| Hotline: 0983.970.780

Sau 3 lần thất bại, lão nông trồng dưa lưới lãi nửa tỷ mỗi năm

Thứ Tư 05/05/2021 , 15:42 (GMT+7)

Trồng dưa lưới từ năm 2016, nhưng phải mất 3 năm sau, lão nông Bùi Văn Phương ở Tống Trân, Phù Cừ, Hưng Yên mới làm chủ được quy trình và công nghệ.

Dưa vàng trồng trong nhà màng, nhà lưới. Ảnh: Hải Tiến.

Dưa vàng trồng trong nhà màng, nhà lưới. Ảnh: Hải Tiến.

Kể về những thành công và thất bại trong thâm canh cây dưa lưới của gia đình, ông Bùi Văn Phương cho hay, ông từng sang Ba Lan trồng rau xanh 10 năm, cung ứng cho cộng đồng người Việt tại đó. Sau khi tích lũy được một số vốn kha khá, ông quyết định về quê khởi nghiệp trồng dưa vàng, dưa lưới.

Năm 2016, ông Phương trồng thử 500m2 dưa vàng. Không ngờ sau một trận bão muộn, toàn bộ hệ thống nhà màng, nhà lưới cùng các cây dưa bên trong bị đổ rạp như ngả rạ. Nguyên nhân do khi xây dựng nhà màng, nhà lưới ngoài đê sông Luộc, ông không tính đến địa hình thoáng đãng ven sông, tốc độ gió cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác trong đồng.

Sau bài học đắt giá nêu trên, ông Phương xây dựng lại nhà trồng dưa kiên cố hơn, có thể chịu được gió bão trên cấp 12. Nhưng ở đời ai học hết được chữ ngờ! Tránh được sự cố kỹ thuật này lại mắc phải sự cố kỹ thuật khác. Lần này, giống dưa mà ông Phương trồng cho quả quá to (trên 4kg/1 quả) nên không vào được các siêu thị bởi chưa phù hợp thói quen tiêu dùng của người dân đô thị.

Vụ dưa đó, gia đình ông Phương phải mang đi bán lẻ ở các chợ quê, lay lắt mãi mới hết, song cũng không thu hồi đủ vốn. Sang vụ sản xuất tiếp theo, vận đen vẫn chưa hết đeo bám, do chọn các giống dưa không phù hợp khí hậu miền Bắc, tỷ lệ đậu quả quá thấp và phát triển không cân đối nên ông Phương lại thất bại thêm lần thứ 3.

Dưa vân lưới trong trang trại của lão nông Bùi Văn Phương. Ảnh: Hải Tiến.

Dưa vân lưới trong trang trại của lão nông Bùi Văn Phương. Ảnh: Hải Tiến.

Ở vào hoàn cảnh nói trên, có lẽ nhiều người phải bó tay thúc thủ, nhưng ông Phương thì ngược lại. Từng nhiều năm bươn chải mưu sinh ở xứ người nên càng khó khăn ông Phương càng quyết tâm làm bằng được.

Cuối cùng cây dưa cũng phải mỉn cười với lão nông Bùi Văn Phương. Năm 2019, vườn dưa của ông Phương cho lãi 300 triệu đồng, năm 2020 lãi 500 triệu đồng và dự kiến năm 2021 lãi khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa kể nguồn thu từ trồng dưa chuột vụ đông trong nhà lưới, cho sản lượng 12-15 tấn quả mỗi năm.

Lão nông Bùi Văn Phương tiết lộ: Vụ đông càng rét dưa chuột càng được giá. Có thời điểm đắt ngang dưa lưới (45.000 đồng 1kg). Vì lúc ấy dưa trồng ngoài tự nhiên không thể cho quả nên dưa chuột trong nhà lưới sẽ trở thành hàng hiếm.

Với tay nếm thử vài trái dưa trong vườn, tôi rất bất ngờ bởi vị ngon ngọt khác biệt hẳn dưa cùng loại ngoài chợ. Điển hình như, ruột quả đặc hơn, vỏ quả mềm và không có mạch nhựa trắng bên trong. Cho phép ăn dưa cả vỏ mà không có vị chát, cứng.

Người làm vườn ăn ngay trái dưa vừa hái để chứng minh độ sạch. Ảnh: Hải Tiến.

Người làm vườn ăn ngay trái dưa vừa hái để chứng minh độ sạch. Ảnh: Hải Tiến.

Vào thăm hệ thống trồng dưa của ông Phương chúng tôi thấy các nhà đều làm theo hướng Đông-Tây. Móng, cột và chân cột đúc bằng bê tông cốt thép, đỉnh cột cao 5m. Mặt móng cột chôn sâu dưới mặt ruộng 20cm. Dầm, kèo, xà gồ và vòm mái làm bằng thép hộp và tuýp sắt-kẽm. Chiều cao từ chân cột đến xà ngang 4,0-4,5m, tới nóc nhà 6,5-7,0m.

Các dầm dọc nhà được kết nối với hệ thống cột và vì kèo bằng bulon bản mã và colie. Dầm nhà còn đóng vai trò gá đỡ vì kèo, máng nước và lưới ngăn côn trùng. Lưới ngăn côn trùng bao quanh nhà màu trắng 50m, 180-200 lỗ/1cm2.

Hệ thống tưới nhỏ giọt, có bể lọc, bể chứa nước sạch, bể điều áp, máy bơm nước tự động, mạng lưới ống dẫn chính, dẫn phụ, cùng các đầu tưới. Bể chứa nước sạch được đặt trên bệ xây cao 50-70cm bên ngoài nhà. Dung tích bể chứa từ 800-1000 lít sẽ đủ cấp tưới cho diện tích 360-500m2 dưa. Toàn bộ hệ thống này đều lắp nổi trên mặt nền, rất thuận tiện cho chỉnh sửa khi cần.

Theo ông Phương, các giống dưa trồng thành công ở miền Nam chưa hẳn đã phù hợp trồng ở miền Bắc. Vì khí hậu miền Nam ôn hòa hơn, số giờ chiếu sáng trong ngày lớn hơn, ẩm độ không khí cũng thấp hơn, đặc biệt là ít gió bão.

Ở miền Bắc thời tiết khá cực đoan, gió bão nhiều, độ ẩm không khí cao, vụ dưa đông xuân có biên độ nhiệt ngày, đêm lớn, vụ dưa Xuân hè lại quá nắng nóng, tất cả các yếu tố này đều gây khó khăn cho thâm canh dưa vàng, dưa lưới.

Ông Phương chia sẻ, các nhóm giống dưa phù hợp trồng cho các địa phương phía Bắc, gồm dưa vàng, Kim Cô Nương, Kim Hoàng Hậu, Kim Vương, Kim Hoàng Đế, Saket 70; dưa vân lưới, Sweet 655, TL1, TL3, Matsue66, Kim OJI 65, Moon 146, Melon - GN31 và Melon - Journ...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.