| Hotline: 0983.970.780

Tai họa vì nhà máy Trung Quốc

Thứ Năm 25/03/2021 , 08:14 (GMT+7)

Gambia xuất khẩu phần lớn bột cá đi Trung Quốc và Nauy. Nhưng với người dân bản địa, nguồn lợi đã bị đánh đổi.

Người dân địa phương ở Gambia thường than phiền các đội tàu cá Trung Quốc lấy hết nguồn hải sản họ vẫn thường đánh bắt được. Ảnh: BBC.

Người dân địa phương ở Gambia thường than phiền các đội tàu cá Trung Quốc lấy hết nguồn hải sản họ vẫn thường đánh bắt được. Ảnh: BBC.

Thị trấn 1,5 vạn dân Gungur trải dọc bờ biển Đại Tây dương ở miền nam Gambia. Bờ cát trắng và nguồn hải sản trù phú của Gungur bị tàn phá chỉ trong chớp mắt khi một nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào vận hành.

Chỉ mất 5 phút leo qua những triền cát từ bờ biển là đến khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Bolong Fenyo được cư dân Gunjur lập ra năm 2008. Cộng đồng địa phương gọi đó là lá phổi xanh giữ cân bằng tự nhiên cho Gunjur.

Nhưng ngày 22/5/2017, tai họa ập đến bất ngờ. Đầm phá Bolong Fenyo chuyển sang màu đỏ thẫm chỉ sau một đêm. “Mọi thứ là màu đỏ, mọi sinh vật sống đều đã chết”, phóng viên một tờ báo địa phương viết lúc đó. Cư dân thì nghi hoặc, thậm chí còn liên tưởng đến một điềm báo tận thế mơ hồ nào đấy.

Thật may, đúng thời điểm đó, một người con địa phương về thăm quê. Anh là chuyên gia vi sinh vật học Ahmed Manjang, làm việc tại Ảrập Xêút. Được láng giềng cầu cứu, anh lấy mẫu nước và gửi đến một phòng thí nghiệm ở Đức mà anh có bạn bè để tìm hiểu nguyên nhân. Viết thư gửi Bộ trưởng Môi trường Gambia, Manjang gọi đó là “thảm họa môi trường” để nhấn mạnh cảnh báo đến đầu mối duy nhất: Nhà máy chế biến cá của Trung Quốc có tên Golden Lead sát rìa khu bảo tồn.

Một quyết định phạt Golden Lead được ban hành với số tiền 25.000 USD. Manjang ví mức phạt như “gãi ghẻ” và xúc phạm cộng đồng địa phương.

Ahmed Manjang tìm hiểu thì thấy, các nhà máy chế biển hải sản Trung Quốc ở Gambia chế biến bột cá, xuất về nước làm nguyên liệu nuôi cá rô phi rồi xuất loài cá nước ngọt này sang Gambia kiếm lời. Manjang chê cá rô phi Trung Quốc tiêm đầy kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng. Chỉ còn biết giận dỗi là vì ông bất lực khi đưa ra tiếng nói cảnh báo. Bamba Banja - một quan chức ở Bộ Thủy sản và Nguồn nước còn nói với phóng viên địa phương rằng, mùi hôi thối đó là “mùi tiền”.

Golden Lead chỉ là một trong vô vàn điểm nối dài thể hiện tham vọng kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc trong chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường. Sáng kiến này - trong thời gian ngắn - đã đưa Trung Quốc thành nhà cung cấp tài chính và phát triển hạ tầng lớn nhất tại châu Phi. Điện, đường, cảng ở châu lục này đang mang đậm dấu ấn Trung Quốc.

Tại Gambia, năm 2017, Trung Quốc không những xóa khoản nợ 14 triệu USD mà còn tung thêm 33 triệu USD đầu tư vào nông nghiệp và thủy sản của nước này. Đất nước ít dân nhất châu Phi có 80km bờ biển nhìn ra Đại Tây dương thì trao hết cho 3 nhà máy chế biến cá của doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có Golden Lead. Ở Gunjur, người dân được tặng cho lời hứa Golden Lead sẽ mang đến sinh kế, thiết lập thị trường thủy hải sản và hiện vật là con đường mới dài hơn 5km băng ngang trung tâm thị trấn.

Nhà máy mọc lên trong chớp mắt vì lúc đó bột cá đang là nguyên liệu hút hàng trên thị trường toàn cầu. Bột cá Gambia xuất đi Mỹ, châu Âu, châu Á, cùng hơn 50 nhà máy khác đặt các quốc gia có thế mạnh về mặt hàng này ở Tây Phi như Mauritania, Senegal, Guinea Bissau. Nguyên liệu chủ yếu là cá nhám mà tên gọi ở Gambia là “bonga”.

