| Hotline: 0983.970.780

Sông Mẹ nhiễm trùng

Thứ Năm 24/05/2012 , 09:20 (GMT+7)

Vì đâu sông Hồng trơ đáy, quằn quại vì ô nhiễm, nguồn lợi thuỷ sản bị huỷ diệt? PV NNVN có cuộc hành trình từ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát về đến thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai trả lời cho những câu hỏi này.

Dăm năm trở lại đây mực nước sông Hồng cạn kiệt, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Vì đâu sông Hồng trơ đáy, quằn quại vì ô nhiễm, nguồn lợi thuỷ sản bị huỷ diệt? PV NNVN có cuộc hành trình từ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát về đến thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai trả lời cho những câu hỏi này.

>> Đau thương một khúc sông Cầu
>> Sông Ba tiếp tục bị ''đầu độc''
>> Tiếp bài ''Sông Ba quằn quại'': Thoái thác trách nhiệm
>> Sông Ba quằn quại
>> Sông Ba bị bức tử

SÔNG HỒNG HẾT... HỒNG

Sông Hồng (còn gọi là sông Mẹ), mỗi năm mang đến cho vùng đồng bằng Bắc Bộ trung bình 100 triệu tấn phù sa và tổng lượng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỉ m³. Vậy mà giờ đây, người dân sống ở thượng nguồn sông Hồng họ không dám lội xuống sông, không muốn ăn cá sông Hồng.

Ô nhiễm từ bên kia biên giới

Từ TP Lào Cai ngược lên Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát chừng 40 km, đập vào mắt chúng tôi là dòng sông Hồng có màu xanh nhạt, nhiều nơi đen ngòm đang hoà lẫn vào nhau, có những đoạn hai bên bờ sông bọt nổi lên trắng xoá. Những người dân sinh sống ở đôi bờ thượng nguồn sông Hồng đoạn qua Lào Cai phải ấm ức sống chung với sự ô nhiễm của dòng sông huyền thoại. Màu hồng đặc thù của con sông đang dần bị “biến sắc” nhợt nhạt.


Lũng Pô nơi sông Hồng chảy vào đất Việt

Có mặt tại điểm con suối Lũng Pô và sông Hồng từ Trung Quốc hợp lưu, chúng tôi sững người khi nhìn thấy nước sông xanh thẫm, mùi hôi nồng nặc. Theo con đường mòn ra điểm tiếp giáp biên giới (cột mốc 92), từ đây một nhánh sông từ suối Lũng Pô đổ ra nhập vào sông Hồng. Một cán bộ biên phòng cho biết: Trước đây nước có hai màu để phân biệt, nước sông nơi đây chảy cuồn cuộn, ào ạt nhưng bây giờ dòng đã thay đổi lắm rồi. Sông Hồng nay không còn hồng nữa đã chuyển sang màu xanh. Chẳng biết những năm tiếp theo số phận dòng sông huyền thoại sẽ như thế nào?!

Chúng tôi đi về xuôi chừng 500m, nhìn phía bờ bên kia sông thuộc Trung Quốc thải ra sông một màu trắng, chúng tôi hỏi người dân thì được biết đó là chất thải của một cở sở xay bột đá. Đặc biệt đứng bên bản Tùng Sáng, xã A Mú Sung nhìn phía bên kia sông có con suối đổ ra sông Hồng màu đen ngòm chia dòng nước làm hai màu khác biệt. Mặc dù đứng bên này sông nhưng mùi hôi thối bốc nồng nặc. Theo một nguồn thông tin mà chúng tôi có được thì con suối bắt nguồn từ nhiều làng mạc ở Trung Quốc, trong đó có nhiều nhà máy khai thác quặng và nước thải đổ ra suối cùng nước thải từ các khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Thanh, trưởng thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường nhà cạnh bờ sông tâm sự: “Từ năm 2010 đến nay nước sông Hồng không còn hồng nữa. Mỗi năm tôi đếm được đầu ngón tay, cứ lũ về thì nước sông mới... hồng, còn không ngày thì đen ngòm, xanh nhạt bốc mùi hôi thối. Ở đây bà con gọi sông Hồng với cái tên “sông xanh” rồi”.


Hai bên bờ sông Hồng bọt trắng xoá

Ông Thanh cho biết thêm, nay sông Hồng khoác lên mình màu áo mới thì cũng lúc nó hành hạ con người. Ngày trước vào mùa này nước sông sạch lắm, cứ chiều chiều là già, trẻ, gái, trai trong làng lại ra sông tắm giặt. Thậm chí nhiều gia đình còn lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt. Nhưng giờ đây, nhìn dòng sông như thế không ai còn đủ can đảm để xuống mé sông, chứ nói gì đến chuyện tắm. Ai đó không may dẫm phải nước sông thì về chân tay lở loét, xuất hiện mẩn ngứa.

