| Hotline: 0983.970.780

Sức bật của nông nghiệp Lào Cai năm 2023

Thứ Tư 03/01/2024 , 16:57 (GMT+7)

Năm 2023, ngành nông nghiệp Lào Cai có tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt 3,23%, riêng giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực đạt hơn 4.600 tỷ đồng.

Phát triển nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm

Động lực từ Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, năm 2023, Lào Cai chỉ đạo tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Lào Cai thăm vùng trồng dứa tại huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Lưu Hòa.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Lào Cai thăm vùng trồng dứa tại huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Lưu Hòa.

Nổi bật trong bức tranh nông nghiệp năm 2023, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được nâng lên với tổng số 932ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 130ha chè, 280ha chuối, 10ha dứa, 212ha quýt, 100ha rau, 124ha quả su su; hơn 210ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; 5.368ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ (quế 4.123ha; chè 1.142ha, măng 62ha, nấm 1,5ha; hồng không hạt 20ha).

Đến năm 2023, Lào Cai đã có 46 nhãn hiệu tập thể, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý, 197 sản phẩm chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP do các doanh nghiệp, HTX của Lào Cai làm ra đã được thị trường đón nhận, đánh giá cao, sản phẩm mang đặc trưng riêng, đem lại việc làm tại chỗ và thu nhập cao cho người lao động.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 6 ngành hàng chủ lực phục vụ chế biến, xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân gồm: Vùng chè 8.295ha, vùng dược liệu 4.105ha, vùng sản xuất chuối 2.355ha, dứa 2.200ha, vùng sản xuất quế trên 59.000ha.

Chăn nuôi phát triển ổn định, các mô hình chăn nuôi trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo chuỗi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên sản lượng thịt hơi tăng, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 72.000 tấn, bằng gần 104% kế hoạch và tăng 3,6% (tăng 2.500 tấn) so với năm 2022.

Tinh dầu quế và các sản phẩm từ vỏ quế Lào Cai được xuất đi các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ... Ảnh: Lưu Hòa.

Tinh dầu quế và các sản phẩm từ vỏ quế Lào Cai được xuất đi các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ... Ảnh: Lưu Hòa.

Năm 2023, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản chuyển đổi mạnh mẽ từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp hàng hóa; đã hình thành vùng nguyên liệu gắn với hệ thống cơ sở chế biến; từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5%.

Trong năm, Lào Cai chú trọng thực hiện chuyển đổi hơn 5.100ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực, có tiềm năng như chè 815ha, chuối 425ha, dứa 140ha, dược liệu 326ha, quế 1.360ha, cây khác 2.036ha (rau, cây ăn quả...). Hiện nay, các địa phương tích cực vận động nhân dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế để nâng cao thu nhập.

Từ việc triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách ưu đãi của tỉnh, ngành nông nghiệp của Lào Cai đang phát triển tích cực. Doanh nghiệp và người dân đã đổi mới tư duy làm ăn, chú trọng đầu tư công nghệ và liên kết theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập.

 “Quả ngọt” từ những sản phẩm thế mạnh

Ngành nông nghiệp Lào Cai đã phát huy được những lợi thế của từng vùng, chuyển dịch sản xuất theo hướng đầu tư chiều sâu, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp để phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực có giá trị kinh tế cao, có nhiều sản phẩm đáng tự hào. Đơn cử năm 2023, Lào Cai có tổng diện tích cây dược liệu đạt 4.105ha, sản lượng đạt 19.000 tấn, giá trị ước đạt trên 400 tỷ đồng (khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha) - bằng 102% giá trị năm 2022.

Rừng quế hữu cơ ở xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) đã mang lại những ngôi biệt thư cho người dân nơi đây. Ảnh: Lưu Hòa.

Rừng quế hữu cơ ở xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) đã mang lại những ngôi biệt thư cho người dân nơi đây. Ảnh: Lưu Hòa.

Hiện toàn tỉnh có hơn 210ha/13 cây dược liệu đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP-WHO. Một số địa phương đẩy mạnh phát triển nhóm cây dược liệu chiết xuất tinh dầu như chùa dù, thuốc tắm..., mô hình trồng thảo dược (đương quy, tam thất, khởi tử, bò khai…) gắn với các món ăn bản địa độc đáo, thu hút khách du lịch.

Lào Cai hiện có 8.295ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 5.082ha, sản lượng ước đạt 44.540 tấn, tình hình tiêu thụ ổn định, giá thu mua bình quân trên 8.000đ/kg, giá trị ước đạt trên 350 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 100ha chè VietGAP và hơn 1.141ha chè hữu cơ; có 13 doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến chè, thị trường tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu sang các nước Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc.              

