| Hotline: 0983.970.780

Tân Đô, những nếp nhà sàn

Thứ Bảy 12/02/2022 , 10:21 (GMT+7)

Đó là một xóm người Nùng của xã Hòa Bình nằm ở phía Bắc của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), thường được biết với cái tên 'bản nhà sàn'.

Trẻ em ở Tân Đô vẫn đón nhận và tự hào về những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trẻ em ở Tân Đô vẫn đón nhận và tự hào về những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bản cổ

Nơi đây, bà con còn lưu giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang những nét riêng, những bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc góp phần bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy cách trung tâm huyện Đồng Hỷ chỉ hơn 10km và cách thành phố Thái Nguyên chưa đầy 20km nhưng với địa hình rừng núi nơi sinh sống của bà con nhiều dân tộc, cảm giác như các xóm của xã Hòa Bình vẫn khá xa xôi. Đường dẫn vào “bản nhà sàn” đi qua những vườn chè xanh mướt mải và cả một cánh đồng ngô bạt ngàn. Xa xa, những nếp nhà sàn lấp ló giữa những màu xanh cây cối bình yên đến lạ.

Xã Hòa Bình có 6 xóm, 801 hộ gồm 10 dân tộc anh em sinh sống: Dao, Tày, Cao Lan, Mường, Hoa, Paco, Nùng, Sán dìu, Sán chí, Kinh. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 42%. Riêng dân tộc Nùng có 1.012 nhân khẩu chiếm 32,9% dân số toàn xã và cư trú chủ yếu tại các xóm Tân Đô, Đồng Vung.

Xóm Tân Đô cách trung tâm xã 2km, có 123 hộ, 475 khẩu, gồm 4 dân tộc cùng sinh sống: Nùng, Kinh, Tày, Dao. Trong đó, dân tộc Nùng chiếm đa số với 110 hộ, 423 khẩu.

Người Nùng ở xóm Tân Đô chủ yếu ở nhà sàn, hiện tại xóm Tân Đô còn lưu giữ 67 ngôi nhà sàn, trong đó nhiều ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên bản, đa số người dân biết nói tiếng Nùng và một số người cao tuổi biết chữ viết riêng của dân tộc Nùng, nhiều phong tục tập quán truyền thống vẫn còn được lưu giữ theo bản sắc truyền thống và thực hành trong đời sống thường ngày của đồng bào như lễ đầy tháng con nhỏ, cưới hỏi, vào nhà mới, mừng sinh nhật, phong tục đón tết cổ truyền, lễ thanh minh, rằm tháng bảy, lễ hội đình Làng …

Thầy tào Hoàng Văn Toòng (bên phải) giới thiệu về đình làng Tân Đô cổ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thầy tào Hoàng Văn Toòng (bên phải) giới thiệu về đình làng Tân Đô cổ. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Người có uy tín ở Tân Đô là thầy tào Hoàng Văn Toòng, 67 tuổi, nhiều năm là Trưởng xóm và Bí thư chi bộ xóm. Chúng tôi ngồi trò chuyện trong ngôi nhà sàn gỗ cổ kính, dù được bài trí hiện đại nhưng vẫn mang một vẻ đẹp cổ kính.

Ngôi nhà sàn truyền thống của người Nùng được dựng bằng 52 cột gỗ lim. Trong nhà có tới 12 con xiên có tác dụng giằng giữ để ngôi nhà thêm vững, xiên dài nhất là 12m, thường là tựa lưng vào núi, cửa hướng ra cánh đồng phì nhiêu.

Nhận thức mới

Thầy Hoàng Văn Toòng nói rằng dân Tân Đô nhận chăm số hai thì không ai số một. Trước đây có tập quán canh tác khai phá rừng, đất hoang để làm nương rẫy trồng lúa. Chu kỳ làm nương rẫy được chia theo bốn mùa, mùa xuân thì phát rẫy, mùa hè đốt dọn và tra hạt, đến mùa thu và sang cả mùa đông thì thu hoạch. Công cụ làm rẫy chủ yếu là rìu, dao, gậy chọc lỗ tra hạt, giỏ đựng hạt giống, đòn xóc...

Phân công lao động khi làm nương rẫy, thường thì đàn ông làm những việc nặng, chặt cây để khai phá nương rẫy, chọc lỗ tra lúa nương, đàn bà thì phát quang cây cỏ và dây leo, tra hạt giống. Hiện nay việc sản xuất nông lâm nghiệp đã được cơ giới hóa, xóm có nhiều máy cày, máy gặt, ô tô tải phục vụ sản xuất, nhưng từ sáng đến đêm không ngơi tay.

