm xanh, với khoảng 40ha mặt nước. Tất cả đều nuôi tự phát, ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên đầm Nha Phu.

Cần sắp xếp lại vùng nuôi vẹm, tránh xung đột lợi ích trên đầm Nha Phu. Ảnh: KS.

Cần sắp xếp lại vùng nuôi vẹm, tránh xung đột lợi ích trên đầm Nha Phu. Ảnh: KS.

Đối với nạn cào sò, địa phương phối hợp lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số tàu hoạt động lén lút.

Trước tình trạng cắm cọc, đặt giàn dây nuôi vẹm trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết, đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực này. Khi đó, địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân cắm cọc, đặt giàn dây nuôi vẹm ở những khu vực phù hợp, không nuôi xa bờ, tránh ảnh hưởng đến luồng lạch. Còn đối với các tàu cào sò, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ nghề cấm chuyển sang nuôi trồng thủy sản, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, mua bán, tàng trữ ngư cụ cấm.

Được biết, mới đây UBND thị xã Ninh Hòa đã đi kiểm tra thực tế và yêu cầu UBND các xã phường ven đầm Nha Phu tăng cường công tác quản lý; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Phạm Ngọc Khánh, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân trên địa bàn gặp khó khăn, bởi đầm Nha Phu chỉ quy hoạch 60 ha mặt nước ở khu vực Hòn Lăng, Hòn Giữa. Đây là những vùng nước sâu, phục vụ nuôi trồng thủy sản lồng bè và những người có vốn mới đầu tư nuôi được. Trong khi đó, những người vốn ít nuôi vẹm ở gần bờ không nằm trong quy hoạch.

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.