| Hotline: 0983.970.780

Sống không chỉ cho riêng mình

Thứ Năm 11/12/2014 , 09:10 (GMT+7)

Sinh ra trong thời bình, chưa một lần trải qua chiến trường vậy nhưng chị hy sinh cả tuổi trẻ, bỏ ngang công việc, tự bỏ tiền túi lập trung tâm làm cầu nối giúp hàng ngàn gia đình thân nhân tìm mộ liệt sỹ.

Chị là Ngô Thị Thúy Hằng, sinh năm 1976.

Thấu hiểu nỗi đau

Hôm ấy đêm đã muộn, đang lang thang trên mạng internet, tôi tình cờ vào trang www:nhantimdongdoi.org. Bản nhạc ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” vang lên nghe thăm thẳm giữa đêm khuya. Tôi bị cuốn vào từng chuyên mục, từng câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt.

Trên căn phòng nhỏ tầng 8 Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội), chị đón tiếp tôi bằng nụ cười hiền hậu, ánh mắt của người con gái đầy trắc ẩn.

Tôi gợi chuyện: “Đang là phóng viên một tờ báo lớn tại TP. Hồ Chí Minh, tại sao chị lại bỏ ngang để đi tìm mộ liệt sỹ?”.

Chị Hằng tâm sự: “Gia đình tôi có người bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hơn ai hết tôi thấu hiểu nỗi đau của những gia đình thân nhân liệt sỹ đồng cảnh ngộ. Năm 2004, tôi cùng với 8 bạn sinh viên khác của trường Đại học Quốc gia Hà Nội sáng lập trang web nhantimdongdoi.org. Nhưng ngày đó chúng tôi không lường hết được những khó khăn phải trải qua. Những người bạn của tôi giờ đã có công việc khác, riêng tôi luôn xem việc tìm mộ liệt sỹ là nghiệp chính của mình”.

Gần 10 năm chị Hằng bôn ba khắp mọi miền đất nước, bước chân sang cả Lào, Campuchia, đến các cơ quan chức năng ở các địa phương. Không ít lần chị trèo đèo lội suối, đối diện với nguy hiểm, đầu đập vào đá núi, chân trượt xuống suối lạnh. Nhưng điều làm chị Hằng trăn trở nhất đó là sự thờ ơ của một số cá nhân, tổ chức trong việc cung cấp thông tin tìm kiếm mộ liệt sỹ.

Theo chị Hằng, tìm kiếm thông tin mộ liệt sỹ phải cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Bởi vậy bên cạnh chị Hằng lúc nào cũng có một đội ngũ các chuyên gia, cố vấn và hàng chục cộng tác viên tư vấn ở khắp các địa phương, lúc nào cũng sẵn sàng túc trực trợ giúp cho chị.

Chia sẻ về công việc hiện tại, chị Hằng cho biết: Hai việc chính hiện nay của trung tâm đó là phổ biến kiến thức tìm liệt sỹ, khớp nối thông tin trên bia mộ liệt sỹ. Có một thực tế là vì bí mật quân sự nên phần lớn các giấy báo tử đều ghi rất ngắn gọn các dòng chữ nơi hy sinh, hay chỉ là những chữ cái, con số như: KT, KB, KN, KH, P2, 470, 471… cho nên hầu hết gia đình thân nhân rất khó khăn tìm kiếm thông tin mộ liệt sỹ.

16-32-52_3
Chị Ngô Thị Thúy Hằng

Theo chị Hằng đây là mấu chốt của việc đi tìm mộ liệt sỹ, nếu chưa giải mã được thì việc đi tìm mộ liệt sỹ sẽ rất tốn kém, mất công sức mà nhiều khi không có kết quả.

Vậy nhưng chị Hằng và các cộng sự của mình đã hệ thống được cách giải mã các phiên hiệu đơn vị quân đội. Rất nhiều cơ quan chức năng và nhiều gia đình đã tìm đến trung tâm nhờ giải mã các phiên hiệu ghi trên giấy báo tử.