Cũng chính nhờ chăm chỉ như vậy mà dân Tân Đô nhiều thóc gạo nhất trong vùng, nuôi thuê được thợ giỏi về dựng nhà, thành ra xóm nhà sàn bền vững gần thế kỷ nay.

Xóm Tân Đô có lễ hội truyền thống là lễ hội Đình Tân Đô được tổ chức vào ngày mùng 4 tết Nguyên đán. Lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức để cảm tạ công lao của các vị thần đã có công lao đánh trừ phỉ tặc, bảo vệ dân làng, giữ yên bờ cõi. Mở hội cũng là để cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đây là dịp để mọi thế hệ người trong vùng đến gặp gỡ, trao đổi, thăm viếng nhau, kết thúc một năm lao động vất vả cực nhọc, bao nhiêu trắc trở của mỗi người, mỗi gia đình đều khép lại, mở ra một năm mới phát tài, ăn nên, làm ra và biết bao nhiêu điều may mắn hạnh phúc đang chờ ở năm mới bình an, phát triển.

Bao quanh những ngôi nhà sàn, có cả những vườn chè cũ và mới được trồng lại. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Bao quanh những ngôi nhà sàn, có cả những vườn chè cũ và mới được trồng lại. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đầu xuân, những trò chơi dân gian đặc sắc vẫn được gái trai Tân Đô rủ nhau đua tài, đây hội kéo co, kia đám đánh yến, đánh cù, chỗ này tung còn, chỗ kia đi khà kheo...

Quả yến được làm bằng tre mai, giữa đế nối một ống trúc ngắn cắm từ ba đến bốn, năm chiếc lông gà. Tương truyền rằng, đánh yến có nguồn gốc từ một chàng trai mường trời, trong một chuyến du xuân dưới hạ giới, chàng đã phải lòng một cô gái và mỗi khi uống rượu say, chàng lại rủ người yêu của mình đánh yến để giã rượu.

Vậy là những thế hệ sau này, những cặp uyên ương thường rủ nhau "đánh yến, giã rượu". Các chàng trai cô gái đứng quây vòng khéo léo đỡ và truyền từng quả yến cho nhau, những quả yến đầy màu sắc bay vi vút trong không trung như đàn én lượn, vừa đẹp mắt vừa tạo thêm không khí vui nhộn trong lễ hội đình làng.

Đông vui nhất, thu hút từ già đến trẻ là Hội tung còn, cây nêu bằng tre hoặc mai non chưa ra lá, có độ dẻo và đàn hồi tốt, cao 15 - 30m. Trên đỉnh cột uốn một vòng tròn đường kính 30 - 50cm, lấy giấy phong kín hồng tâm. Vòng tròn tượng trưng cho mặt trời, liên quan đến tục thờ mặt trời, quay theo hướng đông - tây.

Mặt phía đông có viết chữ nhật (mặt trời), phía tây viết chữ nguyệt (mặt trăng) với tâm thức âm dương hòa hợp. Quả còn là cái túi nhỏ được khâu bằng vải hoa nhiều màu sắc sặc sỡ, tua đôi phỏng theo dây tươi và lá cây.

Trong túi nhồi thóc, ngô và hạt bông, cũng có khi nhồi cát. Người Nùng cho rằng con người đem thóc, ngô, bông dâng lên cúng mặt trời cầu trời và các thánh thần đem nắng, ánh sáng cho đồng ruộng và dương gian. Mỗi quả còn có các dải tua xanh, đỏ, trắng, vàng tượng trưng cho bảy sắc cầu vồng.

Mở đầu hội tung còn, ông chủ lễ cầm các quả còn tung lên trời để mọi người bắt lấy và dùng quả còn đó ném trúng vòng tròn giấy trên đỉnh cột còn. Ai ném trúng trước tiên sẽ được nhận giải thưởng và coi là điềm may mắn cho cả năm, được thần linh phù hộ. Gia đình nào đạt giải nhất tung còn được đồng bào quan niệm đã làm vừa lòng thần Nông, thể hiện tấm lòng thành với các vị thần. Quả còn được ném trúng đích đầu tiên được đem đặt lên bàn thờ cúng thần Nông và thần Thành hoàng làng.

Đường vào bản người Nùng Tân Đô đi qua những cánh đồng ngô xanh mướt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Đường vào bản người Nùng Tân Đô đi qua những cánh đồng ngô xanh mướt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trong màn mưa bụi của mùa xuân, những sắc màu thiên nhiên, cây cỏ bừng sáng và những tiếng reo hò, cổ vũ từ những đám hội…, tất thảy đang tạo nên sắc màu tươi đẹp cuộc sống hôm nay của Tân Đô nói riêng và những xóm bản vùng cao Thái Nguyên nói chung.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.