Những nỗ lực từ phía Việt Nam
Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kể từ khi bị thẻ vàng, Việt Nam đã rất nỗ lực để tuân thủ các yêu cầu mà EC quy định. Tháng 11/2019, đoàn thanh tra của EC đã đến thị sát Việt Nam để đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Trong thư gửi cho Tổng cục Thủy sản Việt Nam (Bộ NN-PTNT) vào ngày 19/12/2019, đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận những cải tiến đáng kể của Việt Nam trong việc theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, quy trình quản lý, tổ chức tàu cá và sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả.
Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá, đưa ra các quy định và thực hiện đánh dấu thiết bị cho tàu cá dựa trên khuyến nghị của EC.
Đoàn thanh tra của EC cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường quản lý mật độ đánh bắt thông qua việc đóng băng các đội tàu đánh bắt xa bờ. Bộ NN-PTNT cũng ban hành quyết định giao chỉ tiêu cấp phép khai thác hải sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.
Đoàn thanh tra khen ngợi những cải tiến của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tàu cá, cập nhật thông tin về cấp phép tàu cá và lập kế hoạch phát triển tàu cá bền vững. Trước đây, Việt Nam chưa có hệ thống giám sát tại cảng nhưng nay đã được triển khai như một mô hình ở Kiên Giang để kiểm soát hiệu quả tàu cá.
Tuy nhiên, một số tồn tại được phía EC chỉ ra như tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm, hệ thống giám sát chưa đồng bộ, còn nhiều lỗi kỹ thuật, cũng như việc xử phạt vi phạm giữa các địa phương còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
Hiện nay các địa phương đã triển khai xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sau khi đã tuyên truyền, phổ biến kĩ cho bà con ngư dân.
Theo đó, một số tỉnh phía Nam như Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định đã xử phạt những tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài với mức phạt cao, có trường hợp lên đến 1 tỷ đồng.
Quản lý đội tàu bằng công nghệ thông tin
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để Việt Nam có thể sớm gỡ thẻ vàng IUU của EC, giải pháp trọng tâm cần thúc đẩy trong thời gian tới là ngăn chặn, chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Trước khi xuất bến, tàu cá phải có đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn; các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác và có thiết bị giám sát hành trình. Bởi việc ghi chép sổ nhật ký khai thác còn nhiều sai sót nên ngư dân phải ghi nhật ký khai thác đúng, chính xác. Địa phương cũng cần kiểm tra, hướng dẫn, nếu ngư dân tiếp tục tái diễn sai phạm cần xử lý theo quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP.
“Nếu ngư dân vi phạm thì chính quyền, các đoàn thể cần phải đến tận nhà ngư dân có những biện pháp vận động, tuyên truyền hướng dẫn để ngư dân hiểu và không vị phạm. Từ đó, hiệu quả của tuyên truyền sẽ cao hơn”, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.
Để tránh tình trạng các tàu né xử phạt nặng, ông Nguyễn Quang Hùng cho rằng các địa phương cần tăng cường kiểm tra tra giám sát, xử phạt nghiêm nếu tiếp tục vi phạm sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở. Việc này cần triển khai đồng bộ cả 28 tỉnh, thành, tránh tình trạng tàu cá né phạt bằng cách chạy sang tỉnh khác cập bến.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam quản lý tàu cá tương đối nề nếp tuy nhiên trong thời tới cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi theo hướng 4.0 để quản lý tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình từ trung tâm Tổng cục Thủy sản. Toàn bộ cơ sở dữ liệu tàu cá của 28 tỉnh phải được kết nối thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
“Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng dự kiến triển khai việc truy xuất nguồn gốc trên phần mềm điện tử, qua đó đảm bảo tàu cá từ lúc xuất bến đến khi khai thác trên biển và cập cảng, kiểm soát các cơ sở trên bến vào hệ thống cảng cá và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sang thị trường EC”, ông Nguyễn Quang Hùng thông tin.
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 8, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 90,26%. Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Còn lại gần 10% tàu chưa lắp định vị, một phần do ngư dân chưa chi tiền để làm, một phần do nhiều tàu nằm bờ.
Bên cạnh đó, số lượng tàu cá cũng đã thực hiện đánh dấu theo quy định tại Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về đăng kiểm viên tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu công vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá đạt 90,53%.
Việc quản lý đội tàu khai thác hải sản theo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã có kết quả tích cực bước đầu theo hướng duy trì, không tăng số lượng tàu cá hiện có. Theo đó, các địa phương sẽ hoàn thành việc lắp đặt 100% thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá 15m trở lên và đánh dấu tàu cá trong năm 2021.