Ngoài việc gây hại trực tiếp do bọ chích hút sẽ làm cho lá và bông bị khô, trái non rụng… vết chích còn tạo điều kiện phát sinh nấm, nhất là nấm gây bệnh thán thư xâm nhập, khiến thiệt hại thêm trầm trọng và phòng trị khó khăn, tốn kém.
Đặc tính sinh học
Bọ xít muỗi có tên khoa học là Helopeltis sp, thuộc bộ cánh nửa Hemiptera, họ Miridae. Về hình thái bọ xít muỗi có thân hình thon dài, râu dài quá thân mình, có một chùy nhỏ đặc trưng trên lưng và giữa các loài có màu sắc khác nhau.
Bọ xít muỗi có vòng đời khoảng 40 ngày, sau khi vũ hóa, bọ bắt cặp, khoảng 3 ngày sau, bọ cái đẻ khoảng 50 - 60 trứng, trứng nhỏ, trắng, đẻ rời rạc hay từng chùm 2 - 4 quả trên gân lá, cành, trái non, ấu trùng có 5 tuổi, mới nở sống tập trung nơi các bộ phận non, bọ non giống thành trùng, bọ trưởng thành di chuyển chậm, thích sống trong các lùm, bụi rậm rập và gây hại vào lúc sáng sớm hay chạng vạng tối.
Bọ xít muỗi gây hại bằng cách dùng kim chích, chích vào mô thực vật non như lá, hoa, bông, trái non để hút dịch, do trong dịch nước bọt có chất độc, khiến vết chích có đốm đen (đốm to nhỏ tùy bọ non hay trưởng thành gây hại), lá biến dạng, cong queo, bông khô, rụng, trên trái (bưởi, mãng cầu) vết chích để lại các vết sẹo, lõm làm trái giảm giá trị thương phẩm. Ngoài việc gây hại trực tiếp, vết chích còn tạo điều kiện để nấm bệnh xâm nhập nên thiệt hại càng nặng và gây nhầm lẫn khi nhận diện và phòng trị.
Bọ xít muỗi thích hợp với nhiệt độ từ 25 - 28 độ C, ẩm độ trên 90%, tiết trời mát, âm u, nóng ẩm. Nhìn chung, bọ xít muỗi có thể sống và gây hại quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa và nhất là khi cây ra lá, đọt, hoa, trái non bọ sẽ xuất hiện nhiều và gây hại nặng.
Phòng trị: Cần áp dụng các biện pháp tổng hợp như:
-Sau thu hoạch phải cắt bỏ và tiêu hủy cành vô hiệu, cành sâu bệnh.
-Dọn sạch cỏ dại trong và quanh vườn.
-Trồng mật độ vừa phải, không trồng dầy.
-Bón phân cân đối, chú ý tăng lượng phân kali và lân.
-Hun khói xua đuổi bọ xít vào sáng sớm hay chiều mát.
Phun thuốc: Chú ý thăm vườn thường xuyên đề phát hiện sớm và phòng trị kịp thời. Đặc biệt là giai đoạn khi cây ra lá, búp, bông và trái non. Sử dụng Comda 250EC phòng trừ bọ xít muỗi hại chè. Chú ý phun luân phiên, phun sáng sớm: 6 - 7 giờ hay chiều mát: sau 4 - 5 giờ chiều. Ngoài ra, tùy theo loại cây trồng có thể sử dụng các loại thuốc như: Saliphos 35EC, Sherzol EC, SecSaigon 10EC, Comda gold 5WG, dầu khoáng SK hay Brimgold 200WP.