Thực phẩm chay được nhiều người ưa chuộng
Rằm tháng 7 Âm lịch, những ngày này, sạp hàng đồ chay của chị Hoàng, chợ Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TP.HCM lại tấp nập khách mua hơn so với những ngày thông thường. Thực phẩm được bày bán tại các sạp đồ chay cũng đa dạng từ các loại thực phẩm tươi, đồ sơ chế và nấu chín để đáp ứng nhu cầu ăn chay của người tiêu dùng.
“Năm nay sức mua tăng cao, giá thực phẩm các loại cũng tăng từ 5.000 - 15.000 đồng, tuy nhiên người dân vẫn mua để sử dụng cho gia đình”, chị Hoàng nói.
Ghi nhận tại các cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống tại TP.HCM, giá gà chay dao động 60.000 - 100.000 đồng/con, giò nạc, giò nấm 90.000 - 120.000 đồng/kg, bánh bao chay 3.000 - 5.000 đồng/cái, các món chay đóng gói, nấm các loại có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị như Co.opMart, bách hóa Xanh, Lotte… nhiều mặt hàng chay được khuyến mãi, giảm giá 15 - 20%, nhằm kích cầu tiêu dùng. Khu vực đồ chay rất phong phú với các mặt hàng như bánh nậm, bánh lọc, chả giò, há cảo… được chế biến sẵn, với giá khá rẻ.
Đại diện cửa hàng bách hóa Xanh cho biết, vào mùa Vu lan, các mặt hàng như đậu hũ, nấm mỡ, nấm hương khô, bún khô và các loại rau củ có sức mua tăng hơn 15% so với bình thường.
Đối với các mặt hàng trái cây phục vụ cho việc cúng rằm tháng 7 tại các chợ truyền thống tăng. Cụ thể, chôm chôm có giá 18.000 - 20.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giá 70.000 - 90.000 đồng/kg (cao gấp 2 - 3 lần so với tháng 4), măng cụt có giá 30.000 - 50.000 đồng/kg,… Nhiều tiểu thương kinh doanh trái cây dự báo giá các loại trái cây sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lựa chọn sử dụng thực phẩm chay an toàn
Với sự đa dạng của thực phẩm chay, từ chế biến sẵn đến nguyên liệu tươi, khô, người tiêu dùng cần chú ý để lựa chọn thực phẩm sao cho đúng và an toàn với sức khỏe.
Chị Phạm Văn Dần, chủ quán cơm chay Tình Thương tại đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết, tôi đã có thâm niên bán cơm chay được 7 năm, để bảo đảm an toàn cho thực khách tôi luôn lựa chọn những thực phẩm còn tươi mới, có nhiều khách đã ăn của tôi tới 5-6 năm mà chưa xảy ra vấn đề gì liên quan đến ngộ độc.
Bác sĩ Lê Ngọc Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Quận Bình Thạnh cho biết, nếu người dân ăn chay 1 tháng ăn một vài bữa thì sẽ không lo bị thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đối với những người ăn chay trường trong suốt thời gian dài mà không có cung cấp cho cơ thể những thức ăn có nguồn gốc từ động vật thì nên chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin B12, sắt, canxi, omega-3…
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, để bảo đảm độ dai và có hương vị tương tự như các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, thủy sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay thường bổ sung phụ gia, hương liệu thực phẩm tạo mùi, màu, chất định hình và chất chống ẩm mốc...
Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy... làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Ngoài thực phẩm chay tươi, thì thực phẩm chay đóng hộp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc nếu trong quá trình đóng hộp có sự xâm nhập của vi khuẩn Clostridium botulinium. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử, vi khuẩn này tiết ra chất cực độc tác động lên thân kinh gây liệt cơ, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, khi mua thực phẩm, nhất là thực phẩm chay tươi người tiêu dùng cần đến những cơ sở chế biến, uy tín có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn đối với những sản phẩm chay đóng hộp, rất cần người tiêu dùng tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử lý kịp thời.
Bài viết có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường