| Hotline: 0983.970.780

Tan hoang những cánh rừng: [Bài 2] 'Còn da lông mọc còn chồi nảy cây'

Thứ Sáu 27/09/2024 , 06:17 (GMT+7)

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, người dân cần nhanh chóng gượng dậy, bắt tay khôi phục sản xuất lâm nghiệp, không bỏ hoang hóa đất đai.

Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp bàn khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì cuộc họp bàn khắc phục hậu quả sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Hiện tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Siêu bão Yagi có sức tàn phá lớn, cường độ rất mạnh đã khiến trên 117.000 ha rừng ở Quảng Ninh bị hư hại, ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là rừng sản xuất.

Theo báo cáo từ các địa phương, công tác khắc phục hậu quả sau bão đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu gom cây rừng gãy đổ, do thiếu nhân lực, cung đường vận chuyển sau bão bị sạt trượt, hư hỏng. Cùng với đó, giá thu mua giảm, thiếu khu vực tập kết. Đặc biệt, hạ tầng nhà xưởng băm dăm, dây chuyền thiết bị xuất dăm tại các cảng bị thiệt hại nặng nề... Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho việc thu gom, chế biến, tiêu thụ gỗ.

Anh Chìu Đức Thắng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chia sẻ, với cây keo, thời gian thu mua kéo dài sẽ không thể bóc vỏ, làm giảm giá trị gỗ. "Giá keo thấp, nhà lại thiếu lao động, chỉ có vợ và 3 con nhỏ, chi phí thuê nhân công cao, mình tôi không thể làm được nên đành bỏ không", anh Thắng cho biết.

Ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn giải pháp hỗ trợ tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3, chỉ đạo khắc phục thiệt hại về lâm nghiệp. Ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có đại diện các công ty lâm nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Sau bão số 3, ngành lâm nghiệp Quảng Ninh bị thiệt hại ước tính 5.000 tỷ đồng. Ảnh: NT.

Sau bão số 3, ngành lâm nghiệp Quảng Ninh bị thiệt hại ước tính 5.000 tỷ đồng. Ảnh: NT.

Trên cơ sở rà soát các thiệt hại, ý kiến, nguyện vọng từ đại diện người dân, doanh nghiệp trồng, thu mua, chế biến lâm sản, các đơn vị, sở, ngành đã đề xuất các giải pháp nhằm nhanh nhất khắc phục thiệt hại sau bão, sớm khôi phục sản xuất.

Trước mắt cần áp dụng ngay các chính sách hỗ trợ được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vụ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; triển khai trồng lại rừng bị thiệt hại; giải pháp khai thác rừng trồng bị thiệt hại; giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng bị gãy đổ...

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh, rừng không chỉ che chở, bảo vệ người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sự no ấm cho người dân, nhất là khu vực vùng cao. Từ rừng, hàng nghìn hộ dân đã có thu nhập ổn định nhờ trồng các loại cây có giá trị. Vì vậy, để người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, ông Cao Tường Huy yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu theo các quy định của Chính phủ và địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã làm việc với các lực lượng như công an, quân sự, kiểm lâm, tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ xử lý thu gom cho các hộ trồng rừng, nhất là các hộ ở vùng sâu, vùng xa; bố trí các bãi tạm chứa để người dân tập kết gỗ khi khai thác mà chưa vận chuyển, tiêu thụ được.

117.000ha rừng tại Quảng Ninh bị gãy đổ do bão số 3. Ảnh: NT.

117.000ha rừng tại Quảng Ninh bị gãy đổ do bão số 3. Ảnh: NT.

Song song với đó, thực hiện rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn trong khai thác; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng trong điều kiện cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước.

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản, ông Cao Tường Huy yêu cầu cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; có biện pháp, giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, "lá lành đùm lá rách", "là rách ít đùm lá rách nhiều", hỗ trợ tối đa cho người dân. 

Tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi các ngân hàng kịp thời giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, cho vay mới với lãi suất phù hợp. Đây sẽ là động lực mới để người dân, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Ông Cao Tường Huy cũng lưu ý, để tiếp tục phục hồi về rừng, cần nghiên cứu, đề xuất cơ cấu lại cây trồng; các đơn vị kinh doanh cảng cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiêu thụ lâm sản.

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tổng hợp kiến nghị, đề xuất Chính phủ các chính sách cần hỗ trợ như mở rộng đối tượng hỗ trợ được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; các chính sách về miễn giảm thuế, phí nghĩa vụ tài chính, bảo hiểm... áp dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho người dân, tổ chức để ổn định đời sống, sớm khôi phục sản xuất. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với người trồng rừng tại TP Hạ Long. Ảnh: NT.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với người trồng rừng tại TP Hạ Long. Ảnh: NT.

Không để đất nghỉ

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phát động đợt cao điểm hỗ trợ người dân trong vấn đề tận thu gỗ bị thiệt hại.

Cụ thể, sẽ phát động chiến dịch 35 ngày đêm, huy động cả hệ thống chính trị bao gồm chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang, quân đội, biên phòng... nhằm hỗ trợ tận thu gỗ rừng cũng như xử lý, khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đối tượng hướng đến là các cá nhân, hộ sản xuất rừng.

"Trong quá trình khôi phục, Sở nghiên cứu việc cấu trúc lại cây trồng. Theo đó, giảm dần diện tích keo có chất lượng thấp, tập trung trồng cây bản địa, cây gỗ lớn. Cùng với Sở, các chủ rừng cũng cần rà soát cơ cấu cây trồng để phát triển theo đúng định hướng của tỉnh. Không thể để đất nghỉ trong vài năm sắp tới mà phải bắt tay vào làm ngay", Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết.

Hiện mức hỗ trợ theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ đối với rừng bị thiệt hại trên 70% do thiên tai là 4 triệu đồng/ha. Theo ông Vũ Duy Văn, mức hỗ trợ này còn khiêm tốn. Mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh trồng mới khoảng 13.000ha rừng. Tuy nhiên, bão số 3 gây thiệt hại khoảng 117.000ha rừng nên chi phí khắc phục, mua cây giống để tái sản xuất, khôi phục rừng là rất lớn, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ thêm cho người trồng rừng theo Nghị quyết 37 (10/7/2024) với mức tối đa 20 triệu đồng/ha.

“Động lực khôi phục ngành lâm nghiệp trước tiên phải xuất phát từ giải quyết những khó khăn của người trồng rừng thông qua việc triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ. Sở được UBND tỉnh Quảng Ninh giao xây dựng đề án khôi phục, phát triển ngành nông nghiệp sau bão số 3, trọng tâm là lâm nghiệp và thủy sản. Việc khôi phục hậu quả do bão số 3 để lại đối với ngành nông nghiệp là khối lượng công việc rất lớn và phải làm lâu dài”, ông Văn nhấn mạnh.

Ngày 20 và 21/9, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tổ chức giúp người dân thu gom, thu hoạch những cây rừng bị đổ, gãy để sớm khôi phục và trồng lại rừng.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.