Sau bão số 3 có mưa, nông dân ra đồng chăm sóc lúa sau đợt khô hạn, đồng thời tiếp tục khoan giếng cứu lúa.
Cánh đồng xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) nứt nẻ vì thiếu nước. |
Trên cánh đồng Tiệm, đồng Hạ, đồng Quao thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), nông dân ra đồng vãi phân lúa, ngăn chuột cắn phá lúa. Ông Phan Văn Tấn đang làm ruộng ở đồng Quao nói: "Cánh đồng này tưới nước kênh KC4 dẫn nước từ đập Tam Giang về. Thế nhưng do đập Tam Giang xuống mực nước chết phải đặt máy bơm, ruộng không đủ nước tưới ngập khô xen kẽ, cây lúa sống cầm chừng. Mới đây có đợt mưa to, tôi ra ruộng vãi phân NPK cho lúa có sức trở lại làm đòng. Do ruộng khô nước nên chuột cắn phá, giờ đặt bẫy, bẹo hình nộm ngăn chuột".
Còn tại cánh đồng xã An Ninh Tây, ruộng lúa đơm lên màu xanh. Nông dân Bùi Văn Tính, ở xã An Ninh Tây chia sẻ: Ruộng nhà tôi trước đây héo úa, nhờ đợt mưa to vừa qua ruộng có nước chân, sau đó có cơn mưa nhỏ, kết hợp với nước máy trạm bơm tưới bổ sung, tôi “thúc” phân đạm, kali cho cây lúa cứng ra lá xanh trổ đòng. Hy vọng cuối vụ gỡ lại tiền phân thuốc, cày bừa…
Đập Tam Giang xuống mực nước chết, gần tháng qua, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã triển khai 6 máy bơm điện bơm dội nước sông Kỳ Lộ lên kênh cứu lúa. Ông Trình Nhu, Trưởng trạm Quản lý Thủy nông huyện Tuy An cho hay, với 6 máy bơm điện lắp đặt tại tập Tam Giang công suất 800m3/giờ/máy, hoạt động hết công suất tưới cho cánh đồng các xã An Thạch, An Ninh Tây và An Ninh Đông.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, ngoài 6 máy bơm điện trên thì các HTX trong huyện cũng chủ động lắp máy bơm dầu “cứu” cây lúa. Theo đó, HTX Nông nghiệp An Cư bố trí 4 máy bơm dầu tưới cánh đồng Gò Vôi, Gò Giữ và đồng Vỡ; HTX An Ninh Tây lắp đặt 2 máy bơm dầu tưới cánh đồng Bình Thạnh. Thế nhưng do nắng hạn gay gắt, làm cho 650ha lúa ở các xã An Thạch, An Ninh Tây, An Ninh Đông, An Cư và thị trấn Chí Thạnh thiếu nước tưới, ruộng khô héo, nhờ đợt mưa vừa qua, kết hợp tưới bổ sung cơ bản ruộng có nước chân, nông dân bón phân thúc đòng.
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, cho biết: Những ngày qua có cơn mưa “giải hạn”, thế nhưng Phòng NN-PTNT huyện đề nghị Trạm Quản lý Thủy nông Tuy An phối hợp với các địa phương có lịch điều tiết nước hợp lý đưa về các hạ lưu sau hệ thống Tam Giang như hệ thống đập Đồng Kho, Giới Dện (xã An Dân); đập Ông Tấn, Bà Câu, Ông Sương (xã An Cư) theo định kỳ có nguồn nước để bơm, đồng thời hỗ trợ kinh phí chống hạn cho các HTX, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.
Trên các cánh đồng xã Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa); Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) cũng khô hạn. Thống kê có trên 1.020ha lúa bị khô hạn, địa phương khoan giếng chống hạn. Ông Phan Văn Long, ở xã Hòa Thịnh tranh thủ ra đồng lấy nước vô ruộng. “Lúa đang thời kỳ làm đòng, tôi lấy nước từ giếng khoan rồi thúc phân cho cây lúa đón đòng. Trước đó, ruộng lúa khô nước đói phân phát triển kém”, ông Long nói.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đợt nắng nóng từ tháng 6 đến tháng 7 là đợt nắng nóng kéo dài nhất trong 30 năm qua, nhiều địa phương đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị thủy nông hỗ trợ máy bơm lưu động, bơm hút nước từ hồ đập, kênh dẫn đưa về chân ruộng phục vụ tưới dưỡng lúa. TS Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Những ngày qua, trời có mưa nhỏ nhưng mực nước tại các hồ đập vẫn ở mức thấp nên công tác hạn vẫn đặt lên hàng đầu. Công ty Thủy nông Đồng Cam lắp các trạm bơm dã chiến liên tục tưới tăng ca, đồng thời phối hợp với các địa phương khoan giếng tại những vị trí có nguồn nước để cứu lúa. |