| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm

Chủ Nhật 08/08/2021 , 18:22 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Tình trạng tàu cá vi phạm về khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra cơ sở hạ tầng Cảng cá Ninh cơ trước khi công nhận Cảng cá là Cảng cá loại I vào tháng 10/2020. Ảnh: MC.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra cơ sở hạ tầng Cảng cá Ninh cơ trước khi công nhận Cảng cá là Cảng cá loại I vào tháng 10/2020. Ảnh: MC.

Tuyên truyền, vận động

Hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 2.140 tàu cá; tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 6.231 người. Ngư trường khai thác chủ yếu là vùng biển Vịnh Bắc bộ và vùng biển miền Trung.

Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định chia sẻ: Hàng năm, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác IUU. Vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm ranh giới các vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Bên cạnh đó, thường xuyên thông báo các chủ tàu sắp hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác liên hệ các trạm thủy sản vùng để được hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá, sơn đánh dấu tàu cá…

Đến nay, 577/894 tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm vẫn còn hạn đăng kiểm, còn lại đã hết hạn. Toàn tỉnh đã đánh dấu tàu cá 1.532/1.592 tàu; cấp giấy phép khai thác thủy sản 823/1.592 tàu; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá 408/530 tàu.

Thương lái thu mua hải sản tại Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: MC.

Thương lái thu mua hải sản tại Cảng cá Ninh Cơ. Ảnh: MC.

Tàu Hải Âu 02 mang biển kiểm soát VN96889TS với công suất trên 600CV, dài hơn 25m của ngư dân Trần Văn Châu (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) chủ yếu đánh bắt hải sản xuyên tỉnh, từ vùng biển Quảng Ninh đổ vào vùng biển các tỉnh miền Trung.

Trung bình, mỗi năm khai thác xa bờ khoảng 20 chuyến. Nhiều năm qua, tàu hoạt động hiệu quả, sản lượng thu về cả năm dao động từ 15 - 16 tấn cá thu. Hiện, tàu của ngư dân Trần Văn Châu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thường xuyên cập bến ở Cảng cá Ninh Cơ (thuộc BQL Cảng cá Nam Định).

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc BQL Cảng cá Nam Định cho biết, QBL Cảng cá có nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm soát đối với tất cả các tàu cá tàu rời, cập cảng cá Ninh Cơ; giám sát sản lượng, thu sổ nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định, bố trí lực lượng thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi chủ tàu có nhu cầu.

Tại Cảng cá Ninh Cơ, thường xuyên có khoảng trên 100 tàu thuyền neo đậu. Đến nay, các tàu neo đậu tại Cảng cơ bản đã lắp đặt thiết bị GSHT. 6 tháng đầu năm, BQL Cảng cá Nam Định đã kiểm soát được 1.566 lượt tàu cập cảng, 48 lượt tàu rời cảng, sản lượng giám sát 6.982,5 tấn; thu 141 sổ nhật ký khai thác.

Theo ông Chung, sau nhiều năm quy hoạch, Cảng cá Ninh Cơ đã được Bộ NN-PTNT công nhận là cảng cá loại I vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, quy mô cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, ra vào của tàu cá có công suất lớn, đặc biệt là tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Vi phạm vẫn còn diễn ra

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định thông tin, thời gian qua, công tác khai thác, vận hành, xử lý tàu cá mất kết nối VMS, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên hệ thống giám sát tàu cá được triển khai tích cực.

Ngư dân Nam Định sửa sang lại ngư lưới cụ trước khi ra khơi. Ảnh: MC.

Ngư dân Nam Định sửa sang lại ngư lưới cụ trước khi ra khơi. Ảnh: MC.

Sở NN-PTNT đã phân quyền sử dụng hệ thống giám sát tàu cá cho các đơn vị trực thuộc. Theo đó, Chi cục Thủy sản thường trực hệ thống giám sát tàu cá, thông báo chủ tàu, yêu cầu thuyền trưởng bật tín hiệu thiết bị GSHT trở lại đối với tàu cá mất tín hiệu, yêu cầu thuyền trưởng đưa tàu quay trở lại vùng biển được phép khai thác đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Qua thống kê, từ năm 2020 đến nay, tàu có chiều dài từ 15 - 24m mất tín hiệu thiết bị GSHT từ 10 ngày trở lên là 553 lượt. Tàu từ 24m trở lên mất tín hiệu thiết bị GSHT dưới 10 ngày là 190 lượt và từ 10 ngày trở lên là 10 lượt. Chi cục Thủy sản Nam Định đã gửi thông báo điều tra, xác minh 201 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày và 2 tàu cá vi phạm ranh giới vùng biển Việt Nam.

Về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản, năm 2020 toàn tỉnh xử lý 74 vụ, phạt hơn 516 triệu đồng. Trong đó, Bộ đội Biên phòng xử lý 50 vụ, phạt 453 triệu đồng; Sở NN-PTNT xử lý 24 vụ, phạt gần 64 triệu đồng.

Riêng 7 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xử lý 46 vụ, phạt 368,5 triệu đồng (Bộ đội Biên phòng 35 vụ, Sở NN-PTNT 12 vụ).

“Tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản, đặc biệt là vi phạm các hành vi khai thác IUU vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu dựa vào lực lượng Biên phòng”, bà Nga đánh giá.

Là huyện ven biển có số lượng lớn tàu, thuyền khai thác xa bờ, Hải Hậu đã tích cực triển khai công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Nhiều tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Cảng cá Ninh Cơ đã lắp đặt các thiết bị cần thiết. Ảnh: MC.

Nhiều tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Cảng cá Ninh Cơ đã lắp đặt các thiết bị cần thiết. Ảnh: MC.

Ông Vũ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu chia sẻ, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cảng cá Ninh Cơ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hải Thịnh, Đồn Biên phòng Văn Lý tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại các cảng cá để nâng cao hoạt động thực thi pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm tàu khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài (nếu có).

Để ngăn chặn, chống hoạt động khai thác thủy sản IUU theo quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá; kiên quyết không cho những tàu cá không bảo đảm các yêu cầu theo quy định ra khơi.

Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm không trang bị thiết bị GSHT; bố trí tàu trực chốt 24/24h tại cửa Hà Lạn, Ninh Cơ và cửa Đáy nhằm ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU.

Tiến độ lắp đặt thiết bị GSHT chưa đạt lộ trình 

Tính đến ngày 22/7/2021, tổng số tàu cá đã lắp thiết bị VMS trên địa tỉnh Nam Định là 457/530 tàu (đạt 86,22%), còn lại 73 tàu chưa lắp chủ yếu đang nằm bờ sửa chữa.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân do còn nhiều chủ tàu chưa quan tâm đến việc đầu tư lắp đặt thiết bị GSHT. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến người dân có tâm lý coi thường pháp luật…

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.