| Hotline: 0983.970.780

'Siêu' dự án chăn nuôi bò trên giấy: Xử lý bằng... nhắc nhở

Thứ Năm 19/07/2018 , 07:01 (GMT+7)

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, vấn đề được ĐB và cử tri quan tâm nhiều nhất là thất bại của “siêu” dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của Cty CP Chăn nuôi Bình Hà...

11-50-18_nh1
Hơn 700ha cỏ đã bị phá sạch

Việc chuyển đổi hơn 200ha cỏ, phục vụ chăn nuôi bò sang trồng chuối Cavendish khi chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh về việc xử lý vi phạm của Cty này, GĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết: “Tỉnh mới chỉ nhắc nhở bằng văn bản”.

Trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVII, vấn đề được ĐB và cử tri quan tâm nhiều nhất là thất bại của “siêu” dự án chăn nuôi bò thịt, bò giống của Cty CP Chăn nuôi Bình Hà tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (NNVN đã phản ánh).

ĐB Nguyễn Huy Hùng, Phó ban pháp chế HĐND tỉnh thẳng thắn cho rằng, hơn 3 năm đi vào hoạt động, dự án không phát huy hiệu quả mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân; đặc biệt là tự tiện chuyển đổi hàng trăm ha cỏ sang trồng chuối mà không báo cáo cơ quan chức năng. “Đề nghị HĐND tỉnh cho biết tỉnh đã xử lý vi phạm này như thế nào?”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Việt, GĐ Sở NN-PTNT trả lời: “Theo quy định của pháp luật việc phá cỏ trồng chuối của Cty nếu xử phạt hành chính sẽ nằm ở mức 30 - 40 triệu đồng. Quan điểm của tỉnh là đồng hành với nhà đầu tư để giúp họ tháo gỡ khó khăn nên tỉnh mới nhắc nhở bằng các văn bản, còn xử phạt là biện pháp cuối cùng”.

11-50-18_nh2
Chuyển sang trồng chuối 200ha

Câu trả lời của người quản lý, điều hành ngành NN-PTNT không làm hài lòng các ĐB. Ngay sau đó, hàng loạt ý kiến tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng đưa ra giải pháp cụ thể xử lý tồn tại ở “siêu” dự án này?

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục theo dõi sát sao hoạt động của Cty; theo dõi, đánh giá hiệu quả của việc trồng chuối; yêu cầu Cty xây dựng phương án tái cơ cấu SX, kinh doanh đảm bảo tính ổn định, trình cấp có thẩm quyền thẩm định từ đó chuyển đổi mục đích đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

“Nếu phương án trồng chuối hiệu quả thì xem đó như là giải pháp tái cơ cấu của Cty còn nếu không hiệu quả thì tỉnh sẽ đánh giá, xem xét thu hồi dự án”, ông Sơn nói. Vị Phó Chủ tịch tỉnh cũng cho biết thêm, việc trồng chuối của Cty Bình Hà sẽ “đóng” ở mức 200ha.

Đối với công tác quản lý đất đai, chính quyền huyện, xã cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, không nên xâm lấn diện tích đã thuộc quyền quản lý của DN. Nếu sau này đánh giá lại dự án không hiệu quả, tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể đến từng hộ gia đình.

“Vừa qua chúng tôi đã có buổi làm việc với Cty Bình Hà. Một điều dễ nhận thấy là Cty cực kỳ lúng túng trong việc tái cơ cấu. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh, DN phải tự mình xây dựng phương án cơ cấu và thực hiện xong trong tháng 8/2018, phía tỉnh chỉ hỗ trợ các chủ trương trong khả năng cho phép”, ông Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT, đến thời điểm này tổng diện tích đất Cty Bình Hà đã bồi thường, GPMB là hơn 1.131/2.163,5ha diện tích được chấp thuận chủ trương đầu tư; trong đó Cẩm Xuyên 691/1.587,6ha; Kỳ Anh 440/584,9ha. Diện tích đã sử dụng thực hiện dự án là hơn 891ha, còn 239,5ha Cty đã chuyển tiền bồi thường nhưng chưa sử dụng.

Đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc chủ trương đầu tư dự án nhưng Cty Bình Hà chưa thực hiện công tác bồi thường và tiếp nhận bàn giao (Cty Cao su Hà Tĩnh 718 ha; Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ 209ha; UBND các xã Kỳ Hợp (22ha), Kỳ Lâm (27ha), Cẩm Quan (187ha) và hộ gia đình 55 ha), UBND tỉnh yêu cầu chủ rừng tiếp tục quản lý, bảo vệ, SX theo đúng quy định pháp luật.

Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay dự án chăn nuôi bò Bình Hà chỉ mới đạt quy mô bình quân 15.000 con bò/năm, bằng 50% quy mô đầu tư giai đoạn 1 (30.000 con/năm) và bằng 6% so với quy mô dự án (254.200 con/năm); Cty chưa thực hiện được việc nhập ngoài bò giống để nuôi sinh sản; chưa thực hiện được việc liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân. 

Hiện đàn bò còn lại chỉ đạt 1.140 con nên hệ thống chuồng trại đã xây dựng tại Kỳ Tây (Kỳ Anh) và một phần tại Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) để trống, không chăn nuôi.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.