| Hotline: 0983.970.780

Sinh tử nghề biển

Thứ Hai 29/06/2009 , 09:58 (GMT+7)

Với ngư dân, mỗi lần ra biển là mỗi lần đặt cược tính mạng trên đầu ngọn sóng. Nhưng, nếu bảo họ đừng đi biển nữa, chắc chắn họ sẽ lắc đầu,...

Rừng vàng biển bạc. Biển cho con người nhiều nhưng cũng lấy đi không ít. Từ ngàn đời nay, người dân luôn cầu mong "biển lặng, mới yên tấm lòng" nhưng đâu phải lúc nào biển cả cũng chiều lòng người. Lo lắng, sợ hãi, những mối hiểm nguy luôn rình rập hằng ngày. Với ngư dân, mỗi lần ra biển là mỗi lần đặt cược tính mạng trên đầu ngọn sóng. Nhưng, nếu bảo họ đừng đi biển nữa, chắc chắn họ sẽ lắc đầu, bởi đó là nghiệp, là miếng cơm, manh áo...

Trong thời gian gần đây, xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã có bốn người bị mất tích giữa biển khơi do gặp bão, lốc tố. Dẫu biết là hiểm nguy chờ mỗi lần ra khơi nhưng vì kế mưu sinh, ngày ngày họ vẫn phải bám biển.

Gặp nạn ngoài khơi, mấy người trở lại?

“Ông tha mà bà chẳng tha/ Đi biển thì tránh mùng ba, tháng mười” hay “Cứ đến ngày hăm chín, tháng hai/ Thì nhớ tố ông Chuyên, lốc ông Tú, kị ông Hề”. Những kinh nghiệm được anh Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Linh), nhắc đi nhắc lại trong suốt câu chuyện về nghề biển với chúng tôi như là sự đúc kết đầy đủ nhất về những khắc nghiệt mà biển cả dành cho ngư dân.

Trước khi làm việc ở xã, anh Khoa từng có thời gian gần ba năm sống bằng nghề biển. Chỉ ngắn thôi nhưng cũng đủ để anh thấu hiểu những hiểm nguy mà người làm nghề biển phải đối mặt. Trong ký ức của anh vẫn còn vẹn nguyên về cái ngày cả nhà anh phải sống trong tâm trạng lo lắng đến tột độ khi đã một ngày đêm trôi qua vẫn chưa thấy bóng dáng cha anh trở về từ biển. Ngày đó đã qua hơn 10 năm, từ sáng sớm, thấy trời yên, biển lặng, cha anh cùng đội thuyền quyết định ra biển đánh cá. Mới kịp kéo mẻ lưới đầu tiền thì mây đen kéo đến làm bầu trời như tối sầm lại.

Gió gầm rít quăng quật. Mưa tuôn xối xả. Sóng biển dâng cao, tung bọt trắng xoá như chực nuốt chửng lấy con thuyền nhỏ bé. Nhiều bạn nghề trên thuyền quá sợ hãi đã không giữ được bình tĩnh cứ ngồi thụp xuống khoang thuyền rồi ôm lấy nhau mà khóc. Một vài người khác lo xa hơn lại bàn với cha anh, nếu thuyền chìm thì tất cả cùng trói tay lại với nhau để có chết thì sóng biển cũng mang xác vào bờ chứ nếu không làm như thế sợ tất cả sẽ chết mất xác. Giữa khoảnh khắc sống chết cận kề, cha anh mặc dù rất lo lắng cũng phải cố bình tĩnh để trấn an họ là cố gắng đến đâu hay đến đấy chứ không thể cứ ngồi bó tay chờ chết.

Ông bảo họ cứ vững tay chèo đưa thuyền vượt qua từng đợt sóng lớn như mái nhà đổ ập xuống thuyền. Chống chọi với sóng gió cho đến khi trời tối mịt thì cơn lốc tố bắt đầu tạnh hẳn. Đám người chèo con thuyền tả tơi bởi lốc tố, mò mẫn trong đêm tìm hướng vào bờ. Sáng hôm sau, cả đội thuyền mới đặt chân lên bờ. Họ ngồi thụp xuống vốc lấy nắm đất trên bờ biển mà khóc bởi biết mình còn sống sót.

Dừng câu chuyện như để lắng dịu ký ức kinh hoàng về cái ngày cả xóm làng chờ đợi đội thuyền thoát chết trở về từ cơn lốc tố, anh Phú tiếp: "Ở xã Vĩnh Quang này có nhiều trường hợp chết do bão và lốc tố như trường hợp hai cha con ông Võ Giải (52 tuổi), Võ Dưỡng ở thôn An Đức 1 (xã Vĩnh Quang), neo thuyền ở cửa lạch và khi bão ập đến máy quay không nổ nên bị sóng, gió của cơn bão số 7 (tháng 8/2008) cuốn ra biển khiến hai cha con đều chết. Rồi trường hợp anh Trần Văn Huy, Nguyễn Văn Niên cũng bị chết bởi lốc tố, sét đánh trong khi đang đánh bắt thuỷ, hải sản".

