| Hotline: 0983.970.780

Suy ngẫm về bức tranh kinh tế 'năm Covid'

Chủ Nhật 03/01/2021 , 07:01 (GMT+7)

'Cần phải quan niệm hỗn loạn là chuẩn mực của trạng thái bình thường mới của xã hội', Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Ảnh: Hoàng Anh.

Hỗn loạn là chuẩn mực của trạng thái bình thường mới 

Đại dịch Covid là một tai họa bất ngờ của thế giới, tác động về mặt kinh tế, xã hội hết sức nghiêm trọng, có thể sánh ngang với khủng hoảng kinh tế những năm 1930 - 1933. Hầu hết các nước công nghiệp phát triển đều rơi vào tình trạng suy thoái, tăng trưởng kinh tế âm, có những quốc gia tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 10%.

Nhiều người đã nói nhân loại đang sống trong một kỷ nguyên hỗn loạn. Hỗn loạn ở chỗ, đây là thời kỳ công nghệ thông tin kết nối toàn cầu rất nhanh, công nghệ sáng tạo có những bước đột phá, các sản phẩm ra đời cũng rất nhanh.

Trước đây một phát kiến, sáng tạo có thể tồn tại trong nhiều chục năm nhưng bây giờ cùng lắm chỉ vài năm. Tốc độ đó dẫn đến tình trạng siêu cạnh tranh khốc liệt, một số cường quốc mới nổi đã vươn lên chiếm lĩnh, soán ngôi thị trường của các nước lớn, tạo ra một cuộc chiến thương mại giữa các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nga…

Tình thế cũng buộc một số quốc gia quay trở lại với chế độ bảo hộ thương mại khiến trật tự kinh tế thế giới đã được thiết lập bằng các hiệp định thương mại tự do bị đảo lộn.

Các cường quốc mới nổi đã hình thành các quỹ đầu tư rất lớn, đó là những “con sói” trên thị trường, bằng hình thức rót tiền và thâu tóm, khống chế. Họ có thể nhảy vào bất cứ cuộc đầu tư tài chính nào và thao túng thị trường cực mạnh.

Hỗn loạn tiếp theo, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề. Dịch bệnh và thiên tai năm 2020 cũng là một bài học toàn cầu về vấn đề ô nhiễm môi trường, bài học việc giữ gìn hệ sinh thái sau bao nhiêu năm môi trường bị phá hoại.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường lại giáng những đòn chí mạng vào kinh tế, xã hội thế giới như bây giờ. Một năm dịch bệnh, thiên tai, hạn hán, bão lũ… có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Sự giàu có đã phải trả giá rất đắt. Ví dụ nước Mỹ, dân số của họ chiếm 4,5% thế giới nhưng đã tiêu tốn số lượng tài nguyên của toàn cầu khoảng 25%.

Càng giàu có càng tiêu tốn nhiều tài nguyên và Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều quốc gia khác vẫn đang coi Mỹ là giấc mơ của họ, đang phấn đấu để được giàu có như Mỹ hay đang phấn đấu để tiêu tốn thêm nhiều tài nguyên của thế giới như Mỹ. Khi tài nguyên thiên nhiên bị tiêu tốn nhiều như vậy thì thảm họa về môi trường sẽ tới, có thể không tới từ những quốc gia giàu có mà lại đến từ những quốc gia nghèo.

Muốn tiêu tốn nhiều tài nguyên phải có quyền lực, phải có sức mạnh quân sự, kinh tế và chúng ta thấy kho vũ khí thế giới ngày một đầy lên.

Bất hạnh lớn nhất của loài người hiện nay là đã xây dựng nên một kho vũ khí có thể tiêu diệt đến hàng trăm tỷ người, nguy cơ đó đã hiện hữu, đã “nằm dưới gầm giường” nhân loại, mầm mống hủy diệt loài người đã hiện hữu chứ không còn là chuyện khoa học viễn tưởng.

Covid đặt ra cho toàn cầu một vấn đề rất lớn về sự giàu có, sự tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và những cái giá phải trả cho các quốc gia và cho toàn nhân loại. Đặc biệt với người nghèo, những người ít tiêu tốn, hưởng lợi từ tài nguyên nhất nhưng lại gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đấy cũng là một yếu tố tạo ra sự hỗn loạn về mặt xã hội.

Chuyện người Mỹ kéo đến bao vây Sở giao dịch chứng khoán New York, người da đen biểu tình ở khắp nơi trên thế giới không đơn giản là vì việc ông cảnh sát Mỹ kẹp cổ ông da đen đến chết mà là sự phản ứng xã hội thực sự đối với cái gọi là người nghèo khổ bị bóc lột, người nghèo phải hứng chịu hậu quả xấu của sự giàu có. Có lẽ chưa bao giờ trên thế giới sự chênh lệch giàu nghèo lại sâu sắc và nguy cơ gây ra hỗn loạn lại lớn như bây giờ.

