| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình ngăn chặn đạo ôn lây lan trên đồng ruộng

Thứ Sáu 18/03/2022 , 19:16 (GMT+7)

Gần 420 ha lúa đã bị nhiễm bệnh đạo ôn. Ngành NN-PTNT Quảng Bình đang nỗ lực dập dịch bệnh hại lúa, ngăn chặn lây lan…

Thời gian qua, thời tiết sáng sớm có sương mù, ngày nắng ấm, chiều tối và đêm trời se lạnh nên rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại. Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 420 ha lúa đông-xuân bị nhiễm bệnh.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình hướng dẫn bà con cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn lá. Ảnh: N.Tâm

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình hướng dẫn bà con cách nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn lá. Ảnh: N.Tâm

Trong đó, lúa bị bệnh đạo ôn trên lá là phổ biến. Các huyện như Lệ Thủy, Quảng Ninh… có diện tích lúa bị nhiễm bệnh cao nhất. Phần lớn diện tích có tỉ lệ nhiễm bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 15-20%, cục bộ 50-60%, cấp bệnh 1-3, nơi cao cấp 5, cục bộ cháy chòm.

 “Bệnh xuất hiện chủ yếu trên các giống P6, Đài thơm 8, X21… Thời gian tới, dự báo bệnh đạo ôn lá sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên diện rộng và tiềm ẩn rất lớn nguồn nấm gây bệnh đạo ôn cổ bông giai đoạn trổ làm ảnh hưởng đến năng suất lúa đông- xuân”- ông Tứ nhận định.

Diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá nên được cắt bỏ phần lá nhiễm bệnh sau đó phun thuốc đặc trị để phòng trừ. Ảnh: N.Tâm

Diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá nên được cắt bỏ phần lá nhiễm bệnh sau đó phun thuốc đặc trị để phòng trừ. Ảnh: N.Tâm

Trên cánh đồng ngoài thôn Lê Xá (xã Mai Thủy -huyện Lệ Thủy), gia đình ông Lê Văn Tới gieo cấy hơn 3 sào lúa. Khi hay tin có bệnh đạo ôn, ông đã phun thuốc BVTV.

“Sau 5 ngày phun thuốc, tôi ra thăm đồng thì thấy bệnh đạo ôn càng nặng thêm. Trên ruộng, một số đám lúa đã có hiện tượng cháy lá. May nhờ các anh bên Chi cục Trồng trọt trao đổi bứt hết lá lúa đã nhiễm bệnh nên đã hạn chế được”- ông Tới cho hay.

Bà Nguyễn Thị Diễn, một nông dân xã Mai Thủy cũng cho biết, gia đình có 5 sào lúa, trong đó đã bị nhiễm gần nữa diện tích. Bà nhổ mấy khóm lúa đã bị nhiễm nặng mang đến nhờ các anh cán bộ kỹ thuật Chi cục hướng dẫn hộ.

Lúa bị bệnh đạo ôn lá nặng dẫn đến bị khô cháy. Ảnh:  N.Tâm

Lúa bị bệnh đạo ôn lá nặng dẫn đến bị khô cháy. Ảnh:  N.Tâm

Sau đó, bà Diễn ngồi xuống bờ ruộng thao tác cách cắt ngọn lúa để trừ đạo ôn. Ông Lê Xuân Tứ hướng dẫn và khuyến cáo bà con: “Nên dùng liềm cắt hết lá bị nhiễm bệnh đạo ôn. Khi lá non chồi lên thì bà con phun thuốc đặc trị. Khi phun vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều muộn là tốt nhất”.

Hiện nay, lúa đông - xuân trà sớm, trà chính vụ giai đoạn đứng cái, làm đòng. Những trà muộn đang kỳ đẻ nhánh cũng vào thời điểm dễ bị bệnh đạo ôn lá và có nguy cơ dẫn đến đạo ôn cổ bông nếu không phòng trừ tốt.

Để bảo đảm an toàn sản xuất, Sở NN- PTNT Quảng Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức kiểm tra đồng ruộng nắm chắc tình hình bệnh đạo ôn (đặc biệt trên các giống nhiễm) để chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn được bà con cắt bỏ lá đã lên lại màu xanh mới. Ảnh: N.Tâm

Diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn được bà con cắt bỏ lá đã lên lại màu xanh mới. Ảnh: N.Tâm

Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình đã chỉ đạo, đôn đốc các phòng ban liên quan tích cực bám sát cơ sở phối hợp với các địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

“Chi cục Trồng trọt và BVTV tích cực kiểm tra giám sát các cơ sở buôn bán thuốc BVTV nhằm đảm bảo cung ứng đúng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông báo kịp thời tình hình bệnh đạo ôn hại lúa và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho bà con nông dân”- ông Mai Văn Minh chỉ đạo.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.