| Hotline: 0983.970.780

Sợi dây nào đang 'trói' nghề muối Bạc Liêu?

Thứ Ba 19/09/2023 , 19:38 (GMT+7)

BẠC LIÊU Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà, dịu ngọt rất độc đáo, đặc biệt trong muối có hàm lượng Natriclorua xấp xỉ tiêu chuẩn muối thượng hạng và không có vị đắng, chát.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Trọng Linh.

Con tôm lấn đồng muối

Ngày 19/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và đoàn công tác đã làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về định hướng và giải pháp phát triển ngành muối.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ NN-PTNT tổng rà soát diện tích sản xuất muối của cả nước để đảm bảo nhu cầu muối đến năm 2030 khoảng 2 triệu tấn, cả muối công nghiệp và muối thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch muối đến năm 2030 đạt khoảng hơn 14.000ha, tuy nhiên diện tích muối hiện chỉ còn hơn 8.000ha cho thấy diện tích muối ngày càng thu hẹp, trong đó có nguyên nhân do diện tích nuôi tôm lấn chiếm diện tích sản xuất muối.

“Đối với tỉnh Bạc Liêu, nghề muối được xem là nghề truyền thống từ xưa đến nay. Muối Bạc Liêu có hương vị khác so với các tỉnh có diện tích sản xuất muối truyền thống. Đặc biệt muối Bạc Liêu được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho “Nghề làm muối Bạc Liêu”, đây được xem là lợi thế để Bạc Liêu phát triển, gia tăng giá trị nghề làm muối”, Thứ trưởng Nam đánh giá.

Bạc Liêu cần xây dựng hạ tầng nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của nghề muối. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu cần xây dựng hạ tầng nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của nghề muối. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Bạc Liêu cần lưu ý, hiện nay phần lớn diện tích muối của Bạc Liêu đều thuộc các HTX, vì vậy cần củng cố, kiện toàn các HTX này. Đặc biệt là đa dạng hóa ngành muối để nâng cao giá trị từ muối.

Dự án đầu tư xây dựng dự án thành phần số 7 để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu (thuộc dự án “Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 - 2025”) đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt vào tháng 3/2023. Mục tiêu đầu tư của dự án này nhằm đảm bảo ổn định cho sản xuất, vận chuyển và lưu thông muối sau khi thu hoạch, gắn với thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ đầu tư vốn, hạ tầng, địa phương sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất cho 1.300ha sản xuất muối.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 3 từ phải sang) tham quan HTX Chế biến muối chất lượng cao Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 3 từ phải sang) tham quan HTX Chế biến muối chất lượng cao Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Sợi dây trói nghề muối Bạc Liêu

Với 56km bờ biển, diện tích đất ngập mặn ven biển rộng lớn, hệ thống kênh rạch chằng chịt, cùng với thời tiết 2 mùa mưa - nắng rõ rệt, đây điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu phát triển. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, vùng đất Bạc Liêu là loại đất có kết cấu chặt, có độ bay hơi nước biển rất cao và độ hấp thụ nhiệt của đất rất mạnh, không có các vùng đá vôi ven biển nên muối không có vị đắng.

Nghề làm muối truyền thống có từ lâu đời hơn 100 năm, đã đi sâu vào lịch sử, tâm linh, văn hóa của người làm muối Bạc Liêu. Việc sản xuất gắn với tập quán canh tác, mang đậm bản sắc của người dân Bạc Liêu. Các đồng muối có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng phát triển du lịch nông thôn.

Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận chỉ dẫn địa lý. Bên cạnh đó, nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và 10 sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao.

Ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Nghề muối tỉnh Bạc Liêu được hình thành và phát triển hàng trăm năm, gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển, là địa phương có diện tích và trữ lượng muối nhiều nhất trong cả nước với các vùng sản xuất muối tập trung ở các địa phương ven biển.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra hạ tầng làm muối tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra hạ tầng làm muối tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình. Ảnh: Trọng Linh.

Nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề thủ công truyền thống, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên trải qua nhiều thăng trầm. Tuy hiệu quả sản xuất không cao, cuộc sống diêm dân gặp nhiều khó khăn nhưng người dân ven biển vẫn luôn duy trì, bảo tồn nghề làm muối truyền thống của địa phương qua nhiều thế hệ.

TS Ngô Kiều Oanh, chuyên gia về muối và nông nghiệp nhận định: Nghề muối Bạc Liêu rất có tiềm năng phát triển do đây là nghề truyền thống, hạ tầng và mặt bằng sản xuất muối còn rất lớn cho sản xuất hàng hóa, diêm dân còn rất thiết tha với nghề...

“Hạt muối không chỉ đơn thuần là thức ăn hay phục vụ công nghiệp mà còn có thể tăng thêm giá trị như phục vụ cho du lịch, sức khỏe… Do đó tiềm năng nghề muối còn rất lớn và mang tính bền vững nếu phát huy tốt các chính sách từ trung ương đến địa phương”, TS Oanh nhấn mạnh.