Đó là một góc nhìn tương đối sống động về dịch bệnh năm 2020, một vấn đề lớn chứ không đơn giản là Covid - một tai họa bất ngờ ập xuống.

Chính vì vậy tôi nghĩ rằng, cần phải quan niệm hỗn loạn là chuẩn mực của trạng thái bình thường mới của xã hội. Các nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới cũng đã thừa nhận điều đó.

Ở Việt Nam, ngay từ đầu Chính phủ đã đặt nhiệm vụ chống dịch bệnh là một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế. Tôi vừa làm việc với một nhóm chuyên gia châu Âu, họ đã nói thế này: Trong một bối cảnh hỗn loạn là chuẩn mực của bình thường mới thì cách hành xử của Chính phủ Việt Nam tỏ ra có hiệu quả. Đó là sự kiên quyết với các vấn đề hỗn loạn đồng thời vẫn tìm cách để duy trì sự phát triển và khơi thông tiềm năng để tận dụng những cơ hội có được. Chúng ta đã “đi bằng hai chân” và có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới làm được thế.

Tôi còn nhớ, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 trong năm nay, Thủ tướng Việt Nam cũng đã đặt ra phương châm rất hay là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Đó là một phương châm hành động rất chuẩn xác trong tình hình hiện nay của kinh tế thế giới.

Điều may mắn là trong rủi ro chúng ta đã có những cơ hội và tận dụng tuyệt vời. Tất nhiên, đối với các doanh nghiệp truyền thống vẫn gặp những khó khăn nhất định nhưng các doanh nghiệp số hóa, doanh nghiệp khoa học kỹ thuật đã phát triển rất mạnh, đó là một cơ hội trời cho.

Trước Covid, rất nhiều ngân hàng trong nước đã ký kết với các đối tác nước ngoài về việc chuyển đổi số, tuy nhiên do Covid nên các đối tác nước ngoài không thể đến. Điều này đã giúp các doanh nghiệp số hóa ở Việt Nam có cơ hội thực hiện các hợp đồng với một chi phí thấp hơn rất nhiều, hiệu quả không kém, thậm chí còn có những cải tiến phù hợp với Việt Nam hơn, thể hiện được kỹ năng của người Việt về tiếp cận công nghệ số.  

Tôi nghĩ là đã có một cuộc cách mạng về tư duy, lâu nay khi chuyển đổi sang số hóa chúng ta cứ lăm lăm vào các đối tác nước ngoài, cứ nghĩ rằng chỉ có nước ngoài mới làm được, thậm chí còn có chuyện một số doanh nghiệp số hóa ở Việt Nam đã không ký được bất cứ hợp đồng nào ở trong nước nhưng nghịch lý ở chỗ lại ký được ở nước ngoài.

Hay như vấn đề thương mại điện tử, trước Covid, mỗi khi nói đến tăng trưởng kinh tế chúng ta vẫn thường hô hào muốn tăng trưởng chất lượng, đột phá thì phải có công nghệ, đặc biệt là công nghệ số hóa.

Hô hào thế nhưng thực tế là hầu hết các mạng thương mại điện tử của Việt Nam đều bị các doanh nghiệp nước ngoài mua hết, người ta mua không phải vì mạng của mình có gì ghê gớm mà họ mua toàn bộ cơ sở dữ liệu, những tài nguyên quốc gia.

Những doanh nghiệp tiên phong của chúng ta bắt buộc phải bán, vì hoạt động khó khăn quá, vì không có sự hỗ hồ trợ nào trong khi môi trường cạnh tranh quá khốc liệt. Các đại siêu thị cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Điều đó đã dẫn đến hậu quả là hầu hết các mặt hàng nông sản thực phẩm và công nghiệp nhẹ của Việt Nam bị đuổi ra khỏi những siêu thị đặt trên quốc gia mình. Trường hợp có cho vào thì cũng bố trí ở những góc khuất, xó xỉnh, tối tăm chẳng ai ngó ngàng đến. Đó có thể coi là thất bại đầu tiên và là thất bại lớn nhất về thương mại điện tử, thương mại bán lẻ của Việt Nam trong mấy năm vừa rồi.

Cơ hội mở ra khi Covid giúp chúng ta phần nào phục hồi lại, số lượng công nghiệp số hóa tăng lên, số lượng mạng kết nối giao dịch điện tử tăng lên và các nhà phát triển mới này dường như có một tầm nhìn chiến lược dài hơi hơn chứ không phải thu gom cơ sở dữ liệu để bán cho nước ngoài.

