Những lưu ý khi chọn mua thực phẩm Tết
Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu các loại thực phẩm luôn tăng cao, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trái cây, thịt, nem chả, thủy hải sản... Đây cũng là dịp các cơ sở sản xuất mùa vụ, chưa được quản lý về an toàn thực phẩm, nguy cơ thực phẩm kém chất lượng và không đảm bảo an toàn trà trộn, lưu thông trên thị trường có thể xảy ra. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho gia đình, người tiêu dùng cần phải có một số kiến thức cơ bản và lưu ý khi lựa chọn thực phẩm.
Để lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, trước hết người tiêu dùng cần phải quan tâm đến nguồn gốc của thực phẩm, nên mua thực phẩm ở những địa điểm rõ ràng, có đăng ký kinh doanh, được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết kinh doanh thực phẩm an toàn, cơ sở kinh doanh phải sạch sẽ, ngăn nắp, có đủ điều kiện bảo quản theo quy định của nhà sản xuất.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể chọn mua thực phẩm ở những cơ sở/cửa hàng có xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, vì đây là những sản phẩm được cơ quan chức năng giám sát thường xuyên. Bên cạnh đó, người tiêu dùng khi mua thực phẩm cần cảnh giác với hàng hóa bao gói, không có nhãn mác, không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.
Ông Lê Quang Biên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị) cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, các loại thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trái cây, thịt, thủy hải sản… hoặc thực phẩm khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, mực khô... và những thực phẩm cổ truyền gói sẵn như nem, chả, bánh chưng… luôn thu hút số lượng lớn người sử dụng. Khi chọn mua sản phẩm, người tiêu dùng cần chú ý đến ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất, bao bì nhãn mác rõ ràng, nguyên vẹn. Người tiêu dùng không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh việc sử dụng thực phẩm không tươi, mất dinh dưỡng hoặc mốc, hỏng.
Ông Lê Quang Biên cũng khuyến cáo, mỗi loại thực phẩm có tính chất, đặc điểm cũng như cách thức bày bán khác nhau, do đó người tiêu dùng cần lưu ý riêng từng loại thực phẩm. Đối với thực phẩm có bao gói hoàn chỉnh, cần kiểm tra thông tin về nhãn mác rõ ràng, đầy đủ như ngày sản xuất, hạn sử dụng, đơn vị sản xuất, hướng dẫn bảo quản. Lưu ý, không sử dụng những sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
Các sản phẩm tươi sống cần lưu ý về mặt cảm quan. Ví dụ với rau củ quả, nên chọn loại còn tươi, còn nguyên cuống, không dập nát, héo úa, có màu sắc tự nhiên, không chọn những loại thực phẩm có màu sắc, kích thước khác thường. Đối với thịt, cần chọn thịt có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, đối với thịt bò cần có tem vệ sinh thú y. Thịt không có mùi kháng sinh, không có biểu hiện ôi thiu, không rỉ nước hoặc có dấu hiệu xuất huyết. Đối với cá, cần chọn cá tươi, mắt trong, mang đỏ và còn nhớt, vảy còn dính chặt với da, có độ đàn hồi tốt.
Các sản phẩm chế biến sẵn như nem, giò chả, người mua cần biết rõ cơ sở sản xuất, nên lựa chọn những cơ sở được chứng nhận về an toàn thực phẩm, cơ sở cam kết sản phẩm không có hàn the, sản phẩm được bao gói kín, hợp vệ sinh. Lưu ý những loại chả quá giòn, để ở môi trưường bình thường lâu bị hư thì dễ có nguy cơ người sản xuất có sử dụng hàn the trong sản phẩm.
Xây dựng 15 chuỗi thực phẩm an toàn
Hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã hình thành các kênh bán hàng thông qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội Zalo, Facebook, do đó để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng phải quan tâm đến thông tin nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, kiểm tra nhãn mác kỹ trước khi sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Hóa, một hộ tiêu dùng tại xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết: “Để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, chị thường chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng có uy tín, có địa điểm rõ ràng. Sản phẩm có địa chỉ sản xuất, có chứng nhận về an toàn thực phẩm, nhãn mác đầy đủ, trong hạn sử dụng.
Nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm an toàn và rõ ràng nguồn gốc, hiện nay, Quảng Trị đã xây dựng 15 chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn gồm: Thịt heo, thịt gà, rau, nước mắm, gạo lứt, chuỗi cà phê bột, chuỗi trà gạo lứt, chuỗi cao chè vằng, cà gai leo. Các sản phẩm này được bày bán ở các địa điểm gồm: Cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong (125 Hùng Vương, TP Đông Hà), nước mắm Huỳnh Kế (Thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh), Cửa hàng Khai Hà (Khu phố 3, Thị trấn Cửa Việt, Gio Linh), cửa hàng Nông sản sạch Liên Giang (67 Nguyễn Trãi, TP Đông Hà), cửa hàng thực phẩm sạch Quang Organic (220 Hùng Vương, TP Đông Hà)… Đây là những sản phẩm được cơ quan chức năng giám sát thường xuyên.
Chị Phan Thị Giang, chủ cửa hàng Nông sản sạch Liên Giang (TP Đông Hà) cho biết: "Để cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn đến người tiêu dùng, chúng tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất từ nhập nguyên liệu đến ra thành phẩm. Sản xuất có nguồn gốc xuất xứ, hàng năm được cơ quan chức năng thường xuyên giám sát về an toàn thực phẩm. Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu của sản phẩm, chúng tôi tuyệt đối không sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong quá trình sản xuất”.
Với mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân vui xuân đón Tết, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023, đồng thời thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023.
Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: Tết Nguyên đán là tháng cao điểm về ATTP. Vì vậy để góp phần đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản, Chi cục sẽ triển khai nhiều biện pháp quản lý đối với người sản xuất, kinh doanh như kiểm tra, thanh tra, lấy mẫu giám sát các hóa chất độc hại nhằm hạn chế tối thiểu sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo ATTP.
Để nâng cao hiểu biết về ATTP cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm đảm bảo ATTP, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hướng dẫn cho người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn bằng hình thức xây dựng phóng sự, treo băng rôn, phát thanh, phát tờ rơi tuyên truyền...
Bên cạnh sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng, mỗi người tiêu dùng hãy là nhà mua sắm thông thái, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, người tiêu dùng cần kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời vào cuộc điều tra, xử lý...