| Hotline: 0983.970.780

Sạt lở ruộng, Công ty thủy điện Lao Chải có vô can?

Thứ Bảy 06/07/2024 , 06:18 (GMT+7)

Người dân bất lực khi ruộng của họ bị sạt lở theo dòng suối. Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải có phải là tác nhân gây nên việc này?

Người dân cho rằng Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải chỉ kè bên nhà máy và không phá đá dòng chảy đã làm ruộng của họ bị sạt lở. Ảnh: H.D.

Người dân cho rằng Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải chỉ kè bên nhà máy và không phá đá dòng chảy đã làm ruộng của họ bị sạt lở. Ảnh: H.D.

Có tý ruộng... thì đời cháu vẫn có cái ăn

Theo phản ánh của một số hộ dân có đất canh tác nằm dọc suối Mường Hoa thuộc thôn Lồ, xã Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai), từ đời cha ông họ đã trồng lúa dọc con suối này để mưu sinh. Tới năm 2008, Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải về thực hiện dự án thủy điện, xây nhà máy phía bên kia suối Mường Hoa. Sau khi dự án được triển khai và đưa vào hoạt động đã làm biến đổi dòng chảy. Nước từ thượng nguồn đổ về gây sạt lở, làm mất dần ruộng đất của bà con đang canh tác.

Trước kia, khu vực ruộng lúa của bà con canh tác dọc suối Mường Hoa chưa từng xảy ra hiện tượng sạt lở như vậy.

Ông Lồ A Ông cho biết, trước không có thủy điện thì ruộng không có vấn đề gì cả. Khi công ty san gạt, xây kè nên dòng nước bị nắn, làm đất ruộng bị sạt lở. Nhà tôi mất khoảng 100m chiều dài ruộng bám theo suối.

Ở vùng cao, đất canh tác rất hiếm, trong khi đó những hộ gia đình này cũng không có cách nào ngăn được việc xói mòn, sạt lở đang diễn ra. Ruộng mất, thậm chí không còn dấu vết vì tất cả đã bị cuốn theo dòng nước.

Việc người dân phản ánh là có cơ sở đặc biệt khi phần ruộng của các hộ dân không được kè đá giữ đất. Với dòng chảy như vậy, có thể những mét ruộng cuối cùng của người dân sẽ "biến mất", vấn đề chỉ là thời gian. Phần đường nội đồng đi xuyên qua các thửa ruộng có những đoạn hiện đã trơ bê tông.

Trong nhiều năm, những hộ dân đã có đơn gửi UBND xã Hoàng Liên và Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải mong muốn giải quyết sự việc. Tuy nhiên, cho đến nay sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

"Chúng tôi không cần tiền đền bù mà cần đất để cấy lúa lấy cái ăn. Đồng tiền biết tiêu thì còn không biết tiêu thì hết. Trong khi, có ruộng thì đến đời con, đời cháu mình cũng vẫn có cái ăn", ông Lồ A Ông nói.

Người dân đã có nhiều kiến nghị về việc sạt lở ruộng nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: H.D.

Người dân đã có nhiều kiến nghị về việc sạt lở ruộng nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: H.D.

Khắc phục nằm im trên giấy

Cũng theo người dân phản ánh, năm 2013-2014, bắt đầu có hiện tượng sạt lở ruộng, nguyên nhân do công ty thủy điện nổ mìn những tảng đá to bên bờ suối giáp ruộng. Trong khi những tảng đá giữa dòng vẫn để nguyên, điều này làm dòng chảy thắt lại và chảy xiết hơn.

"Chúng tôi đã đề nghị ban quản lý nhà máy thủy điện phải xây kè đá và xây kè bê tông bờ suối đảm bảo cho ruộng không bị sạt lở. Ban quản lý nhà máy thủy điện cũng đã hứa khi nào nước rút sẽ tiến hành khắc phục. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn không làm gì. Sạt lở lấn sâu vào trong ruộng, đường đi, gây nguy hiểm tính mạng người đi lại", ông Lồ A Ông cho hay.

Trước đó, năm 2021 và năm 2022, sau đề nghị của UBND thị xã Sa Pa, UBND xã Hoàng Liên đã tiếp nhận, giải quyết của đơn của ông Lồ A Ông và một số hộ dân có đất canh tác bị sạt lở.

Trong đó, tại biên bản làm việc ngày 13/7/2022 do Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị ghi nhận hiện trạng sạt lở có chiều dài khoảng 100m thuộc thôn Lồ, xã Hoàng Liên, vị trí nằm bên phải suối Mường Hoa, đối diện nhà máy thủy điện Lao Chải; phía trên khu vực sạt lở có nhiều hòn đá to nằm chắn giữa dòng suối, làm dòng chảy chủ yếu về phía có đất ruộng của các hộ dân.

Theo ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, biện pháp trước mắt để khắc phục sạt lở, đề nghị Công ty TNHH Thủy điện Lao Chải hỗ trợ thực hiện phương án phá các hòn đá to để khơi thông dòng chảy, tạo thành dòng chảy tĩnh hạn chế việc chảy sang 2 bên đất có ruộng của các hộ dân.

Tuy nhiên, lúc này, ông Lê Đức Thinh, Giám đốc điều hành nhà máy thủy điện Lao Chải chỉ tiếp nhận ý kiến để báo cáo với công ty xin chủ trương hỗ trợ thực hiện phương án phá đá. Song từ đó đến nay, hơn 2 năm, việc khắc phục vẫn nằm im trên giấy.

Ông Má A Nủ, Chủ tịch UBND xã Hoàng Liên xác nhận sự việc như đã nêu trên và cho biết không thể liên lạc với đơn vị thủy điện. Và vai trò của xã không thể làm được việc này.

Mặt khác, UBND xã Hoàng Liên cho rằng, không thể xác định được diện tích đất ruộng đã sạt lở của người dân... vì không còn hiện trạng ban đầu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất