| Hotline: 0983.970.780

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM: Từ chối ý tưởng tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng!

Thứ Ba 27/11/2018 , 14:05 (GMT+7)

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang tổ chức đấu thầu hàng loạt dự án Quản lý bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đèn chiếu sáng công cộng của thành phố từ năm 2019-2021 với tổng mức đầu tư lên tới hơn một ngàn tỉ đồng.

Điều đáng nói là, trước đó đã có những doanh nghiệp đề nghị bỏ vốn đầu tư xây dựng lại toàn bộ hệ thống chiếu sáng của TP.HCM với công nghệ hiện đại, tiết kiệm điện năng hơn.

15-46-54_img_20181109_0917504_1
Hệ thống chiếu sang đô thị TP.HCM vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu

Lời đề nghị này gần như vô điều kiện và nhà đầu tư chỉ xin hưởng lợi từ phần điện năng tiết kiệm được. Nếu chấp thuận đề nghị này, đương nhiên TP.HCM sẽ không phải chi hàng ngàn tỉ đồng ngân sách cho việc bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng…
 

Lời đề nghị giảm gánh nặng ngân sách cho thành phố

Phần lớn hệ thống đèn chiếu sáng trên địa bàn TP.HCM hiện nay bao gồm các loại đèn thông thường như đèn thủy ngân, đèn Metal Halide, đèn HPS. Đây đều là những công nghệ chiếu sáng cũ tiêu tốn nhiều điện năng, không bảo vệ môi trường mà các nước tiên tiến đã dần dần loại bỏ. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện một số biện pháp để tiết kiệm điện như cắt giảm 50% công suất đèn chiếu sáng công cộng ở những đoạn đường thẳng, những giao lộ hay lắp đặt loại bóng đèn 2 cấp công suất để vào thời điểm phương tiện giao thông thấp sẽ được điều chỉnh để tiết giảm độ sáng còn khoảng 60-70% công suất lắp đặt.

Tuy nhiên, những giải pháp này không thực sự hiệu quả và ảnh hưởng đến chất lượng ánh sáng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Việc chiếu sáng đô thị có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ hạn chế ở chức năng đảm bảo an toàn giao thông mà nó còn góp phần cải thiện hình ảnh đô thị vào ban đêm cũng như kéo dài thời gian hoạt động của thành phố. Hệ thống chiếu sáng với công nghệ cũ vẫn chưa đáp ứng tốt được những yêu cầu này, đa số đều không có tính thẩm mỹ, ánh sáng chủ yếu là ánh sáng vàng, chưa làm nổi bật cảnh quan đô thị vào ban đêm.

Hơn thế nữa, việc quản lý hệ thống một cách đồng bộ là vô cùng khó khăn, hàng năm địa phương phải tiêu tốn một khoản ngân sách không nhỏ cho việc duy tu, thay thế và sửa chữa hệ thống bóng đèn chiếu sáng này. (Hiện TP đang triển khai đấu thầu dự án duy tu, thay thế và sửa chữa hệ thống bóng đèn chiếu sáng này từ 2019-2021 với tổng mức đầu tư trên một ngàn tỉ đồng).

Để giảm thiểu gánh nặng ngân sách, tiết kiệm chi phí điện năng cho nhân dân TP.HCM đã có những doanh nghiệp đề nghị xin được đầu tư thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng của TP bằng đèn LED như: Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Trường Thành, Cty TNHH Grand Person Vina, Cty TNHH NSJ… Các doanh nghiệp này đã đề xuất sẽ bỏ ra khoản tiền khoảng 1,7 ngàn tỉ đồng để lắp đặt lại hệ thống đèn chiếu sáng.

Theo như tính toán, nếu chuyển sang sử dụng đèn LED, thành phố có thể tiết kiệm khoảng 60-70% chi phí điện năng phải thanh toán hàng năm. Đề xuất này nếu được chấp thuận thì TP.HCM sẽ được 3 cái lợi: Thứ nhất, không mất chi phí đầu tư nhưng vẫn chuyển đổi được từ hệ thống chiếu sáng lỗi thời sang hệ thống chiếu sáng hiện đại làm nâng cao hiệu quả chiếu sáng và mỹ quan đô thị. Thứ hai, tiết kiệm điện năng, giảm tải sức ép đầu tư sản xuất điện của Chính phủ. Thứ ba, hoàn toàn không mất chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng hàng năm như đã nói ở trên. Đổi lại, doanh nghiệp chỉ xin hưởng lợi nhuận và bù đắp lại chi phí đầu tư ban đầu, chi phí duy tu bảo dưỡng bằng phần chênh lệch điện năng tiết kiệm được.

Trên thực tế, mỗi khi Chính phủ kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công cộng hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều đòi đổi lấy quyền sử dụng đất và trong nhiều trường hợp việc đánh đổi này đã để lại rất nhiều hệ lụy cho tương lai. Rất hiếm khi có những doanh nghiệp đưa ra lời đề nghị vừa mang lại lợi ích cho ngân sách, cho doanh nghiệp và cho toàn thể xã hội như đề xuất đầu tư nói trên. Tuy nhiên, đề xuất đầu tư của các doanh nghiệp trên đã không nhận được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý là Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Vì sao?
 

Sở GTVT TP.HCM thích tiêu tiền ngân sách?

Thay vì chấp thuận lời đề nghị đầu tư của các doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí ngân sách, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lại âm thầm xây dựng kế hoạch “cất mẻ lưới lớn” bằng một loạt dự án duy tu, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng TP giai đoạn 2019 – 2021.

Điều bất bình thường là ngày 23/10/2018 UBND TP.HCM có QĐ số 4719/QĐ-UBND phê duyệt Đề án sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ một số ngành của thành phố, trong đó có việc điều chuyển chức năng nhiệm vụ công việc “chiếu sáng đô thị” từ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sang Sở Xây dựng TP.HCM. Thì chỉ sau đúng 13 ngày, các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3, 4 và Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) lại ồ ạt ra Thông báo mời thầu các gói thầu “Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống chiếu sáng công cộng” với tổng giá trị các gói thầu lên đến 1.137 tỷ đồng.

Ở thời điểm chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, việc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM ồ ạt tổ chức đấu thầu, lại gộp thầu nhiều năm (2019, 2020, 2021) chứ không phải như thông lệ mỗi năm đấu thầu một lần khiến người ta không khỏi nghi ngờ lãnh đạo ngành GTVT TP.HCM đang tranh thủ giải ngân ngân sách trước khi mất quyền quản lý lĩnh vực “chiếu sáng đô thị”.

Được biết, từ đầu năm 2017, UBND TP.HCM đã có chủ trương thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng đô thị từ bóng đèn thông thường sang hệ thống đèn Led tiết kiệm điện theo mô hình xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố. UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông Vận tải TP.HCM làm đầu mối xây dựng nội dung, tiêu chí, yêu cầu dành cho các nhà đầu tư đã đề xuất đầu tư đèn Led theo mô hình xã hội hóa. Vì lý do gì Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lại cố tình chọn cách tiêu tốn ngân sách trên 1 nghìn tỷ đồng? Thay vào đó vẫn là hệ thống chiếu sáng lạc hậu, đi ngược lại xu hướng phát triển chung của các đô thị hiện đại tại các địa phương khác trên cả nước cũng như trên thế giới?

Như vậy, nếu việc đấu thầu các gói thầu duy tu bảo dưỡng kéo dài cho cả 3 năm không bị “tuýt còi” thì ít nhất phải tới năm 2020 chủ trương Led hóa chiếu sang đô thị của TP.HCM mới có thể được triển khai.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.