Từ TP Lào Cai xuôi về thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng trên chặng đường, chúng tôi bắt gặp hàng trăm con suối, khe chảy từ các làng mạc đổ ra sông bao nhiêu rác thải, nước đen ngòm. Trên sông có hàng trăm thuyền, xà lan ngày đêm đào khoét dòng sông lấy cát sạn. Đặc biệt tại thôn Phú Long 1, thị trấn Phố Lu có một giàn máy khổng lồ đang đào xới lòng sông khai thác khoáng sản làm cho dòng nước đục ngầu, từng đống cát sạn chất đống giữa sông.

Ông Lưu Đức Cường, Phó Chi cục Chi cục Bảo vệ môi trường Lào Cai, cho biết: Cách Lũng Pô 20km phía bên kia biên giới có một nhà máy sản xuất tinh bột sắn, nhận định ban đầu có thể nhà máy này đổ nước thải ra sông nên có thể đã gây ra nhưng hiện tượng trên. Nhưng cũng phải nói rằng hiện hệ thống nước thải sinh hoạt ở hai bên bờ sông nước ta không được xử lý mà thải thẳng ra sông. Trong khi đó tốc độ dòng chảy chậm nên nước sông không kịp đẩy trôi các chất cặn bã đã gây hiện tượng ứ đọng và có mùi hôi tanh.


Những cỗ máy khai thác vàng ngày đêm đào khoét lòng sông Hồng

Việc sông Hồng chuyển màu, ông Cường cho hay: "Theo những thông tin mà các cơ quan cung cấp chúng tôi biết được thì nguyên nhân sông Hồng không còn màu hồng là do phía Trung Quốc xây dựng nhiều đập thuỷ điện, do đó lượng phù sa tích tụ tại đây khiến cho sông Hồng không còn màu hồng".

Bốc mùi tanh khó chịu

Việc thượng nguồn sông Hồng ô nhiễm đã xảy ra mấy năm nay, nghiêm trọng nhất trong mùa khô năm 2010 - 2011 và năm nay. Đặc biệt mùa khô năm nay thượng nguồn sông Hồng chảy qua tỉnh Lào Cai, sông không chỉ cạn kiệt mà còn bốc lên mùi hôi nồng nặc hơn các năm trước. Màu sắc nước đã chuyển sang xám, xanh nhạt hoặc đen, nhiều chỗ bắt đầu có váng. Theo nhiều người dân, có thời điểm còn có cả bọt đục nổi lên. Cặn bẩn, tạp chất ô nhiễm còn bám đen cả hai bờ sông, bốc mùi hôi tanh khó chịu.


Những mẻ lưới đầy vỏ sắn dính vào
 

Theo báo cáo của Đồn Biên phòng A Mú Sung, hiện nay phía bên khu vực Sin Cai, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có nhà máy chế biến tinh bột sắn củ tại Sin Cai, cách khu vực suối Lũng Pô khoảng 20km. Qua theo dõi, việc xả thải của các nhà máy phía Trung Quốc không theo chu kỳ cố định, có thể xả ban ngày, cũng có thể xả ban đêm nhưng có một điểm chung là khi nhà máy chế biến tinh bột săn xả nước thải, thì ngày sau đó là nước xả từ đập của nhà máy thuỷ điện của Trung Quốc lại xả sau để pha loãng nồng độ ô nhiễm cũng như đẩy trôi nhanh về phía hạ lưu của dòng nước.

Tại con suối Lũng Pô nơi hợp lưu sông Hồng, một cán bộ biên phòng tại trạm A Mú Sung cho biết: Mấy năm trở lại đây cứ vào mùa khô từ trước Tết cho đến tháng 4 nước sông Hồng cạn kiệt. Năm nay mức độ cạn kiệt lại dài hơn năm trước. Do đó người dân lội qua sông là chuyện thường. 

Trước việc sông Hồng ô nhiễm, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu 4 mẫu nước tại 4 địa điểm khác nhau. Tại Báo cáo kết quả phân tích nước sông Hồng số 404/TNMT-CCBVMT thì chỉ tiêu NH4+ (Amoni) và PO43- (Phosphate) cao hơn tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt Việt Nam từ 1,22-2,46 lần (NH4+) và 4,4-9,2 lần (PO43-).

Ngoài ra hàm lượng NO2- (Nitrit) mẫu nước tại khu vực trạm quan trắc nước xuyên biên giới, TP Lào Cai cũng cao hơn quy chuẩn cho phép là 4,35 lần.


Cả ngày kéo lưới trên sông nhưng nhóm ngư dân này chỉ được ít những con cá nhỏ

Ông Lưu Đức Cường nói: “Năm ngoái và năm nay có hiện tượng ô nhiễm trong một thời gian, cứ đến tháng 12 âm lịch sang tháng 3, 4 năm sau nhưng khi mưa lũ về thi ô nhiễm giảm đi. Còn những yếu tố tác động từ phía Trung Quốc, thông qua các cơ quan liên quan thì chúng tôi đã nắm được. Hiện nhà máy nào, đơn vị nào chúng tôi chưa nắm rõ, vì không nằm trong lãnh thổ mình. Khi có hiện tượng ô nhiễm thì chúng tôi rà soát lại, việc ô nhiễm thì phải kiểm tra trong nội địa còn phía bên kia biên giới thì liên qua đến vấn đề biên giới, quốc tế thì ở cấp cao hơn đứng ra giải quyết”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.