| Hotline: 0983.970.780

Sinh kế từ rong biển: Nhận diện thách thức

Thứ Năm 08/12/2022 , 06:05 (GMT+7)

Nuôi trồng rong biển là nghề còn khá xa lạ đối với ngư dân, để phát triển nghề này, ngành chức năng và ngư dân cần nhận diện rõ những thách thức để vượt qua.

Giải mối lo về giống

Bài liên quan

Rong biển cũng không khác gì những loài thủy sản khác, trong nuôi trồng, giống là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành bại, nhất là khi môi trường sản xuất bị suy giảm do nhiệt độ nước biển tăng như hiện nay. Trong khi đó, chất lượng giống rong ngày càng suy giảm do giống gốc hầu hết được nhập ngoại, sau thời gian dài nhân vô tính, chất lượng giống suy thoái nghiêm trọng từ tốc độ sinh trưởng, hàm lượng đến chất lượng. Nhân giống sinh trưởng lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến tình trạng thoái hóa giống, làm giảm khả năng sinh trưởng của rong, giảm chất lượng và rong dễ nhiễm bệnh.

Hiện nay, nhiều hộ dân trồng rong sử dụng giống tự nhiên vớt từ các ao đầm, việc khai thác giống rong tùy tiện khiến nguồn giống tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Trong khi ở nhiều nơi người trồng rong bị động về giống do không được trồng, lưu trữ quanh năm.

Việc trồng rong giống cũng bị hạn chế do phải cạnh tranh không gian biển với những nghề nuôi trồng thủy sản khác. Bởi, rong biển thường được trồng ở những vùng biển gần bờ, có độ sâu thấp để rong dễ dàng quang hợp ánh nắng mặt trời, đồng thời để thuận lợi cho việc chăm sóc. Hơn nữa, trồng rong ở vùng biển gần bờ hoặc ao đầm ven bờ ít tốn kém về chi phí đầu tư công lao động hơn trồng ở vùng biển xa bờ. Thế nhưng trồng rong ở vùng biển gần bờ phải cạnh tranh khốc liệt không gian biển với những nghề nuôi trồng thủy sản khác, vì diện tích vùng biển gần bờ ngày càng bị thu hẹp do được ưu tiên quy hoạch cho du lịch hoặc nuôi các loài thủy sản khác.

Theo ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thời gian gần đây, Bộ NN-PTNT chỉ đạo cho ngành chức năng ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghệ phục tráng, chọn tạo để nâng cao chất lượng giống rong; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, du nhập các loài rong có chất lượng cao, phù hợp với sinh thái của các địa phương.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong nghiên cứu giống rong biển, từ năm 2013, đơn vị này đã triển khai nghiên cứu nhân giống rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô. Kết quả đã cho ra bộ giống rong thuần có hàm lượng carrageenan cao đến 47%, sức đông cao 690 - 710 g/cm2, độ nhớt 135Ps, đảm bảo chất lượng thành phẩm, đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Ngành chức năng cũng đã xây dựng được quy trình nhân giống rong sụn bằng phương pháp nuôi cấy mô. Kết quả thử nghiệm ứng dụng đã cho thấy hiệu quả, góp phần duy trì khả năng tăng trưởng hàm lượng carrageenan và giảm nhiễm bệnh ở rong, duy trì ổn định năng suất thu hoạch. Kết quả này bước đầu đã làm chủ được công nghệ nhân giống rong, hướng tới chủ động nâng cao quy trình công nghệ sản xuất, cung ứng rong giống chất lượng cao cho người trồng rong cả nước, giảm phụ thuộc vào nguồn rong giống nhập khẩu.

“Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng rong sụn cho năng suất và hàm lượng carrageenan cao trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, với mục tiêu chọn ra giống rong sụn chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực. Hiện nay, đã lựa chọn được những chủng giống phù hợp với điều kiện sinh thái của khu vực Nam Trung bộ để tiếp tục nhân rộng; đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm nhân giống và trồng rong sụn tại khu vực vịnh Bắc bộ”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thông tin.