Theo TS Oanh, sợi dây trói buộc khiến ngành muối Bạc Liêu chưa phát huy hết giá trị là do người dân chưa thật sự hiểu hết giá trị của hạt muối mình làm ra, đó chính là giá trị muối trên nền đất phù sa. Muối Bạc Liêu ngon vì có 2 dòng khoáng (dòng khoáng từ biển và dòng khoáng từ phù sa) mà không có tỉnh nào trên cả nước có được, vì khoáng chất trong phù sa rất quý. Muối được canh tác thủ công trên nền đất phù sa sẽ chứa nhiều chất dinh dưỡng, khoáng chất cao, giá trị hạt muối từ đó sẽ cao lên.

TS Ngô Thị Oanh, chuyên gia về muối chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Linh.

TS Ngô Thị Oanh, chuyên gia về muối chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Bạc Liêu là tỉnh thuần nông và nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế của tỉnh. Tỉnh có 3 vùng sinh thái là ngọt, mặn, lợ, có lợi thế về phát triển nuôi tôm và trồng lúa, con tôm là mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, Bạc Liêu có trữ lượng lớn về muối và ngành nghề muối đã có lâu đời, muối Bạc Liêu nổi tiếng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, nghịch lý hiện nay là trong khi người nuôi tôm, người trồng lúa đều có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững thì nghề làm muối dù nổi tiếng nhưng diêm dân không thể sống bằng nghề. "Chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh của nghề làm muối, diêm dân chỉ sản xuất được muối thô mà chưa khai thác được tiềm năng đa dạng, giá trị của nghề muối", ông Thiều nói.

Nghiên cứu đầu tư hạ tầng cho nghề muối

Tại huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã khảo sát, tìm hiểu tình hình sản xuất muối của diêm dân ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh. Đây là vùng còn nhiều hộ dân sống bằng nghề sản xuất muối, bao gồm sản xuất muối theo mô hình trải bạt và sản xuất muối đen truyền thống.

Diêm dân Lê Thanh Bình ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết hạ tầng ở địa phương còn rất thiếu để phục vụ nghề muối. Ảnh: Trọng Linh.

Diêm dân Lê Thanh Bình ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình cho biết hạ tầng ở địa phương còn rất thiếu để phục vụ nghề muối. Ảnh: Trọng Linh.

Theo diêm dân Lê Thanh Bình (ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh), hạ tầng giao thông và thủy lợi hiện chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất muối nên giá cả, đầu ra hạt muối không ổn định. Huyện Hòa Bình, cùng Sở NN-PTNT Bạc Liêu đã đề xuất với Bộ NN-PTNT đầu tư tuyến đường giao thông nối từ khu vực sản xuất muối ở ấp Vĩnh Tiến (xã Vĩnh Thịnh) đến đường đê biển Đông để việc vận chuyển, tiêu thụ muối của diêm dân được thuận lợi hơn. Đồng thời, thời gian tới sẽ kết hợp với mô hình sản xuất muối truyền thống và trải nghiệm du lịch sinh thái tại khu vực này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam ghi nhận những đề xuất của địa phương, đồng thời đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Hòa Bình cần có khảo sát cụ thể số hộ còn theo nghề sản xuất muối, cũng như tổng số diện tích sản xuất muối hiện có trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh để tính đến hiệu quả đầu tư lâu dài cho vùng này.

Tìm hiểu quy trình sản xuất, chế biến muối tại Cơ sở Chế biến muối chất lượng cao Đông Hải ở ấp Trường Điền, xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao kết quả sản xuất của cơ sở này. Dù chỉ mới đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm, song cơ sở đã chế biến nhiều loại muối ăn, muối gia vị, cung ứng cho thị trường một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà rất độc đáo. Ảnh: Trọng Linh.

Muối Bạc Liêu có hương vị đậm đà rất độc đáo. Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng cho rằng, cơ sở sản xuất muối đặt ngay vùng nguyên liệu muối là lợi thế lớn, vừa giúp tiêu thụ muối cho diêm dân, vừa giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và mang lại giá trị gia tăng cho hạt muối Bạc Liêu. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị địa phương cần tạo điều kiện tốt về cơ chế tín dụng và hỗ trợ cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho sản phẩm muối của cơ sở này.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đã kiểm tra tình hình hoạt động nghề muối tại Hợp tác xã Diêm nghiệp Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Nơi đây đang chuẩn bị triển khai dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm phục vụ cho nghề muối của tỉnh, trong đó có hệ thống thủy lợi và công trình đường giao thông dài khoảng 14km. Sau khi triển khai dự án xây dựng hạ tầng, sẽ đáp ứng phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất muối của diêm dân trên diện tích khoảng 600ha.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...