| Hotline: 0983.970.780

Syngenta cam kết phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam

Thứ Tư 01/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Ông Nguyễn Minh Hợi ở Di Linh, Lâm Đồng vẫn nhớ như in những kỹ thuật, kinh nghiệm học hỏi được từ các chuyên gia nông nghiệp Syngenta Việt Nam.

Hướng dẫn nông dân canh tác cà phê bền vững tại Lâm Đồng.

Hướng dẫn nông dân canh tác cà phê bền vững tại Lâm Đồng.

Khi đó, các kỹ sư của Syngenta đã phân tích mẫu đất, tư vấn cho nông dân cách tối ưu dinh dưỡng cho cây cà phê, đồng thời "chỉ mặt" các hóa chất bị cấm và gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng xấu tới đất, nước và sức khỏe, khuyến nghị các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thân thiện, hiệu quả mà nông dân nên sử dụng.

Hàng nghìn nông dân hưởng lợi 

Ông Hợi chỉ là một trong số 6.000 nông dân tại 4 tỉnh trọng điểm cà phê của cả nước, gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, được hưởng lợi từ dự án "Phát triển các mô hình cảnh quan bền vững trong sản xuất cà phê và nâng cao năng lực cho các bên tham gia nhằm giảm suy thoái đất, bảo tồn nguồn nước tưới và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu", do Syngenta Việt Nam và Công ty Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững IDH và Công ty Jacobs Douwe Egberts phối hợp thực hiện từ giữa năm 2016.

Những nông dân như ông Hợi còn được tập huấn các vấn đề an toàn lao động như đánh giá rủi ro môi trường và cây trồng, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động đạt tiêu chuẩn...

Đây chỉ là một trong số những dự án mà Syngenta đã thực hiện tại Việt Nam kể từ khi giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững trên toàn cầu.

Với 6 cam kết, chương trình mà Syngenta đưa ra vào năm 2013 tập trung vào việc nâng cao năng suất cây trồng nhưng không tác động thêm vào nguồn tài nguyên, bảo vệ đất nông nghiệp khỏi nguy cơ xói mòn, tăng cường đa dạng sinh thái, tiếp sức cho các nông hộ nhỏ, bảo vệ sức khỏe của nông dân và các cá nhân trong chuỗi sản xuất.

Sau 7 năm thực hiện, Syngenta đã đạt hoặc vượt tất cả các mục tiêu đặt ra trong chương trình, bao gồm đưa hơn 14 triệu ha đất nông nghiệp trở lại từ bờ vực suy thoái và tăng cường đa dạng sinh học trên hơn 8 triệu ha đất nông nghiệp.

Tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Bền vững của Syngenta chú trọng vào việc bảo vệ đất nông nghiệp; tiếp sức cho các nông hộ nhỏ và bảo vệ an toàn cho con người.

Syngenta đã hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp các giải pháp canh tác tiên tiến, hiện đại giúp người dân Việt Nam tăng năng suất cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ giải pháp của Syngenta đã được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện khí hậu, đặc điểm sinh trưởng của cây trồng và tập quán canh tác của nông dân Việt Nam.

Để bảo vệ các cá nhân trong chuỗi sản xuất, hằng năm, Syngenta tổ chức tập huấn về cách sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV an toàn và hiệu quả cho hàng trăm nghìn nông hộ trên khắp cả nước, giúp họ bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả cộng đồng, bảo vệ môi trường đồng thời giúp sản xuất các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài cam kết bảo vệ đất nông nghiệp thông qua dự án cà phê bền vững tại Tây Nguyên, Syngenta Việt Nam cũng phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Ong - Viện Chăn nuôi Quốc gia thực hiện dự án "Sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV nhằm bảo tồn ong mật và côn trùng thụ phấn”, góp phần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người nông dân về sự hữu ích của loài ong cũng như mối liên hệ giữa nông nghiệp và nghề nuôi ong.

Trong những năm qua, Syngenta đã biến những cam kết của mình thành những hoạt động thiết thực, mà các dự án kể trên chính là minh chứng.