Hướng phát triển bền vững

Việt Nam đã có mô hình thành công nuôi trồng rong biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh) của Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát với diện tích 5ha. Mô hình này phân định rạch ròi 3 khu vực, khu vực lồng ươm giữ giống, khu vực giàn phao nuôi trồng rong và khu vực giàn phơi rong trên biển. Tốc độ sinh trưởng của rong đạt cao hơn 15 - 20% so với các khu vực nuôi truyền thống tại miền Trung. Sau 45 - 60 ngày nuôi trồng có thể thu hoạch hàng ngày từ 0,5 - 0,7 tấn/ha. Sau gần 3 tháng nuôi thu hoạch được 20 tấn rong tươi, tương đương 2 tấn khô, công ty cung ứng cho 1 đơn vị sản xuất được 2.000 tấn/năm. Mô hình này đã minh chứng việc nuôi trồng rong mang lại sinh kế tốt cho ngư dân ở các vùng ven biển nếu phát triển bài bản.

Lâu nay, bà con chủ yếu trồng rong biển theo phương pháp truyền thống nên sản lượng rong trồng chưa cao, chất lượng carrageenan không ổn định. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân phơi khô rong biển để bán cho tư thương đến mua gom. Ảnh: V.Đ.T. 

Nhận thấy ngành rong biển đầy tiềm năng, Bộ NN-PTNT tiến hành xây dựng, ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, quy trình sản xuất cụ thể đối với sản xuất rong biển. Đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới trong trồng, chế biến, chiết xuất các vi chất từ rong biển nhằm tạo ra sản phẩm giá trị, giảm thất thoát sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ NN-PTNT tăng cường tập huấn kỹ thuật cho người dân về quy trình nuôi, thu hoạch rong biển, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực, tăng cường hợp tác giữa các Viện, trường, các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp chế biến để chuyển giao các công nghệ về thực phẩm, hóa mỹ phẩm và dược phẩm từ rong biển. Từ đó sẽ xây dựng những đề án trồng, chế biến, tiêu thụ rong biển để làm mô hình cho các địa phương, doanh nghiệp ứng dụng, nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa.

Trong thời gian tới sẽ từng bước hình thành các vùng trồng rong biển tập trung theo hướng chuyên canh, quy mô đủ lớn đảm bảo chất lượng để cung cấp cho các nhà máy chế biến rong biển. Tổ chức phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; hình thành và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rong biển để đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Để rong biển Việt Nam đi xa, theo ông Trần Đình Luân, Bộ NN-PTNT sẽ tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ những kinh nghiệm liên quan đến rong biển từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ. Đặc biệt là kêu gọi hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong phát triển ngành rong biển theo hướng xuất khẩu gắn với bảo tồn và phát triển bền vững môi trường; nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm trong biển trong và ngoài nước.

Người dân phơi khô rong biển để bán cho các tư thương đến mua gom. Ảnh: V.Đ.T.

Lâu nay, bà con chủ yếu trồng rong biển theo phương pháp truyền thống nên sản lượng rong trồng chưa cao, chất lượng carrageenan không ổn định. Ảnh: V.Đ.T.

“Chúng tôi sẽ tham gia hoạt động cùng các tổ chức quốc tế liên quan đến rong biển để tìm kiếm cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ và học hỏi kinh nghiệm phát triển ngành rong biển, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm rong biển Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới”, ông Trần Đình Luân cho hay.

Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng của ngành hàng rong biển, không chỉ ngành chức năng mà cần đến sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt là người dân sống ven biển phải ý thức được việc trồng rong biển chính là tạo ra sinh kế cho chính mình thì mới phát triển được đồng bộ.

Lâu nay, bà con chủ yếu trồng rong biển theo phương pháp truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, sản lượng rong trồng chưa cao, chất lượng carrageenan không ổn định. Công nghệ thu hoạch, bảo quản và xử lý sản phẩm sau thu hoạch còn thô sơ, dẫn tới chất lượng và sinh khối của rong biển chưa cao. Thêm nữa, do ngành rong biển chưa được quy hoạch, sản xuất thiếu đồng bộ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đó là những vấn đề cần phải thay đổi để ngành rong biển phát triển theo hướng bền vững.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.