| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành chăn nuôi hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

Thứ Bảy 09/10/2021 , 07:39 (GMT+7)

Giai đoạn khó khăn đã làm bộc lộ những thách thức và tồn tại, nhược điểm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

 đọng khoảng 30% lợn thịt quá lứa

Sáng 8/10, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020, trên 12 tỷ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng 4,2%.

Hiện nay trên cả nước, đàn trâu có khoảng 2,34 triệu con, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đàn bò gần 6,3 triệu con, tăng 1,8%. Tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con, tăng 5%. Đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4%.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt khoảng 13,6 triệu tấn, tăng khoảng 5,5% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2021 khoảng 21,48 triệu tấn, tăng khoảng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 2,7 tỷ USD (trong tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành nông nghiệp là 32,2 tỷ USD), tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nay lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm, khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD (tăng 24,3% về số lượng và 47,4% về giá trị so với cùng kỳ 2020).

Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD (trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp là 35,5 tỷ USD), tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi đã bị đứt gẫy làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi tăng 16-36%.

Trong khi đó giá sản phẩm đầu ra rất thấp. Có giai đoạn có loại vật nuôi chỉ bản được 25-30% giá thành. Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ.

Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.

Thông tin thêm về thị trường sản phẩm chăn nuôi, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết trong 9 tháng đầu năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000-75.000 đ/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000-58.000 đ/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đ/kg).

Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm. Tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đ/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đ/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

9 tháng đầu năm 2021, tổng đàn gia cầm trên cả nước đạt khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Phạm Hiếu.

9 tháng đầu năm 2021, tổng đàn gia cầm trên cả nước đạt khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đ/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đ/kg. Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021.

So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đ/kg. Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đối với 1 đất nước nhiệt đới gió mùa như Việt Nam, trong chăn nuôi, công tác thú y phòng bệnh là quan trọng hàng đầu, là số một.

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 57 cơ sở, vùng. Lũy kế đến ngày 15/9/2021, cả nước có 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Ngành chăn nuôi hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian qua, ngoài khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng còn tồn tại những khó khăn cố hữu trong nhiều năm qua. Điển hình là nền nông nghiệp còn nhỏ lẻ; hạ tầng chế biến, kho bãi yếu kém; công nghệ hạn chế; số lượng doanh nghiệp nông nghiệp rất ít… Trong khi chưa thể cải thiện những khó khăn đó, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với dịch bệnh, thị trường, biến đổi khí hậu…

Tuy nhiên với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, 9 tháng đầu năm, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục tăng trưởng 4,53%. Chăn nuôi vẫn còn dư địa lớn để ngành nông nghiệp tăng trưởng và đạt mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định chăn nuôi vẫn còn dư địa lớn để ngành nông nghiệp tăng trưởng và đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định chăn nuôi vẫn còn dư địa lớn để ngành nông nghiệp tăng trưởng và đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: Phạm Hiếu.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng chỉ những giai đoạn khó khăn như hiện nay mới bộc lộ hết những thách thức và tồn tại, nhược điểm trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.

Trước những khó khăn, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đánh giá lại quá trình xây dựng và có tầm nhìn khu vực quốc tế để tái cơ cấu, đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực hơn.

“9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD. Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu trong một giai đoạn mới của ngành chăn nuôi. Sắp tới, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, ngành chăn nuôi sẽ tiến tới quy mô và tỉ suất hàng hóa lớn hơn.

Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực quốc tế và tham gia vào chuỗi phân phối của thế giới, chúng ta phải đảm bảo được những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường đó. Ngay cả thị trường trong nước, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa , nhu cầu về chất lượng thực phẩm cũng tăng lên”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Chia sẻ về những giải pháp trong việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt thực phẩm trong giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, thứ nhất, Thứ trưởng cho rằng cần phải có sự dự báo cân đối cung cầu trong các vùng.

“Khoảng thời gian cuối năm, khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng lên. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi và các đơn vị căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng chăn nuôi để tính chu kỳ sản xuất, từ đó cân đối nguồn cung một cách sát thực tế nhất”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay.

Thứ hai, đối với thức ăn chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị với Chính phủ giao Bộ Công thương và Bộ GTVT xem xét vấn đề vận tải đường thủy và container rỗng để giảm chi phí đầu vào.

Thứ ba, Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu.

Thứ tư, Thứ trưởng nhấn mạnh khâu lưu thông phải được thông suốt để đảm bảo cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu.

“Đó là những giải pháp mang tính căn bản, kể cả trước mắt và lâu dài, để chúng ta tái cơ cấu ngành chăn nuôi có hiệu lực, hiệu quả trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất tăng khoảng 5,5-6% so với năm 2021. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 6,0-6,5 triệu tấn, tăng 5,5-6,0%; sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,97 triệu tấn tăng 4,5%; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,8 triệu tấn tăng 5%; sản lượng trứng các loại khoảng 16,8 tỷ quả tăng 5%; sản lượng sữa đạt trên 1,32 triệu tấn tăng 5,5%; sản lượng mật ong là 55.000 tấn tăng 5%; sản lượng tổ yến đạt 150 tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22,5 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2021.

Xem thêm
Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.