| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng: Tổng đàn heo trên 160 ngàn con, lấy đà phục hồi chăn nuôi tốt

Thứ Năm 11/08/2022 , 14:20 (GMT+7)

Sóc Trăng Tỉnh Sóc Trăng đang lấy đà gây dựng lại đàn heo giống tốt. Nhiều trang trại quyết tâm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Tỉnh Sóc Trăng đang phục hồi đàn heo giống tốt. Ảnh: Hữu Đức.

Tỉnh Sóc Trăng đang phục hồi đàn heo giống tốt. Ảnh: Hữu Đức.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có lợi thế trong đầu tư phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo Châu Phi tổng đàn heo ở Sóc Trăng hao hụt, tổn thất khá nhiều. Do vậy, người chăn nuôi đành phải chờ một thời gian dài mới dần phục hồi trở lại. Một trong những chuyển biến rõ nét là sự sắp xếp trong chăn nuôi heo. Từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình thu hẹp đến chăn nuôi trang trại, quy mô tổng đàn lớn có xu hướng tăng dần.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh có 50 trang trại nuôi heo. Trong đó có 1 trang trại nuôi heo giống công nghệ cao, 9 trang trại quy mô lớn và 40 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó tỉnh Sóc Trăng còn có 15 hợp tác xã phát triển kinh tế tập thể chăn nuôi.

Hiện nay tổng đàn heo Sóc Trăng có trên 160.600 con, đạt trên 67,7% kế hoạch và tăng hơn 19,8% so cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang lấy lại đà phục hồi tốt. 

Theo định hướng về chăn nuôi của tỉnh Sóc Trăng, chú trọng quản lý nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, chọn tạo con giống chất lượng. Do đó công tác quản lý giống sẽ tổ chức rà soát, thống kê hoạt động chăn nuôi, ưu tiên chọn giống kháng bệnh năng suất cao, áp dụng các mô hình nuôi an toàn sinh học. Đồng thời hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi cung cấp giống thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn dịch. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y của tỉnh hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thuốc thú y không kinh doanh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và phổ biến đến các cơ sở chăn nuôi thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Ngô Nam Thạnh, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Trung tâm Giống nông nghiệp của tỉnh từng phát triển đàn heo giống tốt, với hai giống Yorkshire và Landrace có nguồn gốc Đan Mạch. Trước đây trung tâm có tổng đàn trên 3.000 con, nhưng sau đợt dịch tả heo Châu Phi xuất hiện từ 3 năm trước đã gây thiệt hại nặng nề đàn heo giống của tỉnh Sóc Trăng. Vừa qua, Trung tâm đang gầy dựng lại đàn heo nái đẻ, tiếp tục duy trì nguồn giống gốc, sinh sản đàn heo giống cho năng suất và chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh trong thời gian tới.

Hiện nay, Trung tâm tiếp tục xây dựng gia phả giống cụ kỵ và hoàn thiện kế hoạch sản xuất, công tác quản lý chăn nuôi. Cụ thể duy trì số heo nái, heo đực, bảo quản nguồn tinh, giao phối tinh giống tốt. Trung tâm nâng cấp chuồng trại, chuẩn bị tạo nguồn heo giống tốt để triển khai thực hiện dự án phát triển đàn gia súc của tỉnh.

Khu nuôi heo thương phẩm của một trang trại ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Khu nuôi heo thương phẩm của một trang trại ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Lâm Minh Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Vượt qua đợt dịch tả heo Châu Phi, tuy đàn heo bị thiệt hại nhưng người chăn nuôi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm, bài học trong phòng chống dịch. Hiện nay, Chi cục khuyến cáo các cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện an toàn sinh học. Đồng thời quản lý chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải trong quá trình chăn nuôi. Thực hiện mô hình an toàn sinh học là biện pháp giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan các loại mầm bệnh. Hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi theo mô hình trại kín để đảm bảo an toàn sinh học.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...