Cũng theo anh Phú, ở các làng chài vùng bãi ngang, người lên thuyền lo một, người ở lại lo mười.

Tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Trâm ở thôn Xuân Tiến (xã Gio Việt, huyện Gio Linh). Đưa bàn tay run run dò dẫm bẻ đầu từng con cá duội khô mong kiếm thêm mấy nghìn đồng phụ giúp gia đình đứa con trai còn lại là Nguyễn Công Thịnh, ánh mắt bà chợt nhìn xa xăm khi nhắc đến người con trai đầu. Năm 2005, thuyền của anh con trai đầu bà là Nguyễn Công Thình đánh bắt ở ngư trường Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Trong một chuyến đánh bắt dài ngày, thuyền anh Thình bị tàu chở hàng đâm phải khiến cả ba người trên thuyền bị chết và không tìm thấy xác. Thành thử bây giờ mỗi lúc người con trai thứ hai đi biển là bà hết thắp hương lại ngồi cầu khấn. Mấy hôm nay đài báo nói biển động, không có đêm nào bà yên giấc.

Nghèo thì phải... liều

Dân làng chài đã từng "qui định" rằng, đàn ông sau tuổi 55 thì không thể ra khơi nhưng đã ở tuổi 74, ngày ngày ông Đặng Lịch vẫn phải bám biển để kiếm tiền nuôi bà vợ đau ốm thường xuyên. Gắn trọn đời mình với nghề đi biển, ông Lịch thấm thía hết những cay đắng của dân làng chài: “Đi biển ở các vùng bãi ngang một chuyến cùng lắm cũng chỉ dăm bẩy ngày. Nhưng chừng đó cũng đủ để đối mặt với bao hiểm nguy rồi. Ngư dân chủ yếu đi biển theo kiểu hên xui nhưng không đi biển thì hỏi biết làm nghề gì để sống. Thành thử biết là hiểm nguy nhưng rồi vẫn phải lao vào".

Trong ký ức dân bãi ngang không quên "ngày tang thương" năm 1989. Lốc tố đã làm 5 chiếc thuyền mang theo nhiều thuyền viên của thôn Tân Xuân (xã Gio Việt, huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị) chìm nghỉm vào lòng đại dương. Trong số thuyền viên bị nạn trong trận lốc tố đó có trường hợp hai vợ chồng ông Lê Thân, Nguyễn Thị Côn (thôn Đại Lộc vốn trước đây thuộc xã Gio Việt nay là thị trấn Cửa Việt) đều chết bỏ lại mấy đứa con bơ vơ không nơi nương tựa.

Mấy chục năm đi biển biến ông Lịch trở nên "chai lì". Không còn những sợ hãi buổi đầu bởi ông nghĩ rằng người ta sống chết có số. Với lại biển khơi đã không ít lần "vồ hụt" ông trong các đợt mưa bão nên ông vẫn rất bàng quan: "Đợt đó làng ni ai cũng nghĩ là tui chết. Biết là có bão nhưng dong thuyền vào trú không kịp nên gió đánh vỡ tan tành. Tui cùng mấy bạn thuyền mỗi người víu vào một mảnh ván, dầm dề 2-3 ngày tưởng chết đói, chết khát thì có thuyền cứu nạn đến. Thành ra giờ tui không sợ chết nữa".

Dù vậy, mỗi lần nghe tin trong làng có người đi biển gặp nạn lòng ông không khỏi run rẩy. Ông sợ những cái chết sẽ đến với cháu con mình đang ngày đêm bám biển mưu sinh. Sâu thẳm trong đôi mắt lão ngư luôn canh cánh sợ hãi: "Làm nghề đi biển ni con không thể nuôi cha bởi cuộc sống quá bấp bênh. Đã nghèo thì phải liều, nhiều khi đài báo biển động, thôn có lệnh cấm nhưng mấy thằng con tui vẫn lén ra khơi. Ngăn cản thì chúng bảo rằng "ở nhà để chết đói à". Thôi thì chỉ biết cầu mong trời rủ lòng thương".

7 giờ sáng, bãi biển Vĩnh Quang trời trong vắt, yên bình. Hôm nay đám con trai ông Lịch cùng dân làng lại ra khơi. Kẻ đi, người ở đều nặng trĩu trong lòng bởi họ biết rằng trời hôm nay đẹp nhưng ngày mai có thể khác, nhưng dường như cái đói, cái nghèo đã thổi vào những cuộc chia ly sự quyết tâm. Đại gia đình ông Lịch có gần 30 người, nhưng chỉ có 7 người đi biển, còn lại là phụ nữ, người già và trẻ em. Mỗi người lên thuyền đều phải gánh miếng cơm manh áo cho 4-5 người trong gia đình nhỏ của mình.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.