“Làn gió mới” trong Covid mang khát vọng muốn có một cái gì đó thuần Việt, cùng với một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tạo ra một hệ thống kết nối các doanh nghiệp trong nước lại với nhau để bảo vệ thị trường nội địa.

Đơn giản chỉ là “buôn có bạn, bán có phường” như cha ông đã đúc kết, có khác chăng là sự phù hợp với thời đại yêu cầu những tiêu chí về khoa học công nghệ, tiêu chí về kết nối, tiêu chí về chi phí đảm bảo cho lợi ích của người sản xuất, người bảo quản, vận tải vận chuyển, chế biến, xuất khẩu được phân phối một cách công bằng. Đố là điều từ trước khi Covid Việt Nam chưa làm được.

Nông nghiệp Việt Nam cũng vậy. Covid “giúp” chúng ta xuất khẩu nông sản tốt hơn nhờ vào việc sản xuất ở nhiều quốc gia bị đình trệ, mặt khác thế giới an tâm, tin tưởng đối với nông sản đến từ một quốc gia Covid được kiểm soát tuyệt vời.

Đơn giản hơn nữa là chiếc khẩu trang, lần đầu tiên một sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế được được xuất khẩu, cũng là một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, khẳng định Việt Nam có thể sản xuất ra các sản phẩm chứa chất kháng khuẩn bên ngoài cơ thể…

Nhìn lại 2020 cũng để thấy các chính sách của Chính phủ nhằm tạo ra hiệu quả thực sự cho nền kinh tế chủ yếu đến từ chính sách chống dịch. Chống dịch quyết liệt và kiểm soát dịch hiệu quả đã tạo ra cho nền kinh tế một mức độ ổn định nhất định để phát triển, đặc biệt là kinh tế nội địa.

Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như chính sách tài khóa 62.000 tỷ đồng là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong bối cảnh ngân sách chúng ta đang bị thâm hụt nhưng cũng có thể nói đang là quá ít ỏi so với thực tiễn.

Các chính sách hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng cũng vậy. Con số về mặt lý thuyết, giấy tờ khá lớn nhưng trên thực tế khi đi vào doanh nghiệp mới thấy không đáng kể, thậm chí nhiều biện pháp thu hồi nợ còn khắt khe hơn, khốc liệt hơn ở một số ngân hàng khiến doanh nghiệp họ kêu ghê gớm.

Quy định việc phân bổ hạn mức tín dụng ở từng ngân hàng trở thành biện pháp lỗi thời, không đáp ứng được tình hình “hỗn loạn là chuẩn mực của trạng thái bình thường mới”. Thế giới thay đổi như thế sao ông vẫn cứ ngồi chia chác, phân phối?!

Điểm yếu lớn nhất của Việt Nam trong tiến trình tái cơ cấu là cứ nói khoa học công nghệ chung chung chứ đầu tư rất ít, rất yếu cho nghiên cứu phát triển. Nghiên cứu phát triển có nghĩa là phải phát kiến ra những sản phẩm mới trên nền tảng thay đổi khoa học công nghệ, muốn làm được thế phải đầu tư vào hai nền tảng lớn là công nghệ và con người.

Ở nhiều quốc gia họ có hẳn Viện phát triển công nghệ gắn với Chính phủ và doanh nghiệp để sáng tạo và chuyển giao. Chúng ta cũng có nhưng cảm giác vẫn còn là cơ quan hành chính, không có giá trị dẫn dắt doanh nghiệp. Ta thiếu một chiến lược từ cấp cao đến cấp trung gian là các nhà khoa học rồi mới đến tiền. Đấy chính thách thức lớn của Việt Nam trong xu thế "hỗn loạn là chuẩn mực bình thường mới".

Chúng ta dường như thành công trong các đối sách tình huống nhưng chưa thấy có nền tảng chiến lược dài hạn để đảm bảo vẫn sẽ tiếp tục thành công trong tương lai.

TS Lê Xuân Nghĩa

Nghiên cứu ứng dụng khoa học vào nông nghiệp đã có những bước đột phá. Ảnh: NMT.

Nghiên cứu ứng dụng khoa học vào nông nghiệp đã có những bước đột phá. Ảnh: NMT.

