“Háo hức” với rong biển
Nghe Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành hàng rong biển” tại Phú Yên, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và thủy sản Nhơn Hải ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định), dù bộn bề công việc mà vẫn lặn lội đi tham dự để nghe ngóng, học tập cách nuôi trồng về triển khai tại quê nhà.
Theo anh Sáng, vùng biển Nhơn Hải rất có tiềm năng phát triển trồng rong biển. Những năm trước đây, đến mùa khai thác rong biển, loài thủy sản này cho người dân địa phương tiền bạc rủng rỉnh. Khi chính quyền địa phương không còn cho người dân khai thác rong biển nữa để bảo vệ rạn san hô, vào đầu thập niên 2000 của thế kỷ trước, người dân đã mày mò trồng rong sụn. Hhọ trồng dày đặc dọc bờ biển nhưng thất bại, bây giờ anh Sáng phải đi học tập cách nuôi trồng rong biển để về truyền đạt lại cho bà con.
“Trong năm 2023, chúng tôi sẽ khuyến cáo ngư dân trong xã trồng rong sụn cả ở những vùng biển có mực nước nông và cả mực nước sâu để xem vùng nước nào phù hợp, sau đó nhân rộng để tạo sinh kế cho bà con. HTX chúng tôi đang sản xuất nước giải khát rong câu nhưng mua nguyên liệu khó quá, năm nào nhiều nhất chúng tôi mua tại địa phương được hơn 100kg rong câu chân vịt khô, năm nào ít chỉ mua được 50 - 60kg, hầu hết là rong khai thác từ tự nhiên. Nếu trồng thành công, chúng tôi sẽ thay thế nguyên liệu rong câu chân vịt bằng rong sụn để hoạt động sản xuất nước giải khát của HTX được bền vững. Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi sẽ lấy sản phẩm này đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương”, anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng bộc bạch.
Những mô hình trồng rong thành công ở Việt Nam đã mang đến cho những người đang háo hức với rong biển như anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng niềm hy vọng lớn. Tại Việt Nam, từ năm 2002, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Nha Trang đã nhập giống rong nho từ Nhật Bản về nghiên cứu, trồng thử nghiệm bằng phương pháp sinh sản dinh dưỡng trong bể composite và trên nền đáy ao. Nghiên cứu cho thấy rong nho có thể nuôi trồng trong những ao nuôi tôm đáy bùn nhiều chất hữu cơ.
Năm 2003, rong nho được trường Đại học Nông Lâm TP.HCM trồng khảo nghiệm tại Bình Thuận trong hệ thống bể xi măng và composite, kết quả cho thấy rong nho phát triển nhanh trong điều kiện nuôi theo quy trình khép kín, một đợt nuôi khoảng 30 ngày là cho thu hoạch.
Tại Phú Yên, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với 1 doanh nghiệp thực hiện chương trình nuôi cấy mô rong sụn. Đến nay đã cắt, ương được khoảng 500.000 mô giống và nuôi thử nghiệm thương phẩm rong sụn ngoài vùng biển hở tại Trạm Giống thủy sản thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Phú Yên với diện tích 5.000m2. Kết quả sau 4 tháng nuôi trồng đã thu hoạch được khoảng 20.000kg rong tươi, rong có chất lượng tốt.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, nuôi kết hợp là hình thức phổ biến vì nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng mặt nước. Trong Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm và rong biển tại một số tỉnh ven biển miền Trung, mô hình cho kết quả khả quan.
Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lợi nhuận của mô hình nuôi kết hợp đạt 449,4 triệu đồng/ha/vụ. So sánh với mô hình nuôi đơn của các hộ khác có cùng diện tích nuôi, lợi nhuận nuôi đơn chỉ đạt 259 triệu đồng/ha/vụ.
Đầu ra vô tận
Theo nghiên cứu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), từ năm 1965 đến năm 2012, trên thế giới đã phát triển 3.129 sản phẩm tự nhiên hoặc các phân tử có hoạt tính sinh học từ rong biển; chiếm 53% trong đó được được chiết xuất từ rong đỏ, 39% từ rong nâu và 8% từ rong lục.