Golden Lead rất khôn khi vui vẻ nộp phạt. Hai năm sau, họ âm thầm mở một đường dẫn thải mới, xuyên ngầm qua bãi biển công cộng và đổ thẳng vào biển. Lúc này, Golden Lead đã tài trợ thêm cho huyện Gunjur một trường học và thường đóng góp cho các lễ hội địa phương. Giám đốc Jojo Huang thì luôn khẳng định nhà máy tuân thủ đúng - đủ quy định, trong đó có không xả thải xuống biển.

Phương tiện đánh cá của người dân địa phương thường chỉ là tàu thuyền nhỏ (ảnh chụp từ trên cao tại một làng chài ở Gambia), không cạnh tranh được với đội tàu lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: BBC.

Phương tiện đánh cá của người dân địa phương thường chỉ là tàu thuyền nhỏ (ảnh chụp từ trên cao tại một làng chài ở Gambia), không cạnh tranh được với đội tàu lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: BBC.

Gambia xuất khẩu phần lớn bột cá đi Trung Quốc và Nauy. Nhưng với người dân bản địa, nguồn lợi đã bị đánh đổi. Một phụ nữ khoác tấm vải choàng kiểu truyền thống ướt đẫm, bạc phếch cắp chiếc rổ cá lơ thơ vài con phàn nàn: “Có bao nhiêu vào kia hết cả”, rồi chỉ về phía nhà máy của Golden Lead.

Mustapha Manneh - một phóng viên tự do 28 tuổi hẹn gặp phóng viên BBC với lời hứa có cách “chui” vào nhà máy của Golden Lead. “Không máy quay, không máy ảnh, không nhận xét” - 3 không được Manneh dặn dò kỹ lưỡng.

Phía sau cảnh cổng sắt cao 3m xếp lớp các khu xưởng kiên cố mỗi cái rộng chừng mặt sân vận động. Một khu riêng bố trí 16 bể chứa hóa chất. Chế biến bột cá không quá phức tạp, nhà máy lại tự động hóa phần lớn nên chỉ tầm hơn chục người làm việc trực tiếp. Bên trong mỗi nhà xưởng rất nhiều ngóc ngách, bụi, nóng và tối.

Một tốp thợ nhễ nhại mồ hôi dùng xẻng xúc cá vào cái phễu thép rộng vành, cá chạy qua bánh nghiền ra một dạng hỗn hợp đặc quánh, tiếp tục đi qua ống chiết xuất dầu rồi nguyên liệu tiếp tục được nghiền thành bột. Các đống bột trên sàn dễ cao đến 4m.

Sau đó, bột sẽ được sấy khô, làm mát, đóng vào bao 50kg. Mỗi một “công” chứa được 400 bao. Ngày ít thì một xưởng làm được 20 công, cao điểm sẽ được 40 công.

Trở ra ngoài cổng, liên tục có người đội rổ cá đến cân bán. Nhà máy mua theo lô và thường 20 rổ được tính là 1 lô. Họ trả tiền mặt, trả ngay sau khi cân.

“Tiền trao cháo múc”, thoạt nghe thì hay nhưng với rất nhiều người địa phương, Golden Lead chẳng mang đến tốt đẹp gì. Trước, khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã có khách du lịch đến thăm thì nay tịnh không bóng người do ô nhiễm. Dawda Jack Jabang - chủ một khu khách sạn, nhà hàng thảng mới có khách còn phần lớn tựa cửa ngắm biển. “Sau đêm đó, nó phá hoại đời tôi”, Jabang than thở. Mùi hôi thối từ nhà máy chốc chốc lại xộc vào nhà hàng.

Dịch Covid-19 đem đến nỗi lo sợ khác, nhưng lại giúp người dân địa phương có chút không khí sạch để thở. Từ tháng 5 năm ngoái, công nhân về quê ăn tết truyền thống rồi không quay lại được khiến Golden Lead phải tạm ngừng sản xuất. Đến tháng 10, họ lại có thêm cớ hy vọng nhẹ người, khi Bamba Banja bị đình chỉ công tác do nhận hối lộ 10.000 USD từ nhiều công ty chế biến hải sản Trung Quốc, trong đó có Golden Lead.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Nga phá âm mưu của Ukraine nhằm cướp trực thăng tác chiến điện tử

Quân đội Nga đã ngăn chặn một nỗ lực của tình báo Ukraine nhằm cướp một máy bay trực thăng tác chiến điện tử, một phi công và một nguồn tin an ninh cho biết.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.