| Hotline: 0983.970.780

Nhân rộng các khu bảo tồn biển

Thứ Hai 23/10/2023 , 14:46 (GMT+7)

Hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập giúp bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học và cung cấp nguồn lợi hải sản bền vững.

Khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Sẽ thành lập 27 khu bảo tồn biển

Để tái tạo nguồn lợi hải sản, ngoài triển khai quy hoạch vùng biển cấm khai thác có thời hạn, việc thành lập các khu bảo tồn biển ở các tỉnh, thành ven biển vịnh Bắc Bộ cũng đã được chú trọng thực hiện thời gian qua.

Tại Quảng Ninh, chính quyền địa phương này đã phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần với tổng diện tích trên 18.400ha, bao gồm khu bảo tồn trên 13.230ha và vùng đệm trên 5.184ha.

Đây là vùng biển có nhiều tiềm năng với mức độ đa dạng sinh học cao, nguồn lợi phong phú nhưng hiện nay, nguồn sinh vật biển đang có xu hướng bị suy giảm. Việc bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý, hiếm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, khoa học, giải trí, du lịch.

Góp phần đánh giá được hiện trạng tài nguyên sinh vật biển, tình hình khai thác, quản lý các nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua để có hướng đề xuất, xây dựng các giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ và phát triển đa dạng sinh thái, các nguồn lợi thủy sản lâu dài. Tỉnh Quảng Ninh dự kiến đầu tư cho khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần khoảng 181,8 tỉ đồng chia làm 2 giai đoạn: 2023 - 2024 và 2025 - 2027.

Các nhà nghiên cứu chuẩn bị dụng cụ lặn biển ở Bạch Long Vỹ đế điều tra nguồn lợi hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

Các nhà nghiên cứu chuẩn bị dụng cụ lặn biển ở Bạch Long Vỹ đế điều tra nguồn lợi hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Hải Phòng, để khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, địa phương này đã triển khai một số giải pháp khả thi, nhất là việc xây dựng các chính sách, triển khai một số chương trình, chú trọng hợp tác quốc tế như thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Đồng thời thực hiện đánh giá định kỳ về nguồn tài nguyên biển đảo và tình hình khai thác, sử dụng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng có chủ trương khuyến khích việc phát hiện, sử dụng các giá trị của các dạng tài nguyên, bao gồm tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để đa dạng hóa nguồn tài nguyên, tránh gây sức ép lên một vài loại hình tài nguyên sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Hải Phòng cũng đã đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ trọng điểm về phát triển kinh tế biển, như thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên môi trường biển đảo, đánh giá nguồn năng lượng xanh trên biển, xây dựng tiêu chí đảo xanh. Bảo vệ các vùng đất ngập nước, khôi phục phát triển rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi sinh kế cho người dân.

Trong khi đó ở Thanh Hóa, khu bảo tồn tài nguyên biển Hòn Mê cũng đã được chính quyền địa phương quan tâm nhiều năm nay, đây là ngư trường đánh bắt cá quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ, là khu vực tập trung khai thác thủy sản của đa số ngư dân huyện Tĩnh Gia và các huyện, thị ven biển Thanh Hoá, cũng như các ngư dân của các tỉnh khác.

Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt ở quần đảo Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt ở quần đảo Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, tính đến nay, ở Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển và các vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Các khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là: Hòn Mê, Hải Vân - Sơn Trà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.

Hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia.

Việc thiết lập, vận hành và quản lý hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển vừa bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên vừa có ý nghĩa pháp lý to lớn trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 442.235 ha, chiếm khoảng 0,44% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, trong đó có 11 bảo tồn biển cấp quốc gia, bao gồm 5 bảo tồn biển đã thành lập và 6 khu bảo tồng mới.

5 khu bảo tồn biển đã thành lập bao gồm: Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nam Yết và vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). 6 khu bảo tồn biển mới sắp được thành lập gồm: vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà - Long Châu (Hải Phòng), Gò Đồi Ngầm (Quảng Bình), Thuyền Chài, Song Tử (Khánh Hòa). Bảo tồn biển cấp tỉnh có 16 khu, trong đó thành lập mới 8 bảo tồn biển là Cà Mau, Hòn Ngư - Đảo Mắt (Nghệ An), Hải Vân - Sơn Chà (Thừa Thiên - Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Vũng Rô (Phú Yên), Hải Tặc, Nam Du - Hòn Sơn (Kiên Giang).