Tiếp tục nhìn vào 3 khu vực công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp

Năm 2021, tôi nghĩ có thể sẽ có rủi ro rất lớn là dịch bệnh có thể bùng phát vào khoảng tháng 2, tháng 3 nhưng sẽ nhanh vì đã có vacxin, thuốc chữa Covid hiệu quả hơn. Khó khăn của kinh tế thế giới cũng như Việt Nam có thể tập trung vào quý I, bắt đầu từ quý II có thể phục hồi trở lại nhưng chưa phải là một năm tăng tốc.

Kinh tế Việt Nam 2021 vẫn sẽ dựa chủ yếu vào đầu tư công khi các doanh nghiệp tư nhân, ngoài lĩnh vực bất động sản thì dường như vẫn còn sự dè dặt đối với những rủi ro. Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp mới xuất hiện ở lĩnh vực số hóa, khoa học công nghệ, chế biến nông sản, còn công nghiệp nhẹ chưa thấy có triển vọng phát triển mạnh mẽ. Khu vực dịch vụ có thể có nhiều khởi sắc hơn khi du lịch nội địa sẽ phát triển nhanh và có thể nửa cuối năm du lịch nước ngoài sẽ vào nhiều.

Với thành công của công cuộc chống Covid, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ bởi chúng ta là một điểm đến an toàn và dư địa về hạ tầng còn rất lớn.

Nông nghiệp năm 2021 có thể sẽ giảm thiểu về thiên tai, khi thế giới mở cửa trở lại nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ lớn hơn, đặc biệt các thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Với các hiệp định thương mại tự do thì nông nghiệp là một trong những khu vực hưởng lợi nhiều nhất và tiếp tục có nhiều cơ hội.

Năm 2020, Việt Nam chúng ta đã ở “trên đỉnh thế giới” rồi cho nên trong năm 2021 tôi cho rằng Quốc hội đưa ra mức tăng trưởng GDP 6% là hợp lý. Chúng ta tiếp tục nhìn vào 3 khu vực chủ yếu: Công nghiệp chế biến chế tạo -  dịch vụ - nông nghiệp.

Nhìn để thấy tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo thuần túy trong GDP của Việt Nam từ năm 1995 đến nay gần như không tăng lên, luẩn quẩn đâu đó 17 - 18%. Trong khi hàm lượng chế biến chế tạo của người nước ngoài tại Việt Nam tăng lên khủng khiếp đã đồng nghĩa với việc hàm lượng trong nước giảm đi. Giá trị gia tăng là điều quan trọng nhất nhưng trong lĩnh vực này chỉ ở lại Việt Nam những đồng tiền lương ba cọc ba đồng còn giá trị lớn chủ yếu ra nước ngoài.

Câu hỏi lớn phải trả lời: Việt Nam có thể phát triển công nghiệp chế biến chế tạo "made in Việt Nam" không? Được, nhưng phải thay đổi. Phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, bảo vệ họ trước những rình rập thâu tóm của các tập đoàn lớn, phải có chính sách thực sự khuyến khích phát triển chế tạo công nghiệp nội địa. Hàn Quốc phải mất hơn 20 năm, Chính phủ đi cùng doanh nghiệp mới có được Hyundai đó thôi.

Thứ hai là dịch vụ, tôi nghiên cứu từ 1995 đến 2015 tạo ra đâu đó khoảng 20 triệu việc làm mới, phần lớn từ nông thôn, 14 triệu trong số đó đi vào dịch vụ, 6 triệu đi vào công nghiệp, xây dựng... Điều đó chứng tỏ ngành có thể sử dụng lao động nhiều nhất ở Việt Nam trong tương lai cũng là ngành quyết định xu thế phát triển kinh tế của Việt Nam chính là dịch vụ. Dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn công nghiệp, giá trị gia tăng trên một đơn vị lao động có khuynh hướng ổn định và tăng lên, ở đó lại có nhiều lao động nhất thì đương nhiên là quyết định xu thế.

Thứ ba là nông nghiệp. Vai trò, vị trí nông nghiệp đã được Chính phủ nhìn nhận là trụ cột vô cùng quan trọng của nền kinh tế. Cần phải lưu ý thêm là giá trị sản lượng nông nghiệp hàm chứa giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp để lại giá trị cho người Việt nhiều hơn. Kết nối là yếu tố sống còn của nông nghiệp.

Hiện nay có một số khuynh hướng như công nghiệp hóa nông nghiệp, tức là sản xuất nông nghiệp quy mô công nghiệp, sử dụng công nghệ cao, nhưng đồng thời cũng có một khuynh hướng khác nữa là chế biến nông sản xuất khẩu. Tất cả phải dựa trên nền tảng kết nối. Công nghiệp hóa nông nghiệp, nông nghiệp sạch và kết nối để tạo ra một thị trường vững chắc, an toàn, nông dân yên tâm sản xuất.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.