Bộ Nông nghiệp Thái Lan vừa công bố thời hạn chót trên nhằm loại bỏ dần các loại hóa chất độc hại nguy hiểm trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề đã được luật hóa sau rất nhiều tranh cãi hồi năm ngoái.
Theo đó, các nhà sản xuất, kinh doanh và nông dân buộc phải bàn giao lại toàn bộ sản phẩm đang sở hữu để tiêu hủy theo lộ trình đã được Bộ Công nghiệp công bố hôm 15 tháng 5 về việc đưa paraquat và chlorpyrifos vào danh sách các hóa chất độc hại và cấm sử dụng trên phạm vi toàn quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng Sáu.
Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, hiện bộ này đã thành lập một đơn vị chuyên trách để giải quyết vấn đề và hướng dẫn cách thức tiêu hủy các loại hóa chất trên. Theo đó, nông dân đang sở hữu paraquat và chlorpyrifos phải bàn giao lại hóa chất cho các hệ thống đại lý đã được chỉ định trong vòng 90 ngày, bắt đầu từ 1 tháng 6 đến 29 tháng 8 năm nay.
Trong khi đó, các hệ thống đại lý, doanh nghiệp sản xuất và nhà nhập khẩu có từ 120 ngày đến 270 ngày để tiêu hủy, hoàn thành trước ngày 25 tháng 2 năm 2021. Các bên liên quan đều phải kê khai đầy đủ thông tin theo biểu mẫu để được xem xét bồi hoàn, bù đắp thiệt hại.
Thông báo mới cũng nó rõ, bất kỳ cá nhân, cơ sở nào sở hữu các loại hóa chất nông nghiệp bất hợp pháp sẽ bị phạt một triệu bạt (31.500USD) hoặc có thể đối diện án tù 10 năm, thậm chí là cả hai.
Bà Prokchon Usap, điều phối viên Mạng lưới thuốc trừ sâu Thái Lan (Thai-PAN) cho biết, cơ quan này đang phải đối mặt với một vấn đề rất hóc búa và thách thức nhằm tăng cường nhận thức cho nông dân trong nước đối với hai loại hóa chất độc hại đã bị cấm trên.
"Chúng tôi sẽ không coi đây là một thành quả nhưng đó là một bước đi đúng hướng cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, ít phụ thuộc vào hóa chất. Một khi Thái Lan muốn trở thành ‘nhà bếp của thế giới’ thì chính phủ cần phải có chính sách rõ ràng để sản xuất ra thực phẩm an toàn cho thế giới", bà Usap nói.
Tuy nhiên, Sukan Sangwanna, tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp an toàn cho biết, nông dân chính là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh cấm bởi họ không được nhận một khoản bồi thường sau khi đã bỏ tiền ra mua chúng.