Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 28, 29/5/2020 đăng loạt bài điều tra “Tàn giấc mơ hoa” và “Những cánh đồng rau Mê Linh bạc trắng vì thuốc sâu Tàu” phản ánh chuyện đại lý, nông dân ở hai xã Mê Linh và Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) lậu.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Mê Linh đã ban hành văn bản số 1340 ngày 29/5 yêu cầu các Phòng Kinh tế, Trạm Trồng trọt và BVTV cùng UBND xã Mê Linh và xã Tráng Việt khẩn trương kiểm tra, xác minh.
Chiều ngày 29/5, UBND huyện Mê Linh đã phối hợp với Thanh tra Chi cục Trồng trọt và BVTV thành phố, công an huyện, đội quản lý thị trường số 10, UBND xã Mê Linh và Tráng Việt làm việc với các nông dân trong bài viết.
Có 3 người đã thừa nhận tự ý tìm mua thuốc nhện đỏ, sâu tơ ngoài danh mục (lậu) và đã bị chính quyền xã xử phạt 1,5 triệu đồng/người, thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đây là hành động mang tính tiên phong của Hà Nội, góp phần cảnh báo cho hàng chục triệu nông dân trên toàn quốc biết rằng nếu dùng thuốc BVTV ngoài danh mục là tiếp tay cho mất an toàn vệ sinh thực phẩm, là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý thích đáng.
Về phía các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Mê Linh được thành lập theo Quyết định số 650 ngày 5/3/2020 nhưng do dịch Covid-19 chưa thực hiện được. Sau khi báo đăng tải hiện tượng trên, đoàn được tổ chức lại, do ông Phạm Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế làm trưởng đoàn.
Đoàn đã phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Chung ở xã Mê Linh vì lỗi bán thuốc BVTV quá hạn. Đã phạt 8 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thuần ở xã Tiền Phong do bán thuốc trừ cỏ Paraquat (đã bị cấm) và hai loại thuốc lậu in chữ Tàu có tổng trọng lượng dưới 5kg (trong đó có loại thuốc sâu mã vạch đỏ, rất độc hại).
Theo ông Bùi Mạnh Tiến - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Mê Linh, trên địa bàn huyện hiện có 125 đại lý thuốc BVTV, qua kiểm tra thấy các cửa hàng có bán thuốc ngoài danh mục thường không để ở cửa hàng mà cất giấu ở một nơi khác.
Ví dụ như trường hợp đại lý Nguyễn Văn Thuần ở xã Tiền Phong bán thuốc ngoài danh mục, ông này không để ở cửa hàng mà cất giấu kỹ ở khu vực máy xát gạo đã bỏ không của gia đình…
Ông Phạm Thành Đô phân tích thêm, việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV lậu diễn ra ở một vài chủng loại: Có thể có những sâu, bệnh khó trị, sau khi sử dụng thuốc của các công ty nội nhiều lần bị nhờn, kháng thuốc, nông dân tìm tòi, thử nghiệm loại mới, truyền tai nhau.
Để nói không với thuốc BVTV lậu phải làm tốt công tác tuyên truyền. Hàng năm Mê Linh tổ chức rất nhiều lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV ở các xã. Ngoài việc tuyên truyền, quan điểm của chúng tôi là phải xử phạt nghiêm, giao cho Trạm Trồng trọt và BVTV thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, thậm chí mang theo mẫu giấy phạt để lập ngay biên bản vi phạm của nông dân tại đồng ruộng.
Đó là cầu còn với nguồn cung, phải tăng cường tập huấn kiến thức đồng thời kiểm tra chuyên ngành lẫn liên ngành, định kỳ lẫn đột xuất ở các đại lý thuốc BVTV. Phải nhắc nhở chính quyền các xã về thẩm quyền của họ trong việc quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp theo như Quyết định 2582/QĐ-UBND ngày 5/6/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Hiện nay, một số xã, lãnh đạo nhiều việc, ít cán bộ lại thiếu cả người phụ trách chuyên ngành BVTV như Tráng Việt, Mê Linh, Văn Khê, thị trấn Chi Đông nên không có tham mưu kịp thời được việc kiểm tra kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp cũng như đề xuất xử lý các vi phạm.
Vĩ mô hơn, kiến nghị cơ quan cấp Trung ương về quản lý thuốc phải làm sao để các loại thuốc BVTV mới, tiên tiên trên thế giới khi đăng ký ở Việt Nam được rút ngắn thời gian khảo, kiểm nghiệm, nhanh chóng đưa vào thương mại để đáp ứng cho nhu cầu của bà con, tránh việc họ phải tìm đến thuốc lậu; tăng mức xử phạt đối với hành vi buôn bán, sử dụng thuốc hết hạn sử dụng, thuốc cấm, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam để tăng tính răn đe, hạn chế tình trạng tái phạm.