Đem lại niềm vui cho hàng ngàn gia đình

Trên trang web của chị Hằng cũng có chính xác nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của gần 800.000 liệt sỹ, chiếm khoảng 70% trong khoảng 1,1 triệu liệt sỹ trên cả nước; hệ thống được 300.000 tên liệt sỹ được quy tập tại hàng ngàn nghĩa trang trên cả nước.

Mới đây, bằng phương pháp khớp nối thông tin theo nhiều nguồn khác nhau, chị Hằng đã tìm ra mộ và trả lại đầy đủ họ tên, nguyên quán chính xác cho 179 liệt sỹ thuộc Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn 440 và 445 bộ đội địa phương hy sinh ngày 18/8/1966 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vào các thứ 3,5,7 hằng tuần, chị Hằng đón tiếp các thân nhân liệt sỹ tại phòng riêng của mình. Qua số điện thoại Đường dây nóng 1900571242 và trang web: www.nhantimdongdoi.org, chị Hằng và các cộng sự đã cung cấp, tư vấn, tìm kiếm thành công cho hàng ngàn gia đình thân nhân liệt sỹ; tổ chức được nhiều cuộc họp mặt, tư vấn về cách thức tìm mộ từ giấy báo tử cho các thân nhân.

Hiểu được việc làm cao cả của Hằng, nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, nhiều cựu chiến binh đã tình nguyện nhận làm cộng tác viên cho trung tâm tại các tỉnh, TP. Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục hỗ trợ thêm cho nhiều gia đình liệt sĩ khác.

Tiếp lửa anh hùng

Được biết mới đây chị Ngô Thị Thúy Hằng đang bắt đầu thực hiện dự án “Tiếp lửa anh hùng”. Chị Hằng tâm sự: “Các anh đã nằm xuống trong chiến tranh, dẫu xương cốt các anh đã hóa thành cát bụi nhưng có những câu chuyện hy sinh rất nhân văn, anh hùng, cao cả. Vậy tại sao không kể lại cho thế hệ trẻ, để các em biết rằng hôm nay mình đang sống bằng máu của các anh hùng liệt sỹ đã nằm xuống?”.

16-32-52_1
Một bức thư chiến trường được chị Hằng lưu giữ

Cơ duyên trở thành người thuyết giảng những câu chuyện “Sống trong lòng đồng đội” đến với chị cũng thật tình cờ. Cách đây chưa lâu chị Hằng nhận được một lời mời từ Học viện Tư pháp, ở đó có các lớp học chuyên về công tác chính sách xã hội ở các xã phường, hoặc làm luật sư tương lai. Họ muốn được nghe chị nói chuyện về các anh hùng liệt sỹ như những giờ học khác trên lớp.

Một lần khác có một chị phóng viên ngỏ lời muốn chị Hằng kể lại cho con gái đang học lớp 11 những câu chuyện lịch sử để cháu có thể đi giao lưu với bạn bè quốc tế. Chị đồng ý và mang các kỷ vật chiến trường đến kể chuyện cho các cháu.

Chị Hằng tâm sự: “Nhiều em nghe xong câu chuyện không khỏi xúc động. Các em nói rằng, vậy mà từ trước tới nay chúng em chỉ biết đến chú Thạc, cô Trâm, không ngờ còn rất rất nhiều những tấm gương hy sinh anh dũng trên chiến trường như vậy. Các em hiểu rằng mình đang sống bằng chính máu của các anh hùng liệt sỹ ngã xuống. Từ đó các em sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng”.

Chị Ngô Thị Phương Lan, thân nhân liệt sỹ, chia sẻ rằng: “Không biết nói bao nhiêu cho đủ để cảm ơn cô gái trẻ Ngô Thị Thúy Hằng… Với vẻn vẹn dòng chữ trên giấy báo tử “hy sinh tại mặt trận phía Nam”, anh em tôi đã đi khắp nơi để tìm cha.

Nhờ truy cập vào trang web www.nhantimdongdoi.org mà chúng tôi đã tìm được mộ cha, thắp được nén nhang trên phần mộ của ông, thực hiện được ý nguyện của mẹ, tiếp sức để mẹ vượt qua bệnh tật, thêm những năm tháng sum vầy cùng con cháu. Cảm ơn Hằng - “cô bé thiên sứ” của dân tộc Việt Nam”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm