| Hotline: 0983.970.780

Tác dụng phụ gây cục máu đông sau tiêm vacxin AstraZeneca rất hiếm gặp

Chủ Nhật 05/05/2024 , 17:26 (GMT+7)

Theo Sở Y tế TP.HCM, tác dụng phụ gây cục máu đông sau tiêm vacxin AstraZeneca rất hiếm gặp và chỉ xảy ra trong vòng 42 ngày sau khi tiêm ngừa.

Những ngày gần đây, thông tin về hiện tượng cục máu đông (huyết khối), kèm giảm tiểu cầu sau tiêm vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca khiến nhiều người dân lo ngại.

Trước vấn đề này, sáng 5/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ tháng 3/2021 đến hết tháng 6/2023, TP.HCM đã triển khai tiêm hơn 9 triệu liều vacxin AstraZeneca cho người dân theo quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, nhất là giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tình trạng xuất hiện cục máu đông sau tiêm vacxin Covid-19 AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp.

Nhà sản xuất cũng từng công bố dữ liệu an toàn về hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành, các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch. Đồng thời, cũng đã đưa ra khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vacxin, nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.

Tháng 4/2021, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu EMA đã tiến hành phân tích chuyên sâu các trường hợp có rối loạn đông máu sau khi tiêm vacxin Covid-19 tại châu Âu.

Theo đó, báo cáo trong cơ sở dữ liệu an toàn thuốc của EU (EudraVigilance) đến ngày 22/3/2021, trong tổng số khoảng 25 triệu người đã được tiêm vacxin thì có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông.

Từ đó, Ủy ban an toàn của EMA đã kết luận rằng, biến chứng rối loạn đông máu phải được liệt kê là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm chủng vacxin AstraZeneca phòng Covid-19.

Một báo cáo của Bộ Y tế Australia công bố ngày 12/1/2024, tỷ lệ xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vacxin AstraZeneca từ 4-42 ngày sau liều đầu tiên với tỷ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng, sau liều thứ hai là 0,3/100.000 người được tiêm chủng; và cũng được nhận định đây là sự cố rất hiếm gặp.

Tình trạng xuất hiện cục máu đông kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vacxin phòng Covid-19 của AstraZeneca và Johnson & Johnson được ghi nhận trong các báo cáo của các Cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vacxin tại nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vacxin Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não.

Biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4-42 ngày sau khi tiêm vacxin Covid-19. Tỷ lệ đông máu sau tiêm vacxin AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi.

Sau tiêm vacxin AstraZeneca tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.

Biến chứng đông máu sau vacxin AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.

Không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể là, bệnh Covid-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng, xuất hiện những cục máu đông; biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) cũng có thể xảy ra với tỷ lệ 5 trường hợp trên 1 triệu người ngồi máy bay.

"Như vậy tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vacxin Covid-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày (theo Bộ Y tế Australia). Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Do đó, việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vacxin Covid-19 là không có cơ sở", đại diện Sở Y tế TP.HCM nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, tiêm chủng vacxin Covid-19 nói riêng và tiêm chủng phòng bệnh nói chung vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng và giám sát chặt chẽ sự cố bất lợi sau tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.