Những cam kết mới trong thời kỳ hậu Covid-19

Chương trình phát triển bền vững.

Chương trình phát triển bền vững.

Có thể nói, đại dịch Covid-19 bùng phát và vẫn đang tiếp diễn đã cho thấy sự yếu ớt của hệ sinh thái nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc khảo sát, 63% nông dân được hỏi cho rằng trong 5 năm tới, biến đổi khí hậu sẽ có tác động đến hoạt động canh tác lớn hơn cả ảnh hưởng của Covid-19. Cũng giống như một đại dịch, biến đổi khí hậu là mối đe dọa không thể tránh khỏi mà con người phải giải quyết trước khi quá muộn.

Tác động kép của cả biến đổi khí hậu lẫn Covid-19 đặt ra bài toán về đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, việc hỗ trợ người nông dân sản xuất lương thực, chống biến đổi khí hậu cũng như bảo vệ đa dạng sinh học càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Để thích ứng với tình hình thực tế, mới đây, Tập đoàn Syngenta đã giới thiệu Chương trình Phát triển Bền vững (Good Growth Plan) mới với 4 cam kết, trong đó đặt cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là cốt lõi của mô hình kinh doanh của tập đoàn và đưa nông nghiệp trở thành 1 phần của giải pháp cho của sự phục hồi của nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Chương trình bao gồm các cam kết nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân ứng phó với thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Tại Việt Nam, ứng với từng cam kết cụ thể, Syngenta có những dự án riêng để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.

Trên nền tảng thành công ở giai đoạn trước, Syngenta sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án cà phê bền vững tại Tây Nguyên để thúc đẩy đa dạng sinh học và cải thiện sức khỏe đất nông nghiệp, giúp hàng nghìn nông dân ở vùng trọng điểm cà phê Tây Nguyên được hưởng lợi.

Syngenta cũng duy trì các hoạt động tập huấn giúp bà con sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV như: chương trình tập huấn bắt buộc trong các buổi Hội thảo nông dân, chương trình tập huấn chuyên sâu cho các vùng trồng chè, lúa, rau, cây ăn quả, phát cẩm nang hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, đồ bảo hộ lao động tới người nông dân, kết nối hệ thống cung ứng trang bị bảo hộ lao động với hệ thống đại lý bán thuốc BVTV giúp nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn cung

Ngoài ra, Syngenta tích cực phối hợp với các đối tác trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh các dự án phát triển nông nghiệp bền vững, liên kết với chuỗi giá trị để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam.

Cụ thể là Syngenta hợp tác với Tập đoàn Olam, Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) và các cơ quan chức năng tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp xây dựng các mô hình quản lý dư lượng và canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP.

Với việc áp dụng giải pháp canh tác lúa bền vững, 10.000 nông dân với 15.000 ha lúa trong khuôn khổ dự án sản xuất ra khoảng 150.000-200.000 tấn lúa, đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.

Syngenta còn hợp tác với Công ty TNHH PepsiCo Việt Nam xây dựng các nông trại sản xuất khoai tây kiểu mẫu tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp tác, Syngenta đã xây dựng các mô hình trình diễn, cung cấp giải pháp quản lý dịch hại, tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất khoai tây về giải pháp quản lý dịch hại và an toàn khi sử dụng thuốc BVTV.

Trong giai đoạn sắp tới, dự án này sẽ tiếp tục được triển khai và mở rộng, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng khoai tây và bảo vệ môi trường.

Cam kết Syngenta

Chia sẻ về những cam kết của công ty, ông Trần Thanh Vũ - Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam nhấn mạnh: "Chúng ta cần đặt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học làm cốt lõi, nhất là khi Việt Nam nằm trong số những nước chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu.

Với 4 cam kết mới tới năm 2025, Syngenta sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân Việt Nam canh tác bền vững với những dự án phù hợp với từng địa phương.

Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng bà con làm tròn sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn".

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.