Tăng trưởng đáng chú ý của thị trường rong biển là việc ứng dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, đây là động lực thúc đẩy thương mại rong biển. Chiết xuất rong biển cũng đang phát triển ứng dụng mạnh mẽ trong dược phẩm, dệt may, mỹ phẩm, giấy, nhiên liệu sinh học, phụ gia cho thức ăn gia súc. Đặc biệt, rong biển khô được phát hiện có hiệu quả trong việc kiểm soát, loại bỏ khí mê tan từ 50 - 70% trong xử lý ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Sức tiêu thụ rong biển tại châu Á - Thái Bình Dương chiếm 75% toàn thị trường rong biển thương mại vào năm 2016 và sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới.
Gần đây, châu Âu và Bắc Mỹ đã đi sâu vào ngành công nghiệp rong biển, phát triển nhanh nhờ ứng dụng rộng rãi của sản phẩm trên nhiều lĩnh vực. Sức tiêu thụ rong biển tại nhiều nước châu Á hiện đang rất mạnh mẽ, riêng người Nhật tiêu thụ trung bình 10,4 g/người/ngày với hơn 20 loài rong khác nhau; người Hàn Quốc tiêu thụ 8,5 g/người/ngày; người Trung Quốc tiêu thụ 5,2 g/người/ngày. Những năm gần đây, người phương Tây cũng “tăng tốc” tiêu thụ rong biển, các sản phẩm chứa rong biển đã có sẵn trên thị trường châu Âu như gia vị, đồ ăn nhẹ, xúc xích, bít tết, bánh mì hoặc mì ống.
Riêng tại Việt Nam, công nghệ chế biến các sản phẩm rong biển còn thô sơ, chủ yếu là phơi khô, ướp muối hay bán tươi. Các nghiên cứu tách chiết, tinh chế các hoạt chất sinh học từ rong biển chưa có quy mô hàng hóa, phần lớn vẫn còn trong phòng thí nghiệm. Ứng dụng rong biển trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm, y dược còn hạn chế, chủ yếu làm thực phẩm là chính. Các sản phẩm chế biến của Việt Nam chủ yếu tiêu thụ trong nước, chỉ mới xuất khẩu nguyên liệu thô và một lượng nhỏ rong nho tách nước.
Nhu cầu là vô cùng, trong khi sản lượng rong biển khai thác và nuôi trồng của Việt Nam là rất ít và việc phát triển ngành rong biển còn rất hạn chế.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Rau câu Sơn Hải ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), đơn vị chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm bột carrageenan từ rong sụn, đối tác nước ngoài đánh giá vùng biển Nam Trung bộ rất có tiềm năng nuôi trồng rong biển, chính vì thế công ty mới đặt nhà máy sản xuất bột carrageenan tại đây để thu mua rong sụn được trồng từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Thế nhưng do các địa phương chưa phát triển được ngành rong biển, nên bây giờ công ty phải lệ thuộc hoàn toàn vào rong nguyên liệu nhập khẩu.
“Năm 2021, cả vụ chúng tôi chỉ thu mua trong vùng được hơn 60 tấn rong, năm 2022, đến gần cuối năm chúng tôi thu mua được hơn 120 tấn. Để sản xuất được 100 tấn bột, chúng tôi cần 1.200 tấn rong tươi, nên hiện nguồn rong nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 95%. Nguyên liệu nhập khẩu có giá thành rất cao, lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất, làm mất sức cạnh tranh của sản phẩm. Với lợi thế chiều dài bờ biển hơn 3.200km, Việt Nam thừa sức có nguồn rong tốt cung ứng cho các cơ sở sản xuất nếu đồng loạt đẩy mạnh trồng rong tại các địa phương ven biển”, ông Nguyễn Hữu Dũng khẳng định.
“Hiện nay nhiều nơi đã xây dựng được chuỗi liên kết rong biển khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ như ở Quảng Ninh, chúng tôi mong muốn các địa phương trong vùng Nam Trung bộ tùy theo năng lực hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thực hiện những mô hình tương tự. Công ty Cổ phần Super Trường Phát đề nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Phú Yên tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện dự án thí điểm trồng rong sụn tại miền Trung, vùng nuôi trồng chúng tôi đề xuất tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Từ mô hình thí điểm, chúng tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình để tạo sinh kế cho bà con tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Super Trường Phát.