Có lẽ trong hàng trăm, hàng ngàn năm hình thành và phát triển cấu trúc xã hội Việt Nam, giai đoạn từ sau năm 1954, đặc biệt là khoảng 30 - 50 năm qua, kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975, chưa bao giờ cấu trúc xã hội và nông thôn Việt Nam có nhiều biến động lớn lao như vậy.
Những dòng di dân từ nông thôn ra thành thị, rồi những dòng di dân từ miền Bắc vào miền Nam mang lại những thay đổi lớn lao và sâu sắc cho cả xã hội, xa hơn là cho cả dân tộc. Quá trình di dân này gắn với quá trình đô thị hóa, hình thành những đô thị lên tới 10 triệu người như Hà Nội hay Sài Gòn, và những đô thị nhỏ hơn như các thành phố Hải Phòng, Hạ Long, Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng… Nhưng cùng với đó là để lại những khoảng trống cho những vùng nông thôn: trống vắng con người, trống vắng văn hóa, trống vắng hoạt động và thậm chí cả trống vắng về tâm hồn.
Quá trình hiện đại hóa một dân tộc, một quốc gia tất yếu dẫn đến quá trình đô thị hóa, hình thành những đại đô thị nhưng kèm theo, phải nuôi dưỡng một hệ sinh thái, những vùng nông thôn có chất lượng văn hóa và cuộc sống cao để hài hòa và cân bằng với sự phát triển. Đó là những thách thức vô cùng lớn.
Dường như ở Việt Nam trong những thập kỷ qua, quá nhiều sự chú ý, đầu tư, chính sách, con người, nguồn lực dành cho các đô thị mà có phần quên lãng đi nông thôn đang dường như có phần trống rỗng và vắng vẻ hơn. Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh và tác động mạnh mẽ, sâu sắc... khi sự chuyển dịch nguồn lực có chất lượng từ nông thôn ra thành thị, và rồi ra các đô thị lớn nhất cả nước, sự thiếu vắng các điều kiện (nguồn nhân lực chất lượng cao và tài chính) để phát triển quê hương.
Ngoài những chính sách và các nỗ lực của Nhà nước, tôi nghĩ một trong những giải pháp có thể trông đợi hoặc kỳ vọng nhiều hơn đó là sự kết nối của những dòng họ - một trong những trục nối để phát triển nông thôn trong xã hội hiện đại.
Việt Nam là một dân tộc Á Đông, với những đặc điểm rất điển hình, tính gắn bó cộng đồng lớn. Người Việt gắn bó với dòng họ, với làng quê, với hàng xóm chặt chẽ hơn nhiều so với phương Tây. Thế hệ F1 (thế hệ sinh ra ở nông thôn nhưng di cư ra các đô thị) gắn bó nhờ những mối nối với quê hương, với đồng hương khi họ trưởng thành và lớn lên với trường học, gia đình, hàng xóm, văn hóa và cộng đồng xung quanh nên dù di cư ra các thành phố thì vẫn còn lưu giữ những ký ức, những mối nối kết với quê hương.
Thế hệ F2 sinh ra ở đô thị (là con cái của thế hệ F1) và thế hệ F3 (con cái thế hệ F2, hoàn toàn sinh ra ở đô thị, rất ít ký ức với quê hương của ông bà) thì mối quan hệ với quê hương (của ông bà) sẽ mờ nhạt hơn nhiều nhưng vẫn phần nào đó duy trì mối quan hệ về dòng tộc.
Với cả dân tộc Việt Nam, quá trình hiện đại hóa đi cùng với hội nhập quốc tế, sự phát triển gắn với và dựa vào nguồn vốn đầu tư, vào các dòng chảy cư dân hiện đại nhưng cũng còn một nguồn lực và mối kết nối nữa, đó chính là gần 3 triệu Việt kiều trên thế giới.
Và cũng tương tự như vậy, các tỉnh thành, các vùng nông thôn Việt Nam cũng có một nguồn lực rất lớn đó chính là đồng hương (những người đã di cư từ nông thôn ra thành thị) nhưng mối quan hệ đồng hương này sang đến thế hệ F2 và F3 sẽ trở nên mờ nhạt và yếu hơn, duy còn một sợi dây nữa đó chính là họ hàng, huyết tộc.
Tôi nhớ đến chuyện dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương, việc trùng tu di tích có sự hảo tâm, tài trợ từ các con cháu họ Vũ, Võ, trong đó có anh Võ Hồng (dù là quê ở Thanh Chương) nhưng lại gắn bó với dòng họ Vũ/Võ rất sâu sắc. Hay những câu chuyện về dòng họ Cao ở Diễn Châu, họ Lê ở Thanh Hóa, dòng họ Thân ở Bắc Ninh, họ Trần ở Nam Định, họ Phan ở Hà Tĩnh… và rất nhiều những dòng họ lớn, hiển danh với rất nhiều con cháu tài giỏi đang gắn kết với quê hương, với dòng tộc…
Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về các dòng họ, về sự phát triển và thực trạng dòng họ ở Việt Nam và cũng tìm hiểu sơ bộ về các dòng họ ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc và cả ở Israel, khi nói chuyện với các bậc học giả, người hiểu biết, họ cũng đều có chung những suy nghĩ này với tôi, khi mối quan hệ huyết thống, dòng tộc lại là sợi dây gắn bó của họ với nhau, và với quê hương.
