| Hotline: 0983.970.780

SGK Lịch sử 7 - Những điều chưa chuẩn

Thứ Năm 12/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

So với SGK Lịch sử 6 thì Lịch sử 7 tỏ ra toàn diện hơn nhưng nó lại tồn tại những điều chưa chuẩn mang tính hệ thống của cả một bộ sách.

So với SGK Lịch sử 6 dày đặc "sạn" thì Lịch sử 7 tỏ ra toàn diện hơn ở cách giải thích thuật ngữ “Hào trưởng” (người có quyền lực lớn nhất, đứng đầu một địa phương thời phong kiến), nhưng nó lại cho thấy những điều chưa chuẩn mang tính hệ thống của cả một bộ sách.

Viết hoa, không viết hoa đều ngẫu hứng, tùy tiện

Có thể nói, việc viết hoa hay không viết hoa ngẫu hứng, tùy tiện là cảm hứng chủ đạo của LS 7. Cùng một địa danh, khi kể các công trình trong khu Đại Nội (Huế) sách ghi Ngọ Môn (trang 144) song đến hình minh họa kèm theo, học sinh và giáo viên được chỉ dẫn: Ngọ môn (trang 145). Với các chức danh hoặc học vị thi cử thời xưa, LS 7 không theo một quy chuẩn nào cả: “Nhà Trần định lệ thi thái học sinh” (trang 72) trong khi Nguyễn Phi Khanh “đỗ Thái học sinh thời Trần” (trang 74); “Mờ sáng mồng 5 tết”, quân Tây Sơn đánh đồn Ngọc Hồi và đến “trưa mồng 5 Tết”, đoàn quân tiến vào Thăng Long giữa muôn tiếng reo hò (trang 130)…

Rồi nữa, ở thế kỷ XV, Ngô Sỹ Liên “đỗ tiến sĩ năm 1442” còn Lương Thế Vinh “đỗ Trạng nguyên năm 1463” (trang 103); “Phó tổng binh” Lương Minh lên thay Liễu Thăng, sau đó “Tổng binh Lương Minh bị giết tại trận” (trang 91)...Cùng là học vị, chức tước mà viết tùy tiện như vậy thì thật là khó hiểu. Sự tùy tiện này còn thể hiện trong việc trích dẫn các nguồn sử liệu: trang 61, LS 7 dẫn bài thơ “Phò giá về kinh” (Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu), học sinh được biết đó là bản dịch của Trần Trọng Kim; ngược lại, các trang 83, 86, 90, 91 sách trích bản dịch bài “Bình Ngô đại cáo”, các em không được biết tác giả bản dịch ấy là ai.

Lê Hoàn không có… sinh quán

Viết về Đinh Bộ Lĩnh, LS 7 chỉ rõ: ông “là người động Hoa Lư (Gia Viễn - Ninh Bình), con trai của Đinh Công Trứ”; học sinh cũng được biết “Lý Công Uẩn người châu cổ Pháp (Từ Sơn - Bắc Ninh). Thuở nhỏ làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Văn”, hay “Lý Thường Kiệt sinh năm 1019 tại phường Thái Hòa, Thăng Long (nay thuộc Hà Nội)”…vậy mà kỳ lạ thay, học về Lê Hoàn và nhà Tiền Lê, các em có những dòng thông tin rất…vu vơ, siêu hình về sinh quán của vị Thập đạo tướng quân rằng: “Lê Hoàn sinh năm 941 trong một gia đình nghèo” (trang 29). “Gia đình nghèo” này thuộc vùng quê nào nhỉ?

Theo “Đại cương Lịch sử Việt Nam Toàn tập” (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002, trang 110): “Lê Hoàn là người Xuân Lập (Thọ Xuân - Thanh Hóa), quê gốc ở Thanh Liêm (Hà Nam)”. Ngay cả khi các tác giả LS 7 có tài liệu khác - không đồng tình với quan điểm trên đây, thiết tưởng thay vì một thái độ lảng tránh, vẫn phải giới thiệu cho giáo viên, học sinh.

Ngoài việc LS 7 cần nhanh chóng chỉnh sửa nhiều thay đổi về địa danh sau khi hợp nhất Hà Nội như: Quốc Oai (trang 27), Đa Bang (trang 79), Ba Vì (trang 82), Chương Mỹ (trang 90), La Khê (trang 110), Thường Tín (trang 138), Sơn Tây (trang 142), chùa Tây Phương (trang 144)…thì còn không ít nội dung khác được đề cập trong sách chưa thể khiến độc giả yên tâm: tượng voi chầu ở khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) được làm bằng “xi măng” chứ không phải chất liệu “đá” như chú thích hình 46 của SGK (trang 101). “Hồng Đức quốc âm thi tập” là sản phẩm tinh thần của nhiều tác giả thời Hồng Đức, chẳng phải của riêng Lê Thánh Tông như LS 7 ngộ nhận (trang 103).

Viết “Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm được cử lên thay nắm toàn bộ binh quyền. Người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam” (trang 108) có thể đem lại nhận thức sai về lịch sử. Sự thật, sau khi Nguyễn Kim bị mưu sát, Trịnh Kiểm tìm cách loại trừ những người con của ông để dễ bề thâu tóm quyền bính. Nguyễn Uông (anh trai Nguyễn Hoàng) đã bị ám hại. Lo sợ cho thân phận mình, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái (vợ Trịnh Kiểm) xin vào trấn thủ Thuận Hóa để yên thân. “Xin vào” khác với “được cử”. Ở chỗ này, LS 10 (trang 108) chính xác hơn LS 7 khi dùng chữ “xin được vào”.

Hai câu văn dưới đây cũng rất đáng phàn nàn: “Trải qua nhiều thế kỷ, văn học viết bằng chữ Nôm phát triển đến đỉnh cao, tiêu biểu là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều là tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Du, làm rạng rỡ nền văn học dân tộc” (trang 143); “Thời tiền sử: thời kỳ lịch sử tương ứng với thời kỳ của xã hội nguyên thủy, khi chưa có chữ viết và nhà nước” (trang 155)…Nếu dẫn chứng đầu tiên có hai câu văn ngắn mà hai lần các tác giả lặp lại các cụm từ “Truyện Kiều”, “của Nguyễn Du” thì dẫn chứng tiếp theo chỉ một câu, hai lần chữ “thời kỳ” được sử dụng - làm khả năng biểu đạt của LS 7 nghèo nàn đi rất nhiều.

Và theo bảng tra cứu thuật ngữ dưới đây, học sinh không thể phân biệt được đâu là sự khác nhau về quyền chức giữa “Tể tướng” và “Thái sư”. Theo LS 7, “Tể tướng: người đứng đầu bộ máy nhà nước, sau vua” (trang 155); “Thái sư: viên quan đứng đầu các quan lại trong triều” (trang 155).

Viết SGK như thế, học sinh còn được bao nhiêu niềm vui, hứng thú với môn học này?

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.