Vô tư lấp dòng sông Phó Đáy
Trên địa bàn các xã Sơn Nam, Thiện Kế, Tân Thanh, Hợp Hòa, Phúc Ứng có 2 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là Công ty TNHH Lê Phát An và Doanh nghiệp tư nhân Hiếu Thảo Tuyên Quang.
Trong các giấy phép khai thác khoảng sản đều nêu rõ, cho phép các doanh nghiệp được khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên trên dòng sông Phó Đáy trong phạm vi vùng mỏ được cấp phép. Các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phải báo cáo Sở Tài Nguyên và Môi trường và các địa phương nơi có mỏ kiểm tra lại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được cấp phép khai thác.
Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp này đã và đang khai thác ngoài phạm vi vùng mỏ, tác động tiêu cực đến diện tích đất soi bãi của người dân và làm biến đổi dòng chảy.
Còn tại bến khai thác cát ở thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động thế nhưng một khối lượng đất đá lớn sau khai thác được doanh nghiệp đổ thải lấn chiếm diện tích lòng sông ảnh hưởng đến dòng chảy. Nhiều diện tích đất soi bãi gần bờ sông phía bờ đối diện thuộc địa bàn xã Tân Thanh bị sụt lún kéo dài cả km dọc bờ sông.
Tại điểm bến khai thác thôn Phố Giò, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương dòng sông Phó Đáy bị “xẻ” ra làm đôi bởi doanh nghiệp lấp đất làm con đường rộng khoảng 7m, dài gần 1km giữa lòng sông để vận chuyển cát, sỏi vào bến.
Chúng tôi gặp người đàn ông tên là Vinh nhận là chủ của bến khai thác cát tại thôn Phố Giò, xã Thiện Kế. Ông Vinh cho biết, con đường lấn sông trên được doanh nghiệp làm cách đây mấy tháng, con đường này được làm để thuận tiện cho việc vận chuyển tập kết cát sỏi từ các nơi về bến. Để làm được con đường này, doanh nghiệp đã múc đất, cát sỏi, đá từ các nơi khác đổ xuống lòng sông.
Ông Vinh cũng thừa nhận, bến cát của ông đã hoạt động được hơn 1 năm nay chủ yếu sản xuất cát bê tông và cát nền. Trung bình mỗi ngày bến cát của ông sản xuất được vài trăm m3/ngày. Với lượng cát dưới lòng sông trong khu vực mỏ không đáp ứng được công suất này, ông phải mua nguyên liệu từ ngoài về để sàng tuyển. Nhưng mua nguyên liệu ở đâu, nguồn gốc ra sao thì ông Vinh không nói rõ.
Sông Phó Đáy là một trong những con sông chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang có diện tích lòng sông nhỏ nhất. Lòng sông vốn đã nhỏ, hẹp nay lại bị các doanh nghiệp khai thác cát sỏi vô tư lấn chiếm khiến dòng chảy bị thay đổi. Hậu quả, đã làm cho nhiều diện tích đất soi bãi của người dân tại các xã Tuân Lộ, Phúc Ứng, Hợp Hòa, Thiện Kế, Sơn Nam bị sụt lún; bị “hà bá” nuốt chửng.
Rầm rộ gom đất bờ sông
Tại xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương, chuyện những nhà có đất soi bãi cạnh bờ sông Phó Đáy bán cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đang là chủ đề nổi bật đối với người dân nơi đây. Nhờ bán đất soi bãi, nhiều hộ dân đã thu về từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Chúng tôi có mặt tại khu vực soi bãi sát bờ sông thuộc thôn Phố Giò, xã Thiện Kế, đúng lúc doanh nghiệp đang múc đất soi bãi của người dân vận chuyển về điểm tập kết cát, sỏi để tuyển rửa. Chỉ trong vòng 30 phút, 2 chiếc xe tải biển kiểm soát 19H-00631 và 19H-00647 cần mẫn vận chuyển hàng chục chuyến cát được đào xúc từ đất soi bãi của dân về bến tập kết.
Bà Ôn Thị Đỏ, người dân thôn Phố Giò, xã Thiện Kế cho biết, chỗ diện tích soi bãi doanh nghiệp đang múc cát sỏi đấy là diện tích đất của gia đình bà. Bà nhờ doanh nghiệp này múc đất để cải tạo vườn tạp mấy hôm nay. Đã có khoảng hơn 100 xe đất, cát sỏi được máy xúc múc và được ô tô tải vận chuyển về bến để tuyển rửa lấy cát. Chỗ đất này bà cho họ không lấy tiền mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp sau khi múc cát, sỏi xong thì vận chuyển đất từ nơi khác về để cải tạo lại vườn cho bà canh tác.
Câu hỏi được đặt ra rằng, tại sao các doanh nghiệp vô tư đào bới để lấy cát, sỏi ngoài phạm vi điểm mỏ được cấp phép như vậy kéo dài suốt thời gian dài nhưng không thấy cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang xử lý?
Cũng theo bà Đỏ, thì ngoài diện tích soi bãi nêu trên, gia đình bà còn bán cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi 4 sào đất soi bãi ven sông với giá hơn 20 triệu đồng để doanh nghiệp tận thu khai thác cát, sỏi từ đầu năm nay. Những diện tích ấy họ đều đã khai thác.
Đến nhà ông Hoàng Ngọc Hải, Trưởng thôn Vạt Chanh, xã Thiện Kế được cho là một trong những người có nhiều đất soi bãi nhất khu vực này. Ông Hải không có nhà, vợ ông cho biết, nhà bà đã bán đất cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi từ đầu năm với diện tích 5 sào. Trung bình mỗi sào bán giá 25 triệu đồng. Không chỉ nhà bà, các hộ khác quanh khu vực này nhà nào có đất soi bãi sát bờ sông đều bán hết cho doanh nghiệp khai thác cát sỏi.
Dòng sông Phó Đáy vẫn hàng giờ, hàng ngày bị các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi ngang nhiên đổ thải, lấn chiếm. Đất soi bãi là tài nguyên khoáng sản của nhà nước bị các doanh nghiệp “làm tặc” để trục lợi. Hậu quả lâu dài về an toàn dòng chảy, về tư liệu sản xuất của người dân và đảm bảo an ninh lương thực địa phương thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.