Chúng tôi xuống thuyền xuôi dòng Kiến Giang để cập mé con đê đất nhỏ chạy dọc theo bờ ôm cả mấy trăm ha ruộng lúa. Đi chừng non giờ đồng hồ thì thuyền bẻ lái cập sát con đê. Phía trong là cánh đồng của xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy- Quảng Bình), rộng hơn 200 ha sáng màu xanh bạc xen lẫn màu bùn non.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, nông dân xã Hồng Thủy đưa chúng tôi đến vùng ruộng của gia đình. Ông bảo, trước đây ruộng là vùng đầm phá Hặc Hải (người dân ở đây còn gọi là vùng Vời). Sau này, bà con ra khai khẩn, be bờ, đắp đất rồi thành ruộng lúa như bây giờ.
“Nhà tôi có hơn hai mẫu ruộng (hơn 1 ha), làm từ mười mấy năm nay rồi. Ruộng đất khá tốt nên năng suất lúa hai vụ cũng đạt cao nếu không có thiên tai, mưa lũ. Năm nay thì xác định mất trắng rồi”- ông Anh nói.
Trên cánh đồng lộng gió, nhìn từ xa vẫn thấy những thảm ruộng màu xanh bạc xen lẫn những thửa ruộng màu bùn nâu. Ông Anh cùng tôi lội xuống ruộng, ông ngồi thụp xuống ở đám lúa lá cháy lụi, khô trắng, nhổ lên mấy bụi lúa rồi bảo: “Nước lũ ngâm lâu quá nên cây lúa bị úa rồi đến khô cháy. Lúa này chỉ có bỏ đi chứ không thể nào chạy chữa được nữa”- ông Anh nghèn nghẹn.
Ở vạt lúa có màu xanh hơn thì xen giữa bụi lúa đã cháy khô có một hai nhành lúa xanh vươn lên. Ông Anh nhổ tiếp một bụi lúa đưa lên trước mặt rồi nói: ‘Trung bình mỗi khóm lúa đã có trên chục nhánh vào kỳ chuẩn bị trổ bông. Nếu bình thường thì khoảng hai tháng nữa là thu hoạch. Giờ thì chỉ có được 2 nhánh mới phát triển lên sau lũ nên cũng không thể hy vọng gì nữa”.
Cùng đi kiểm tra đồng ruộng, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, vùng đồng ngòi tuyến đê thượng Mỹ Trung của bà con có diện tích trên 200 ha. Trong trận lũ trái mùa vào cuối tháng 3 vừa qua, nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ diện tích này. Do tuyến đê tự bà con đào đắp thấp nên không thể ngăn được lũ.
“Lúa bị ngâm trong nước lũ lâu ngày nên đã bị úa héo và sau hơn chục ngày nước mới rút cạn nên cây lúa không thể hồi phục được dẫn đến bị cháy khô lá và thối thân rễ. Diện tích lúa của toàn xã bị thiệt hại nặng gần 200 ha. Chúng tôi vận động bà con tăng cường chăm sóc những vùng lúa có khả năng phục hồi nhưng rất khó vì tỷ lệ lúa chết rất lớn”- ông Huấn cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thể (nông dân xã Hồng Thủy), có diện tích tích lúa khoảng 2 ha cũng bị úa và thối thân, lá. Lội ruộng kiểm tra lúa, lên bờ ông cho hay: “Cũng không thể bón thêm phân để cây lúa phục hồi vì tỷ lệ nảy mầm, lên chồi quá ít. Tính đến nay, gia đình đã chi phí khoảng 15 triệu đồng/ha rồi. Xem ra vụ đông xuân này đã vào diện mất trắng”.
Theo Phòng Nông ngiệp- PTNT huyện Lệ Thủy, diện tích ruộng ở phá Hạc Hải có trên 600ha. Trong đó, tập trung phần lớn tại các xã Hồng Thủy, Hoa Thủy và một phần diện tích ở xã Lộc Thủy, An Thủy. Ngoài ra, ở vùng phá này còn có diện tích vài cục ha của người dân xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh).
Theo ông Nguyễn Xuân Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Lệ Thủy, do lũ gây ngập nên có trên 500 ha lúa đã bị ảnh hưởng nặng. “Trong đó, xã Hồng Thủy lúa bị ảnh ưởng trên 70%, các địa phương khác có tỷ lệ ảnh hưởng từ 30-50%. Những diện tích nào có khả năng phục hồi thì chúng tôi khuyến cáo bà con tăng cường chăm bón, bổ sung thêm phân bón cho lúa để phục hồi sức nhanh, cải tạo năng suất cuối vụ”- ông Vương cho hay.
Do diện tích lúa nằm ngoài tuyến đê bao thượng Mỹ Trung nên bà con tự đắp đập, be bờ ngăn lũ, tiêu úng. Vì vậy, hàng năm diện tích hàng trăm ha này luôn bị thiên tai đe dọa. Nhiều bà con nông dân ở đây mong muốn được Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao chắc chắn hơn để có thể yên tâm sản xuất hai vụ lúa chắc ăn.
Nông dân Nguyễn Ngọc Anh tiện tay cầm mấy tảng đất đắp thêm vào thân đê. Ông nhẩm tính, mỗi ha lúa có năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha, nhân với giá lúa đầu vụ khoảng 7 triệu đồng/tấn thì có số thu khoảng 42 triệu đồng/ha. Vùng này có diện tích khoảng 200 ha bị coi như mất trắng và nông dân bị thất thu gần chục tỷ đồng. Ông Anh mong muốn: “Nếu có được kinh phí đầu tư nâng cao, mở rộng tuyến với chiều dài khoảng 3 km chắn lũ từ hướng bờ sông Kiến Giang thì bà con yên tâm lắm”.