| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng xuất hiện trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh dại

Thứ Bảy 17/08/2024 , 16:50 (GMT+7)

Ngành chuyên môn Sóc Trăng nhanh chóng xác định yếu tố dịch tễ, khoanh vùng khu vực, vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm thực hiện tiêm chủng kịp thời.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế tối đa nguy cơ vật nuôi phát sinh bệnh dại. Ảnh: Văn Vũ.

Tiêm vacxin phòng bệnh dại là giải pháp hữu hiệu giúp hạn chế tối đa nguy cơ vật nuôi phát sinh bệnh dại. Ảnh: Văn Vũ.

Từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại. Số người phải điều trị dự phòng lên đến 70.000 người, trong đó 95% trường hợp người mắc bệnh do bị chó dại cắn. 

Tại Sóc Trăng, bệnh dại luôn tiềm ẩn nguy cơ do các tỉnh giáp ranh liên tục xuất hiện ổ dịch. Mới đây, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Sóc Trăng), địa phương đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do bệnh dại tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú.

Sơ lược yếu tố dịch tễ và diễn biến bệnh cho thấy, bệnh nhân khởi phát với triệu chứng ban đầu là ớn lạnh, sợ nước, gió. Sau đó trở nặng, tiếp tục được chuyển lên tuyến trên điều trị, nhưng không qua khỏi. Kết quả xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân dương tính với vi rút dại.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng và ngành chuyên môn hai huyện Long Phú, Cù Lao Dung xác định yếu tố dịch tễ của ca bệnh. Kết quả sơ bộ, bệnh nhân từng bị chó cắn vào chân, không được xử lý và không tiêm ngừa. Đồng thời đã từng sử dụng thực phẩm chế biến từ thịt động vật (chó).

Để kiểm soát và khống chế nguy cơ bệnh dại bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tìm kiếm các khu vực liên quan đến những người có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại. Những đối tượng bị tổn thương khi tham gia bắt giữ, làm thịt hoặc ăn động vật có nguy cơ mắc bệnh dại.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cùng các địa phương triển khai hàng loạt các biện pháp kiểm soát và phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh trên vật nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cùng các địa phương triển khai hàng loạt các biện pháp kiểm soát và phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo, hạn chế thấp nhất nguy cơ mắc bệnh trên vật nuôi. Ảnh: Kim Anh.

Qua đó, vận động các trường hợp có nguy cơ phơi nhiễm thực hiện tiêm chủng kịp thời vacxin phòng bệnh dại càng sớm càng tốt, đảm bảo đủ liều, theo khuyến cáo của Bộ Y tế đối với từng mức độ nguy cơ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh kế hoạch tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của chó mắc bệnh dại cắn người và thực hiện tốt “5 không” là: Không nuôi chó, mèo khi chưa khai báo với chính quyền địa phương. Không nuôi chó, mèo không được tiêm vacxin phòng bệnh dại. Không nuôi chó thả rông Không để chó cắn người. Không nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân, cần đến ngay Trung tâm Y tế dự phòng để tiêm ngừa khi bị chó cắn. Nhân viên thú y các xã cũng được chỉ đạo tăng cường giám sát đàn chó nuôi trên địa bàn, tiến hành điều tra, thống kê vật nuôi xung quanh để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi có biểu hiện dại.

Trong đó, chú trọng thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng khu vực nghi có chó mắc bệnh dại, vận động người dân tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi. Khi phát hiện có biểu hiện bất thường, cần báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng, không để xảy ra trường hợp chó bệnh cắn người.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân trang bị các kỹ năng cần thiết phòng khi bị chó, mèo cắn. Ảnh: Kim Anh.

Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân trang bị các kỹ năng cần thiết phòng khi bị chó, mèo cắn. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng cũng hướng dẫn người dân cách xử trí vết thương khi bị động vật cào, cắn, liếm đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, là rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức, với xà phòng hoặc xối rửa bằng nước thông thường liên tục 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70% hoặc cồn iốt. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương lại.

Hiện đơn vị đang rà soát, củng cố khả năng cung ứng vacxin và huyết thanh kháng dại đảm bảo người dân dễ tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Đến nay, tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại trên đàn chó tại hai xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung) đạt tỷ lệ gần 92%, tương đương 500/545 con. Tại thị trấn Long Phú (huyện Long Phú) có tổng đàn chó mèo khoảng 428 con, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 71% (đã tiêm 305 con).

Xem thêm
Hướng dẫn đảm bảo an toàn và khôi phục chăn nuôi sau bão lũ

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn và khôi phục, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm sau bão lũ.

Phú Thọ: Lúa sắp thu hoạch đổ rạp nảy mầm như giá đỗ!

Nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch tại Phú Thọ đổ rạp sau mưa bão, lúa nảy mầm như giá đỗ! Bà con xót xa, lo lắng cho chuỗi ngày dài phía trước…

Nông dân Đồng Tháp tiếp cận nhanh với công nghệ số

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp xem chuyển đổi số là động lực, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội và mong muốn tạo ra làn sóng mới trong sản xuất nông nghiệp.