| Hotline: 0983.970.780

Tại sao Ấn Độ nên ‘hạ mình’ mua vacxin Trung Quốc?

Thứ Năm 03/06/2021 , 09:59 (GMT+7)

Ấn Độ cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy tìm kiếm nguồn vacxin Covid-19 từ Trung Quốc, nhất là sau khi WHO phê chuẩn thêm vacxin của nước này được phép sử dụng khẩn cấp.

Một người đàn ông Ấn Độ chỉ vào bảng thông báo hết vacxin ở Amritsar, ngày 17 tháng 5. Ảnh: AFP

Một người đàn ông Ấn Độ chỉ vào bảng thông báo hết vacxin ở Amritsar, ngày 17 tháng 5. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, vacxin Sinopharm và Sinovac là vacxin coronavirus bất hoạt, tương tự như Covaxin do nhà sản xuất Ấn Độ Bharat Biotech phát triển. Nguyên lý hoạt động của chúng là để hệ thống miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với virus đã ngừng hoạt động mà không gây nguy cơ phản ứng nặng. WHO lưu ý rằng, những loại vacxin này mất nhiều thời gian hơn để sản xuất và có thể cần từ hai hoặc ba liều giống như chủng ngừa cúm và bại liệt cũng theo phương pháp này.

Theo đó, đầu tháng này Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt vacxin Sinovac của Trung Quốc để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sau Sinapharm trước đó. Đây là một tin tốt cho các nước đang phát triển bởi họ sẽ có thêm kênh tiếp cận nhiều vacxin hơn thông qua chương trình Covax, một sáng kiến ​​tiêm chủng toàn cầu do các cơ quan và đối tác quốc tế phát động, bao gồm cả WHO.

Tuy nhiên những nỗ lực này của Trung Quốc được coi là một đòn giáng mạnh vào chính sách ngoại giao vacxin của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi quốc gia Nam Á đã xuất khẩu hàng chục triệu liều vacxin hồi đầu năm nay.

Theo SCMP, mặc dù là cái nôi của ngành công nghiệp sản xuất vacxin lớn nhất thế giới, Ấn Độ hiện đang phải vật lộn để tiêm chủng cho dân số của mình trong bối cảnh số ca mắc mới đã tăng đột biến trong thời gian qua và buộc phải tạm dừng xuất khẩu vacxin.

Điều này làm người ta nhớ lại “sự cố” tương tự từ thời Chiến tranh Lạnh khi hai siêu cường thế giới là Mỹ và Liên Xô đã phải gạt bỏ sự khác biệt sang một bên để thanh toán bệnh đậu mùa và bại liệt. Và New Delhi và Bắc Kinh hiện cũng đang phải làm như vậy, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng sức khỏe tồi tệ nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​trong thời gian gần đây.

Mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc vốn đã phức tạp trong hơn 60 năm sau một cuộc chiến tranh và nhiều cuộc xung đột liên miên. Chiến lược giảm nhập khẩu và đầu tư từ Trung Quốc là một trong những mục tiêu của chính phủ Ấn Độ dưới thời ông Modi như là một phần của lời úy lạo để tự lực- tự cường.

Năm ngoái, New Delhi đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị PPE để giúp Trung Quốc chống Covid-19, và hiện Covax được coi là có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng vacxin hiện nay, bằng cách dựa vào Trung Quốc để đảm bảo chúng được phân phối một cách công bằng.

Tính đến cuối tháng 4, Covax mới chỉ vận chuyển được khoảng 50 triệu trong số 2 tỷ liều vacxin mà chương trình nhắm tới để cung cấp trên toàn cầu trong năm nay.  Trước khi Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vacxin, dự kiến nước này sẽ đóng góp khoảng một tỷ liều vacxin Covishield cho Covax.

Gagandeep Kang, nhà virus học tại Trường đại học Y Christian ở Vellore, Ấn Độ, kiêm thành viên nhóm tư vấn kỹ thuật về tiêm chủng của WHO, cho biết việc nhập khẩu vacxin là rất cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt vacxin hiện nay.

Dù là quốc gia sản xuất vacxin Covid-19 hàng đầu thế giới nhưng Ấn Độ hiện đang thiếu nguồn vacxin để tiêm phòng cho người dân trong nước. Ảnh: Getty 

Dù là quốc gia sản xuất vacxin Covid-19 hàng đầu thế giới nhưng Ấn Độ hiện đang thiếu nguồn vacxin để tiêm phòng cho người dân trong nước. Ảnh: Getty 

 
“Ưu điểm chính của vacxin Sinopharm và Sinovac là chúng có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C, giống như vacxin AstraZeneca. Do đó, những loại vacxin này có thể hữu ích và đáng tin cậy hơn cho các nước đang phát triển do họ có thể gặp khó khăn trong việc dự trữ một lượng lớn vacxin ở nhiệt độ thấp hơn, chẳng hạn như âm 20 độ cần thiết đối với vacxin Moderna hoặc âm 70 độ đối với Pfizer”, ông Kang nói.

Một thử nghiệm vacxin Sinopharm trên diện rộng ở nhiều quốc gia cho thấy rằng, khi hai liều được tiêm cách nhau 21 ngày, có tỷ lệ hiệu quả chống Covid-19 tới 79%, tiếp đó sau 14 ngày trở lên sau liều thứ hai, hiệu quả của vacxin chống lại việc nhập viện đạt 79%.

Shao Yiming, chuyên gia miễn dịch học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết, các loại vacxin đang được sử dụng ở Trung Quốc có thể bảo vệ chống lại các biến thể Delta (chủng B.1.617.2) ở một mức độ nào đó, dựa trên các nghiên cứu sơ bộ.

Đến nay, mới chỉ có khoảng 3,2% người dân Ấn Độ được tiêm chủng đủ hai mũi. Và dự kiến vacxin của Trung Quốc sẽ có thể giúp nước này mở rộng tiêm chủng cho nhiều công dân hơn. Một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ - nơi có sự phân bổ nguồn lực y tế không đồng đều giữa thành thị và nông thôn thì việc có càng nhiều người được tiêm chủng càng tốt và giảm được gánh nặng cho đất nước.

Tính đến tháng 3, Sinopharm đã cung cấp 100 triệu liều vacxin trên toàn cầu, và đại diện nhà sản xuất cho biết họ có thể đạt công suất 1 tỷ liều trong năm nay và hướng tới mục tiêu là 3 tỷ liều hàng năm.

Indonesia nhận thấy Sinovac có hiệu quả đến 95% trong việc ngăn ngừa nhập viện và tử vong ở khu vực nhân viên y tế. Những số liệu thống kê như vậy có thể giúp New Delhi tự tin khi tiếp cận với vacxin từ Bắc Kinh.

“Nhập khẩu vacxin từ Trung Quốc sẽ là một khoản đầu tư có giá trị đối với Ấn Độ - miễn là Bắc Kinh không tìm cách kết nối việc tiếp cận vacxin với chương trình nghị sự liên quan đến địa chính trị. Trong trường hợp đó, New Delhi sẽ có rất ít không gian để đàm phán”, chuyên gia phân tích Agnee Ghosh cho hay.

Theo ông Ghosh, vì lợi ích của quốc gia, Ấn Độ nên gạt sự khác biệt với Trung Quốc sang một bên và tìm cách mua vacxin từ nước láng giềng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Thủ tướng Modi phải “hạ mình” trong thời điểm hiện tại.

(SCMP;AFP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.