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản, hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, sở hữu gần 70.000ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp…

Tuy vậy, hiện nay các khu bảo tồn biển đang bộc lộ khá nhiều vấn đề bất cập: Chưa đến 10% số khu vực ven biển được bảo vệ hiệu quả, việc bảo tồn các khu vực biển có nơi vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; nhiều khu bảo tồn mới chỉ quan tâm đến bảo vệ rừng trên các đảo mà chưa chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; thậm chí một số vùng biển còn bị xâm hại đến mức báo động…

Việc mở rộng diện tích các bảo tồn biển trở thành nội dung quan trọng của kinh tế biển xanh, nhân rộng nhiều bảo tồn biển được xem là một trong những phương thức hữu hiệu, ít tốn kém để duy trì, quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm nhu cầu sinh kế của ngư dân.

Bảo tồn biển ở Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bảo tồn biển ở Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tiến sĩ Nguyễn Phi Toàn - Viện Nghiên cứu Hải sản cho biết, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam, thiên tai sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, biến động chủng loại, quần đàn và di cư cá biển, có khả năng làm thay đổi các bãi cá và ngư trường truyền thống tại các bảo tồn biển hiện có.

Bên cạnh đó, nhiệt độ trên bề mặt nước biển ấm lên, nồng độ muối thay đổi sẽ làm nguy hại đến các rạn san hô, các thảm thực vật ở các khu vực bảo tồn. Cùng với đó, tình trạng nước biển dâng cao có khả năng làm thay đổi hướng của dòng chảy, có thể làm thay đổi đường di cư của một số loài thủy sản quý hiếm đi ra ngoài khu vực bảo tồn hoặc di cư mất.

“Biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như bão, nước biển dâng, triều cường, lũ lụt, lũ quét,... không theo quy luật nên rất khó dự báo trước, sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các ngư dân sinh sống gần khu vực bảo tồn và sinh kế dựa vào các khu bảo tồn biển. Phát triển bền vững các bảo tồn biển thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán phải giải quyết thành công cả hai thách thức là biến đổi khí hậu và nghèo đói cho cộng đồng ngư dân nghề cá ven biển”, Tiến sĩ Toàn chia sẻ.

Trên thực tế, việc quản lý hiệu quả mạng lưới các bảo tồn biển là một phần không thể tách rời khi đầu tư vào kinh tế biển xanh. Để đầu tư và phát triển các bảo tồn biển hiệu quả, bền vững, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm kê, đánh giá các nguồn vốn tự nhiên biển, đảo và các hoạt động quy hoạch không gian biển dựa vào hệ sinh thái để tối ưu hóa lợi ích, giảm thiểu xung đột trong khai thác, sử dụng biển.

Bảo tồn bào ngư 9 lỗ ở Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

Bảo tồn bào ngư 9 lỗ ở Bạch Long Vỹ. Ảnh: Đinh Mười.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đánh giá, việc bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển là hai mặt của vấn đề, cần phải phát triển hài hòa. Nếu quá chú trọng đến phát triển kinh tế biển thì khó đạt được mục tiêu của bảo tồn biển và ngược lại.

Do vậy, các quốc gia ven biển cần phải cân nhắc, lựa chọn giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế để phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự hài hòa giữa bảo tồn biển và phát triển kinh tế biển thông qua tổng thể các giải pháp hợp lý nhằm phát triển bền vững, vừa đạt được mục tiêu bảo tồn, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế.

Theo đó, các khu bảo tồn biển không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao hơn mà còn lâu dài, ổn định hơn rất nhiều thông qua phát triển du lịch và đánh bắt cá có tổ chức. Đặc biệt, việc phát triển bền vững các khu bảo tồn biển thích ứng biến đổi khí hậu là bài toán phải giải quyết thành công cả hai thách thức là biến đổi khí hậu và nghèo đói cho cộng đồng ngư dân nghề cá ven biển.

Chính phủ đã ban hành các quy định và thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”; “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.

Dự kiến đến năm 2025, 80% số khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, tất cả khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Theo kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2030, xác định đến năm 2025, tất cả khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất