| Hotline: 0983.970.780

Tàn tạ thủy nông Hà Nội

Thứ Tư 11/01/2023 , 12:30 (GMT+7)

Thấy nhà nào bốc mả, công nhân đội thủy nông Bình Đà (Thanh Oai, Hà Nội) lại lục tục chạy ra xin chăn của người chết về phơi để bịt hèm phai cống hở.

TB1

Trạm bơm Văn Khê 1 (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội), nơi công nhân thủy nông phải túc trực 24/24 để bảo vệ 5 tổ máy bơm và vận hành phục vụ tưới tiêu. Ảnh: Minh Phúc.

Người có trí óc tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ở Thủ đô mà anh em thủy nông lại phải nghĩ ra cách như vậy để dẫn nước

Những công trình bị “bỏ rơi”

Bài liên quan

Đội thủy nông Bình Đà (thuộc Xí nghiệp thủy lợi La Khê – Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy, thành phố Hà Nội) do anh Lê Văn Tạc đứng đầu có 53 người, phục vụ tưới tiêu hơn 2.000ha sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000ha dân sinh. Tuy nhiên, kể từ khi được đầu tư xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều công trình thủy lợi không được quan tâm sửa chữa, nâng cấp nên rất xập xệ, tồi tàn.

Trời mưa nặng hạt và gió rét căm căm, anh Tạc dẫn chúng tôi đi bộ trên bờ kênh đất nhầy nhụa đến trạm bơm Văn Khê 1 (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai). Gọi là trạm bơm nhưng nó chẳng khác gì cái chuồng lợn đã sử dụng hết khấu hao, tường mục nát bong tróc vữa tứ tung, trần thì thấm dột, ẩm thấp, bật đèn vẫn tối lù mù.

Bên trong trạm chỉ đủ chứa 5 tổ máy bơm công suất 1.200m3/s và chiếc giường cũ mèm để công nhân vận hành bơm điện nằm ngủ trông giữ tài sản. Ngoài ra, chẳng còn thứ gì phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

15 năm qua, chị Phạm Thị Lương Oanh (công nhân thủy nông Xí nghiệp thủy lợi La Khê) gắn bó với nơi này. Thân gái một mình đêm khuya khoắt giữa cánh đồng quạnh quẽ, chị sợ lắm, phải rủ chồng ngủ cùng. Nhưng, anh Nguyễn Tam Huynh (chồng chị Oanh) cũng là công nhân thủy lợi của xí nghiệp, phụ trách 1 trạm bơm khác nên hỗ trợ chị được buổi đực buổi cái.

Vào những ngày bơm nước phục vụ tưới tiêu 24/24, tiếng ồn từ 5 tổ máy công suất lớn phát ra đinh tai nhức óc cộng với hơi nóng như sắt nung phả vào khiến chị không tài nào ngủ nổi.

Mấy chục năm trước, công ty trang bị được cái quạt điện, nhưng nó đã hỏng từ lâu, công nhân phải góp tiền tự mua. Thậm chí, đến cái nhà vệ sinh cũng không có, ai buồn tiểu tiện, đại tiện thì ra ngoài trời “cầu tõm”. Đàn ông thì đỡ ngượng, chứ chị em phụ nữ mà bị người ta bắt gặp cảnh tượng ấy chỉ còn biết lấy mo đậy mặt.

“Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị công ty sửa chữa lại trạm để cải thiện điều kiện sinh hoạt cho anh em, nhưng kiến nghị mãi cũng thế. Đến cái cửa sắt đã mục nát hết phía dưới bao nhiêu năm nay, người lớn có thể chui vào nhưng cũng không được cấp kinh phí sửa. Chúng tôi phải kiếm tấm tôn và vài thanh sắt rồi nhờ người hàn vá víu chi chít”, chị Oanh ngán ngẩm.

TB3

Chị Oanh trực bảo vệ và vận hành, sửa chữa máy bơm tại trạm bơm Văn Khê 1. Ảnh: Minh Phúc.

Công việc tuy không quá nặng nhọc, nhưng với mức lương vợ chồng chị được tạm ứng mỗi người 2 triệu/tháng không thể đủ sống. Chỉ riêng chi phí học hành của hai đứa con đã mất 2 triệu đồng/tháng rồi, huống hồ còn cơ man khoản chi khác cấu vào. Những lúc được nghỉ giãn ca, chị tranh thủ làm thêm việc lặt vặt để kiếm thêm thu nhập nhưng tháng nào chị cũng phải vay tiền, chỉ mong cuối năm được thanh toán hết lương để trả nợ.

Đội trưởng quản lý 11 trạm bơm cũng phải cho con nghỉ học vì hết tiền

Là đội trưởng đội thủy nông quản lý, vận hành 11 trạm bơm, 57 km kênh chính cấp I và cấp II nhưng năm 2022, mỗi tháng anh Lê Văn Tạc chỉ được tạm ứng lương 2 triệu đồng. Vợ anh Tạc sáng gánh nồi cháo ra chợ bán, chiều đi làm ruộng.

“Thấy bố mẹ khó khăn quá, không có tiền nộp học phí, thằng con lớn đang học lớp 11 phải xin nghỉ học ở trường để đi phụ hồ. Nó bảo: “Con đi kiếm tiền một vài năm để bố mẹ nuôi em gái (đang học lớp 7) học tiếp. Bao giờ nhà mình đỡ khổ con xin học lớp bổ túc để tốt nghiệp phổ thông”, anh Tạc kể mà giọng như muốn khóc.

Empty

Anh Lê Văn Tạc - đội trưởng đội thủy nông Bình Đà (Xí nghiệp thủy lợi La Khê) là lãnh đạo của 53 thủy nông viên, quản lý vận hành 11 trạm bơm đang chờ lãnh đạo Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy phê duyệt đơn xin tạm nghỉ việc không lương vì gia đình quá khó khăn. Ảnh: Trung Quân.

Gắn bó với nghề 27 năm, phấn đấu mãi mới lên chức đội trưởng, thế mà anh Tạc đành phải “cắn rơm cắn cỏ” viết đơn xin ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy cho được tạm nghỉ việc không lương một thời gian để làm việc khác có thu nhập khá hơn, một vài năm đỡ khó khăn sẽ tiếp tục xin làm thủy nông trở lại.

Tuy nhiên, ý định ấy của anh Tạc khó thực hiện được vì nếu công ty dành đặc ân này cho một người, thì những người khác đồng loạt làm theo. Bộ máy tổ chức bị xáo trộn như ong vỡ tổ.

Anh Tạc chia sẻ, những công trình thủy lợi do đội Bình Đà phụ trách mấy chục năm qua không được sửa chữa, nâng cấp nên hư hỏng rất nặng. Chỉ có khoảng 20% được cứng hóa từ những năm 80 của thế kỷ trước (cộng với 3,8km kênh chính La Khê mới được cải tạo) nên đã bị phong hóa và thối hết mạch vữa, sụt sạt, khi chống hạn, chống úng anh em phải đi đắp vá rất nhiều điểm.

Đặc biệt, có nhiều cống bị hỏng hèm phai, hổng hoang hoác, không giữ nước được. Anh em phải dùng những tấm chăn người ta bỏ lại ngoài nghĩa địa sau khi bốc mộ và cọc tre để bịt vào khoảng trống.

“Người có trí óc tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ở Thủ đô mà anh em thủy nông lại phải nghĩ ra cách như vậy để dẫn nước. Hết năm này qua năm khác, chúng tôi kiến nghị sửa lại mấy cái cống bị hỏng mà chờ hoài chờ mãi vẫn chẳng thấy ai cấp kinh phí. Bởi, công ty ưu tiên dành nguồn kinh phí ít ỏi nhà nước cấp để sửa chữa các công trình khác khác hư hỏng nặng hơn”, anh Tạc than vãn.

14 trạm bơm do đội thủy nông Bình Đà quản lý nằm ở vùng ven đô, thế nên nước đen bẩn, ô nhiễm rất nặng và nhiều rác thải. Những lần rác cuộn vào bể hút, anh em phải lặn xuống tận đáy để vớt, khi lên bờ tắm rồi vẫn còn mùi thối.

Những thời kỳ hạn nặng, anh em công nhân trạm bơm Văn Khê lại phải tháo 2 tổ máy bơm rồi chuyển gia kênh Yên Cốc, tận dụng nước từ khu dân cư đổ ra kênh để bơm vào đồng ruộng chống hạn.

Một nhân viên Công ty TNHH Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy bảo với tôi rằng, nếu anh có thời gian, chúng tôi sẽ đưa anh đi đến rất nhiều hệ thống thủy lợi còn xập xệ, xuống cấp hơn các công trình ở đội Bình Đà rất nhiều.

Kỹ sư thủy lợi gần về hưu mới lấy được vợ

Rời trạm bơm Yên Khê, chúng tôi tìm đến trạm bơm Song Khê gặp kỹ sư thủy lợi gạo cội Lê Văn Ba. Là người hiền lành, chất phác, khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc, thế nhưng đến khi gần về hưu, ông Ba vẫn sống trong căn nhà cấp bốn xập xệ bố mẹ để lại. Hoàn cảnh túng thiếu đến mức ông không có tiền mua cái xe máy. Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều, ông phải mua chịu cái xe honda wave cũ nát của một đồng nghiệp, đến giờ vẫn chưa trả được.

z4018160371613_8fb6fcfc61b22e600b7b228e805bd5e0

Ông Lê Văn Ba - Kỹ sư thủy lợi sắp về hưu cho rằng: "Lãnh đạo thành phố không quan tâm tới công tác thủy lợi như ngày xưa”.

Cách đây 6 năm ông Ba mới lấy được vợ. Nếu công ty trả đủ tiền lương hàng tháng 6,8 triệu đồng và gieo cấy 1 sào ruộng thì hai vợ chồng chi tiêu tằn tiện là vừa đủ. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở lại đây, tình trạng treo lương, nợ lương, chậm trả lương diễn ra phổ biến. Từ đầu năm 2022, với 2 triệu đồng công ty tạm ứng mỗi tháng, ông Ba không thể nuôi vợ, phải vay mượn khắp nơi. Tuổi đã cao, ước mong có khoản tiền lớn để can thiệp khoa học kỹ thuật, giúp vợ chồng ông có đứa con đầu lòng ngày càng xa vời.

“Vợ mình lúc đầu cũng hoài nghi là sao chồng đi tối ngày mà lương hàng tháng mang về lại chỉ có thế, hay lại mang đi chỗ này chỗ kia; giải thích thế nào vợ cũng không tin. Thế là sau này mình đi trực phải đưa cả vợ đi. Có người tưởng mình sợ ma nên phải đưa vợ đi cùng nhưng thực ra là để vợ hiểu rõ hoàn cảnh, thực tế công việc của mình”, ông Ba chia sẻ.

Cũng theo ông Ba: Công tác dẫn nước bây giờ khó khăn vô cùng vì lượng rác thải người dân vứt xuống sông quá nhiều. Nhiều đầu cống anh em phải tự mua lưới sắt rồi đóng cọc rào rác. Rác dồn về thì mình vớt lên, nhưng khi quay về trạm nghỉ một lúc, quay lại kiểm tra đã thấy rác chặn tắc cống rồi.

Rác thải bây giờ là vấn nạn của ngành thủy lợi, nhiều người nói vui thủy lợi giờ gần như là bãi rác thải của xã hội, cái gì cũng có thể vứt xuống sông. Nói vui mà thành nói thật. Những tưởng xã hội càng tiên tiến hiện đại thì việc vứt rác bừa bãi phải giảm đi nhưng tréo ngoe là nó có chiều hướng tăng lên. Rác thải tăng lên làm cho năng lực phục vụ của công trình thủy lợi giảm, anh em công nhân làm việc lại càng vất vả hơn.

Một việc quan trọng nữa của thủy nông viên là thường xuyên trông nom, kiểm tra, nắm bắt hiện tượng vi phạm công trình thuỷ lợi để kịp thời báo cáo. Bây giờ hoạt động vi phạm công trình thủy lợi ngày càng phức tạp, thậm chí người dân còn đi “rình” khi nào cán bộ thủy nông vắng mặt là vi phạm ngay. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm thuộc quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền các cấp. Chính quyền mà quan tâm sát sao thì mình bớt vất vả và ngược lại. Tuy nhiên, nếu để xảy ra vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nếu quy trách nhiệm là cán bộ thủy nông phụ trách và công ty phải chịu.

“Mình sắp nghỉ hưu nhưng phải nói sòng phẳng là lãnh đạo thành phố không quan tâm tới công tác thủy lợi như ngày xưa”, ông Ba nói.

Theo thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, do thu nhập thấp nên từ năm 2017, 2018 và 2019 số lượng người lao động xin nghỉ việc tại Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy rất nhiều. Trong 3 năm trở lại đây, việc xin chuyển công tác mặc dù không nhiều nhưng vẫn có, đặc biệt năm 2021-2022, có những người đã đóng bảo hiểm 18 năm vẫn xin chấm dứt hợp đồng chứ không phải xin nghỉ không lương. Có những kỹ sư trẻ có chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác về công ty được 2-3 tháng lại xin nghỉ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.