Hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Mặt hàng này đã có mặt ở 134 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 2 tỷ USD. Đa phần các cơ sở này đã được trang bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại để đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ để tái sử dụng phụ phẩm từ cá tra, giảm bớt áp lực cho môi trường và tạo nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến khác lại còn hạn chế.
Phụ phẩm trong chế biến cá tra như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ, máu... đều có thể được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị cao như dầu cá, bột cá, collagen, dược mỹ phẩm, phân bón hữu cơ.
Nhận định này được TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa ra tại Tọa đàm “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng cá tra do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Chuyên gia này đánh giá, hiện 95% lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đều ở dạng phi lê. Đồng nghĩa, chỉ có 5% các sản phẩm có giá trị gia tăng khác từ cá tra được khai thác.
“Chúng ta sản xuất cá tra, nhưng ngành hàng đã bỏ qua một lượng phụ, phế phẩm rất lớn. Nếu các địa phương và doanh nghiệp không có giải pháp để khai thác và xử lý phù hợp. Rõ ràng vừa tác động không tốt đối với môi trường, vừa bỏ qua nguồn giá trị lớn”, TS Thu Hồng bày tỏ.
Thời gian qua, chỉ một số ít doanh nghiệp hoặc các tập đoàn lớn đủ tiềm lực nhận thức được vấn đề giảm phát thải môi trường và nỗ lực ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để mạnh dạn đầu tư vào những dây chuyền sản xuất, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu để phục vụ cho các ngành công nghiệp khác.
Một trong những loại phụ, phế phẩm tiềm năng lớn nhưng chưa được tận thu và khai thác triệt để đó là máu cá. Trong khi đây là nguồn nguyên liệu lớn để làm bột huyết cung cấp cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng theo TS Thu Hồng là do đặc thù dây chuyền công nghệ sản xuất. Đây sẽ là vấn đề các nhà khoa học cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thấp thải ra môi trường, đóng góp vào hệ kinh tế tuần hoàn của ngành cá tra.
TS Thu Hồng khẳng định đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến cá tra cần nâng cao trách nhiệm xã hội đối với vấn đề giảm phát thải khí nhà kính của ngành hàng. Thông qua một loạt những giải pháp căn cơ để thúc đẩy ngành cá tra phát triển hiệu quả và bền vững.
Cụ thể là, các doanh nghiệp chế biến nên quan tâm đầu tư, đồng bộ dây chuyền công nghệ, để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến sâu. Góp phần nâng vị thế của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế, minh chứng được với thị trường “sản xuất cá tra đã góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu toàn cầu đang theo đuổi”.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động này sẽ tạo ra công ăn, việc làm rất lớn cho lực lượng lao động địa phương. TS Thu Hồng cho rằng, đây là một trong những tiêu chí để đánh giá vị thế của doanh nghiệp, khi vừa thực hành các tiêu chuẩn quốc tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp ngày càng nâng lên và hoàn toàn có thể tự tin mở rộng được thị trường, thúc đẩy chuỗi ngành hàng thủy sản Việt Nam phát triển xanh, sạch và bền vững hơn trong thời gian tới.
Tháng 10/2023, xuất khẩu cá tra đạt 189 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra đã đạt trên 1,5 tỷ USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan sau những thông tin tích cực từ chương trình thanh tra của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS).