| Hotline: 0983.970.780

Sợ bị kiểm soát nên làm đường ngầm xả thải ra biển?

Thứ Tư 27/04/2016 , 08:01 (GMT+7)

Chất thải phải được xử lý, đảm bảo mới được thải ra môi trường, và đường ống phải nằm trên mặt nước. Làm gì có chuyện đường ống nằm ngầm dưới nước, để không ai kiểm soát được và tại sao lại đưa ra ngoài biển?

Đại tá Nguyễn Tiến Long, nguyên chỉ huy Binh đoàn 11 (Bộ Quốc phòng) đặt ra nhiều nghi vấn trước “công nghệ” xả thải của Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong cuộc trả lời phỏng vấn NNVN.

Thưa Đại tá, vì sao ông băn khoăn đường ống xả thải của Formosa nằm ngầm dưới nước và dẫn ra biển?

Vấn đề cần đặc biệt quan tâm lúc này chính là sinh mệnh của con người và môi trường sống của biển chứ không phải cái gì khác. Sắt thép chúng ta đủ sức làm ra, không thiếu.

Vì thế, không thể đánh đổi sinh mệnh con người, lòng tự tôn dân tộc, sinh thái của biển bằng chính sự hủy hoại môi trường từ một tác nhân nào đó. Tôi tin rằng, nhiều người có trách nhiệm cũng băn khoăn về cái “công nghệ” xả thải này của Formosa.

Tôi muốn liên hệ một công trình mà chính tôi với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia kể ra đây để thấy tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của nhà đầu tư. Công trình này xây dựng vào những năm 1980 do Liên Xô thực hiện tại Cam Ranh. Đây là một công trình xử lý nước thải được đầu tư xây dựng nổi trên mặt đất và việc kiểm tra, thẩm định hết sức thuận lợi.

Thời điểm đó, công nghệ của Liên Xô cũng rất tốt thế nhưng nước bạn vẫn sẵn sàng nhập linh kiện từ công nghệ của một nước tư bản để lắp ráp cho công trình này tại Việt Nam.

Điều đó cho thấy, họ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để mua công nghệ tiên tiến hơn mà mình có nhằm đảm bảo tốt nhất việc xử lý nước thải. Cách làm đó của Liên Xô là họ lo lắng cho môi trường sống của con người cả trước mắt và lâu dài.

Việc thẩm định chất lượng công trình này tiến hành trong thời gian được xả thải. Toàn bộ các ống dẫn đều nổi trên mặt đất và nối liền từ hồ chứa này đến hồ chứa khác.

Điều đặc biệt, dòng nước cuối cùng của dây chuyền xả thải được chuyển ra bãi tắm không phải bằng ống dẫn mà bằng kênh hở. Đoàn thẩm định còn lấy nước vào chai về phân tích cho kết quả rồi đun sôi lên uống. Chúng tôi tắm ở bãi tắm nơi xả thải một cách bình thường.

Công trình ở Cam Ranh có 3 điểm đáng chú ý: Một là tính minh bạch, công khai trong đầu tư; hai là coi trọng công nghệ xử lý nước thải; ba là giá trị bền vững về môi trường sống.

Trở lại với “công nghệ” xả thải của Formosa, ông có ý kiến như thế nào về việc thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án của cơ quan chức năng nước ta?

Hơn 50 năm hành nghề xây dựng, trực tiếp thi công nhiều công trình quân sự và dân sự, trong đó có nhiều công trình trọng điểm quốc gia cũng như trực tiếp tham gia thẩm định công trình quốc tế xây dựng ở Việt Nam, tôi nhận thấy, dự án Formosa Hà Tĩnh có một thiết kế không hoàn chỉnh, không nghĩ đến hậu quả môi trường sống lâu dài cho con người và hệ sinh thái biển. Ở đây có phần thiếu trách nhiệm chứ không phải người kiểm duyệt không biết hay không có trình độ.

Vậy thì không ai khác, chính cá nhân, tổ chức phê duyệt dự án này phải trả lời được câu hỏi về công nghệ xả thải này của Formosa. Với trình độ KHKT và đội ngũ con người làm khoa học của Việt Nam, tôi cho rằng thừa sức đưa ra được một kết luận thỏa đáng về cái công nghệ xả thải này cũng như nguyên nhân của hải sản chết.

Thưa Đại tá, trong một dây chuyền sản xuất thì xử lý nước thải không sinh ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Có phải vì lợi nhuận mà doanh nghiệp đã lơ là trước trách nhiệm với cộng đồng?

Điều này là một thực tế song không hoàn toàn là tất cả các doanh nghiệp lơ là việc này. Các doanh nghiệp làm ăn tử tế, đàng hoàng, họ càng coi trọng đến lợi ích cộng đồng; nghĩa là tăng trưởng kinh tế gắn liền với môi trường sống xã hội. Đó chính là đạo đức, là văn minh của người làm kinh doanh.

Vấn đề đầu tư cho xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường nó thường chiếm một khoản kinh phí tương đối lớn, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, chiếm một phần đáng kể diện tích mặt bằng đất được thuê, trong khi lợi nhuận từ xử lý xả thải hầu như không có. Do đó, việc những doanh nghiệp làm ăn vô trách nhiệm, không đàng hoàng thì lại càng không coi trọng đến việc này.

Đã có không ít nhà máy, xí nghiệp xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng bị người dân phản ứng. Cách đây không lâu, nhà máy bột ngọt Vedan cũng đã sử dụng đường ống ngầm để xả nước thải ra sông khiến người dân lên án mạnh mẽ đấy thôi.

Hôm 25/4, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội trả lời trước báo chí xung quanh đường ống ngầm xả thải ra biển. Xin hỏi ý kiến của Đại tá về phát ngôn của đại diện Formosa?

Khẳng định rằng đây không phải là một sự lỡ lời của ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội. Một vụ việc như thế, Chính phủ Việt Nam cả Thủ tướng và hai Phó Thủ tướng đều trực tiếp chỉ đạo các cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân thì dĩ nhiên Formosa sẽ chuẩn bị khá đầy đủ khi xuất hiện trước ống kính các cơ quan báo chí chính thống của Việt Nam.

Tôi nhớ như in phát biểu của ông ấy, rằng: “Công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, vì nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên. Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, hãy chọn đi”.

Nói như thế là đã rõ cho cái nguyên nhân chúng ta đang đi tìm rồi. Là người trong cuộc, họ đã thừa nhận việc xả thải đó là có hại. Nhưng điều tôi bức xúc chính là thái độ thách thức của ông ấy trước sinh mệnh con người và hệ sinh thái môi trường biển chúng ta.

Nói như Formosa nghĩa là đã chọn nhà máy rồi thì phải chấp nhận đánh đổi hi sinh số phận của con người. Formosa nên nhớ sinh mệnh của con người không thể được cân đong đo đếm bằng tiền.

Chúng ta chắc chắn sẽ nói không với việc đánh đổi sự mất mát của nhiều thế hệ để chỉ lấy vài tỉ đô la đầu tư. Có biết bao doanh nghiệp trong và nước ngoài làm ăn chân chính sẽ biết cách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để lựa chọn. Làm gì có kiểu lựa chọn quái dị hoặc nhận tiền, hoặc là chết như thế?

Xin cảm ơn Đại tá!

"Chúng ta không đánh đổi gì để lấy sự phát triển bền vững về môi trường. Môi trường và an sinh xã hội là hai vấn đề quá lớn. Về phát triển bền vững không có khái niệm đánh đổi. Nếu xác định được nguyên nhân do doanh nghiệp xả thải phải xử lý, thậm chí phải đóng cửa.

Tôi tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là, phát hiện rõ nguyên nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm, bất kể đó là ai. Một Chính phủ hành động vì nhân dân thì việc đó nói sẽ đi đôi với làm". - Đại tá Nguyễn Tiến Long nói.

 

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn

BẮC KẠN Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng tại tất cả các huyện, thành phố, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo khẩn thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Có mưa, nông dân vùng hạn mặn Gò Công chuẩn bị xuống giống vụ hè thu

TIỀN GIANG Tại vùng ngọt hóa Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lúc này, những cơn mưa đầu mùa đã thấm ướt mặt ruộng khô cằn sau những ngày nắng gắt, nước mặn vây quanh.