Diện tích chuối toàn tỉnh hết năm 2023 là 2.355ha, sản lượng thu hoạch trên 60.000 tấn. Tình hình tiêu thụ chuối ổn định, giá bán bình quân giao động từ 7.000 - 9.000đ/kg (cao hơn cùng kỳ 3.000đ/kg), giá trị đạt 350 tỷ đồng.

Tổng diện tích dứa toàn tỉnh đạt 2.200ha, sản lượng đạt 41.900 tấn, tình hình tiêu thụ ổn định, giá bán bình quân tại huyện Mường Khương 5.000đ/kg, giá trị đạt trên 180 tỷ đồng (bình quân 100 triệu đồng/ha/năm). Toàn bộ sản lượng dứa được xuất bán cho Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu và các nhà máy tại Hưng Yên, Nam Định thông qua đầu mối là HTX Thịnh Phong.

Ngày hội hái chè tại Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Ngày hội hái chè tại Lào Cai. Ảnh: Lưu Hòa.

Diện tích quế đạt 59.197ha; khai thác 116.646 tấn cành lá quế, 9.051 tấn vỏ quế khô, chiết xuất được 359 tấn tinh dầu; giá trị ước đạt 850 tỷ đồng. Vùng nguyên liệu quế của tỉnh cơ bản đã gắn liền với hệ thống cơ sở chế biến với công suất thiết kế dao động từ 60 - 120 tấn tinh dầu quế/năm/nhà máy. Tinh dầu quế và các sản phẩm từ vỏ quế được xuất bán ra các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ...

Các địa phương tiếp tục phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững với những cây trồng có giá kinh tế cao như quế, trẩu, bồ đề…; cây cho lâm sản phụ như măng các loại, dược liệu dưới tán rừng… Vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến lâm sản đạt 91.150ha. Khai thác gỗ đạt 97.715m3 phục vụ nhu cầu của các xưởng, nhà máy chế biến lâm sản; khai thác lâm sản ngoài gỗ 45.596 tấn (măng tươi, các loại hạt...), tổng giá trị ước đạt 1.120 tỷ đồng.

Năm qua, Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX cập nhật thông tin về sản phẩm tham gia vào hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử. Đến nay, đã có 104 doanh nghiệp, HTX tham gia với 328 dòng nông sản an toàn được cấp mã QRCODE; 201 doanh nghiệp, HTX tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm với 350 dòng sản phẩm tham gia. Đã cập nhật thông tin của 146 chuỗi sản phẩm trên hệ thống thông tin quản lý chuỗi nông sản an toàn. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử gồm: 100% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử (laocaitrade.vn) và trang thông tin xúc tiến thương mại (xttmnongnghiep.laocai.gov.vn); đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương lên wedsite: http://phiencho.khuyennongvn.gov.vn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Vừa tăng tốc, vừa phát triển nông nghiệp bền vững

Năm 2024, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất theo từng lĩnh vực và nhóm sản phẩm có lợi thế, chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, góp phần tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Niềm vui người dân Sa Pa thu hoạch cây actiso. Ảnh: Lưu Hòa.

Niềm vui người dân Sa Pa thu hoạch cây actiso. Ảnh: Lưu Hòa.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất; mở rộng các mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, nông dân trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu.

Quản lý, phát triển các vùng sản xuất có sản phẩm đạt chất lượng, truy xuất nguồn gốc; tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tham gia hội nhập vào thị trường quốc tế. Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với chế biến để đa dạng sản phẩm (chè ô long, dứa đóng hộp, các sản phẩm từ thịt lợn, gà, cá, quế ống sáo…).

Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian, đặc biệt trong công tác giải mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tăng cường thu hút đầu tư các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Nâng cấp, mở rộng nhà máy chế biến hoa quả tại Mường Khương của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu; nhà máy chế biến sản phẩm quế của Công ty Quế hồi Việt Nam; các dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi công nghiệp, phát triển chăn nuôi trang trại tập trung; dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu vỏ quế; dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện sinh khối.

Vùng chè tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) vừa có giá trị cao về kinh tế, vừa thu hút du lịch. Ảnh: Lưu Hòa.

Vùng chè tại xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) vừa có giá trị cao về kinh tế, vừa thu hút du lịch. Ảnh: Lưu Hòa.

Song song đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, tiếp thị các mặt hàng chủ lực của tỉnh như quế, chè.. sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu…

Năm 2024, ngành nông nghiệp Lào Cai tập trung phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 5%; giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt 98 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2%; giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực chiếm khoảng 53% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Trao tặng 1.500 con vịt biển cho quân, dân Bà Rịa- Vũng Tàu

Ngày 10/12, Trung tâm Vigova đã gửi tặng 1.500 con vịt biển giống cho Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.