Để tối ưu hóa, nâng cấp các tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2025, gần 2 năm nay Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Tĩnh đã nghiên cứu, đưa công nghệ số vào quản lý hoạt động sản xuất ở các cơ sở tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối Chương trình NTM Hà Tĩnh, trước mắt có 10 sản phẩm OCOP được lắp “mắt thần” theo dõi quy trình sản xuất.
Bao gồm, gạo Ngọc mầm của Công ty TNHH một thành viên KC; dầu lạc thuộc Công ty TNHH Thương mại Ngọc Đường (huyện Thạch Hà); cam giòn Xuân Hòa (Can Lộc); các sản phẩm từ nhung hươu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Hương Sơn (huyện Hương Sơn); nước mắm của HTX Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh); ruốc kem của doanh nghiệp Hương Xuân (Lộc Hà); mộc gia dụng và thủ công mỹ nghệ của Công ty Đồ gỗ Hoàng Lê Bình; bánh gai hộ bà Nguyễn Thị Nho (huyện Đức Thọ); cam Bảo Phương thuộc tổ hợp tác cam Hương Thọ (Vũ Quang) và các sản phẩm từ trầm hương của hộ gia đình Nguyễn Chí Thành (Hương Khê).
“Việc gắn camera giám sát đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến đến đóng gói, bảo quản. Bây giờ chúng tôi ngồi ở thành phố, chỉ cần một chiếc smartphone là có thể theo dõi được hết hoạt động sản xuất của các cơ sở”, ông Oánh chia sẻ.
Chánh văn phòng điều phối NTM Hà Tĩnh thông tin thêm, đơn vị đang tiếp tục xây dựng, tích hợp camera giám sát vào phần mềm dữ liệu số NTM, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như khách hàng, người dân quan tâm có thể theo dõi, cùng giám sát chất lượng các sản phẩm.
Tính ưu việt khi ứng dụng camera vào trong sản xuất còn thể hiện qua việc theo dõi sát sao được quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi.
Ví dụ, trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Huy ở huyện Đức Thọ, sau khi gắn camera tại các dãy chuồng ông có thể giám sát từng con lợn từ xa để biết con nào ốm, con nào bỏ ăn, kịp thời điều trị.
Tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 72 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn; trong đó 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; số còn lại đạt chuẩn 3 sao.
Hay trường hợp HTX Hoàng Hà, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà triển khai lắp 10 mắt camera giám sát ở cánh đồng rau 12 ha ở các thôn Bắc Bình, Thượng Phú và Sâm Lộc. Nhiệm vụ chính của những chiếc camera này là giám sát bà con tuân thủ quy trình trồng rau từ lúc làm đất đến khi thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGap.
“Một số bà con vẫn có thói quen phun thuốc BVTV không đúng thời gian cách ly. Như trường hợp hộ ông N.V.L, lợi dụng lúc trời tối đã phun thuốc trái quy định. Sau khi theo dõi qua camera phát hiện sự việc, chúng tôi đã mời họ lên lập biên bản và xử lý toàn bộ diện tích rau củ đã phun thuốc, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn Dương Kim Huy nói.
Theo ông Huy, thông qua camera, nhật ký canh tác trực tuyến lưu lại đầy đủ thông tin về các giai đoạn sản xuất cụ thể của từng vùng rau. Nhờ đó, sản phẩm rau Tượng Sơn được rất nhiều bạn hàng tin tưởng, tìm mua.
Ngoài lắp “mắt thần” giám sát sản xuất, Văn phòng NTM Hà Tĩnh còn truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua quét mã QR; ứng dụng công nghệ thông tin vào chấm điểm các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…
Cụ thể, mỗi thành viên nằm trong Hội đồng giám khảo được cấp một tài khoản, tiến hành chấm trực tiếp trên phần mềm điện tử. Phần mềm này, khống chế số điểm tối đa - tối thiểu nên đảm bảo được tính khách quan, tiện lợi, đặc biệt là cập nhật nhanh chóng, lưu giữ dữ liệu lâu dài.