Tại Nhật có rất nhiều người nổi tiếng mang họ Satou, cộng với nguồn gốc về một gia tộc to lớn thời xa xưa mà hầu hết những người đang mang họ Satou khi được phỏng vấn đều trả lời rằng họ cảm thấy rất hãnh diện khi được mang họ này, điều đó khiến họ cảm thấy thật đặc biệt và đáng tự hào khi sinh ra trong một gia tộc có nhiều nhân vật ông cha đã cống hiến cho tổ quốc.
Riêng tôi, rõ ràng tôi gắn bó với dòng họ, với các di tích, di sản của dòng họ Nguyễn Cảnh nhiều hơn các di tích của Đô Lương, của Nghệ An. Tôi tham gia hoạt động ở Hội đồng hương của tỉnh nhưng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong dòng tộc Nguyễn Cảnh. Tôi tin đây là điều tự nhiên chung của mỗi con người chúng ta, ở mọi địa phương, mọi dòng họ. Vài thập niên gần đây, chúng ta đang và thấy sự đầu tư, kiều hối và cả những sự ủng hộ, kết nối từ kiều bào trên cả thế giới và cũng nhận ra được nguồn lực vô cùng to lớn của Việt kiều mà chưa được khai thác, khai mở hết.
Vì thế, cũng tương tự như vậy, các vùng nông thôn, các địa phương không chỉ dựa vào mối quan hệ từ đồng hương mà cũng cần nghĩ đến sự phát triển mối quan hệ và nguồn lực, sự kết nối với các dòng tộc. Cần tìm ra những cách thức để tận dụng và khai thác các giá trị dòng họ như những nguồn lực quan trọng cho phát triển...
Tôi luôn tin rằng, con người gắn bó nhất với gia đình, dòng họ và rồi mới đến quê hương (của cha, của mẹ). Khái niệm quê hương, quê cha hay quê mẹ dần dần mờ nhạt dần qua các thế hệ nhưng mối kết nối dòng họ sẽ còn kéo dài. Vậy sự phát triển của dòng họ có thể giúp ích gì cho quê hương? Tôi nghĩ đó là mối quan hệ hai chiều.
Là con người luôn nhớ về cội nguồn, về quê cha đất tổ như chúng ta hay nói, và cũng nơi họ đi về. Đó là các hoạt động du lịch, du lịch tâm linh và du lịch dòng họ mà chính chúng tôi đang thử nghiệm triển khai, một tour du lịch đi thăm các di tích của dòng họ, và nhiều hoạt động khuyến học, đầu tư, xây dựng và tương trợ. Từ những người đi xa nhớ tổ tiên, cha mẹ, ông bà, cụ kỵ... Và cũng như đồng hương, những người sở hữu tính cách khá giống nhau thì trong dòng tộc, dường như các tính cách tương đồng còn rõ làng hơn nữa. Đó cũng là cách con người và dân tộc lưu giữ truyền thống, tính cách, mối quan hệ huyết thống.
Từ quê hương có thể tận dụng và khai thác nguồn lực chất xám, trí tuệ, tiền bạc và các nguồn lực khác cho phát triển, cả du lịch, văn hóa, kinh tế. Vậy các vùng nông thôn và địa phương có thể làm gì để thúc đẩy những mối quan hệ và khai thác nguồn lực này? Tôi nghĩ cũng tương tự như thúc đẩy mối quan hệ với các hội đồng hương, các địa phương có thể xây dựng mối quan hệ với các dòng tộc lớn, thúc đẩy và duy trì truyền thống dòng họ, nhất là các họ lớn... Phối hợp với các dòng họ khích lệ truyền thống, văn hóa, di sản và nối kết, thúc đẩy các di tích lịch sử gắn bó với quê hương, cộng đồng nhưng hơn cả thế là gắn bó với dòng tộc đó.
Tôi tin rằng, trong những thập niên vừa qua, mô hình hội đồng hương đã phần nào đó đóng góp vào sự phát triển của xã hội, của quê hương khi kết nối những con người đồng hương - có chung quê hương nhưng tiếp theo sự kết nối đó cần được mở rộng ra với các dòng tộc, không phải chỉ là kinh tế mà đó chính là văn hóa, là lịch sử, là một trong những yếu tố và nguồn lực phát triển địa phương và duy trì, nuôi dưỡng di sản của cộng đồng.