| Hotline: 0983.970.780

Những gia đình sống ở trạm bơm

Thứ Hai 09/01/2023 , 08:09 (GMT+7)

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, thật khó tin khi hàng nghìn người làm công tác thủy lợi phải trầy trật phấn đấu có một... mức sống tối thiểu.

Xoay xở với đồng lương tối thiểu...

Phải hít thật sâu rồi thở từ từ để kìm nén cảm xúc, những giọt nước mắt mới không trào ra khoé mắt đỏ hoe của chị Vũ Thị Vinh – công nhân thủy nông có thâm niên 10 năm làm việc tại Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích).

Chị tiếp chuyện chúng tôi với tâm thế bất lực trước cuộc sống đầy rẫy lo toan nhưng thu nhập dưới mức lương tối thiểu vùng. Nợ chồng nợ. Nợ năm này qua năm khác, chẳng biết đến khi nào mới thoát ra được cảnh sống này.

10 năm qua, vợ chồng chị Vinh cùng 3 đứa con phải sống nhờ căn phòng vỏn vẹn 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Ảnh: Trung Quân.

10 năm qua, vợ chồng chị Vinh cùng 3 đứa con phải sống nhờ căn phòng vỏn vẹn 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Ảnh: Trung Quân.

Suốt 10 năm qua, chị Vũ Thị Vinh (37 tuổi) cùng chồng và 3 đứa con phải sống nhờ ở một gian phòng rộng chừng 15m2 của trạm bơm Xuân Phú. Họ đều là công nhân thủy lợi - cái nghề mà chị Vinh nói là có mức lương thấp nhất trong các nghề dịch vụ công ích của xã hội.

Như năm 2022, hàng tháng vợ chồng chị được công ty trả tổng cộng khoảng 5 triệu tiền mặt. Thế nên bài toán chi tiêu để nuôi 3 đứa con khiến chị đau đầu. Đứa con nhỏ nhất 3 tuổi, đang học lớp mẫu giáo bé. Tiền ăn phải nộp cho nhà trường 650.000 đồng/tháng, học phí 96.000 đồng/tháng. Chưa kể cháu bé sức đề kháng yếu, thường xuyên ốm, mỗi lần bị viêm phế quản nặng phải đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương nằm viện điều trị cả tuần mới khỏi.

Hai đứa con lớn hơn học lớp 2 và lớp 7, tiền học phí 5 triệu/năm, nếu đóng cả một cục như các phụ huynh khác thì cả nhà chết đói, chị đành phải xin nhà trường cho đóng thành nhiều đợt. “Nhà trường dạy học mỗi ngày 2 buổi. Nhiều người cho con ăn bữa trưa ở nhà trường khoảng 20.000 đồng/suất, nhưng tôi không theo được. Lấy đâu ra 40.000 đồng một ngày mà trả. Trường cách chỗ ở vài km, nhưng mỗi ngày 4 lượt, hai đứa nhỏ phải đạp xe đi về, bởi nếu đưa đón con bằng xe máy thì tiền xăng quá nhiều”, chị Vinh kể.

z4018160865152_528e3596f04358d5d5e35e4c95955ee3

Gia đình chị Vũ Thị Vinh và gia đình anh Trần Nam Dân đều phải ở nhờ phòng làm việc của trạm bơm Xuân Phú suốt 10 năm qua, vì hoàn cảnh quá khó khăn trong khi lương quá thấp. Ảnh: Minh Phúc.

Bao năm làm nghề dẫn nước cho nhân dân, nhưng chưa năm nào hai vợ chồng có tiền dành dụm, thậm chí năm nào cũng phải vay mượn bố mẹ, anh em trong gia đình. Việc mua một mảnh đất nhỏ, xây ngôi nhà nhỏ che nắng mưa cho riêng mình, với chị là ước mơ khó có thể chạm tới. Chỉ mong sau này những đứa nhỏ lớn lên, chúng làm ăn phụ giúp gia đình.

Vén tấm mành tre cáu bẩn trước cửa phòng, chúng tôi mục sở thị căn phòng nhỏ 5 người ở của chị Vinh. Ngoài chiếc giường gỗ nhỏ ở góc phòng, chị phải trải thêm chiếu để vừa ăn cơm, vừa nằm ngủ. Phía bên cạnh là mâm cơm, chiếc tủ nhựa lem luốc. Thậm chí, khung cửa sổ cũng được tận dụng để treo giàn bát, gương lược.

Mùa đông rét mướt, gió đông bắc lùa qua khe 2 cửa sổ khiến căn phòng lạnh ngắt, tấm vải bạt chắn gió đã rách te tua nhưng chẳng được thay mới. Cả gia đình cứ thế gắng gượng sống qua ngày với những bữa cơm chủ yếu là lạc rang, đậu phụ và mấy cọng rau. “Thi thoảng tôi cũng phải mua cho mấy đứa ít thịt băm để chống suy dinh dưỡng. Còn sữa thì bao giờ nhận được lương mới mua cho thằng cu 3 tuổi 2 vỉ uống cho đỡ thèm. Nó cứ đòi uống suốt nhưng lâu lâu mới có”, chị Vinh kể.

Tôi hỏi chị sao không làm thêm việc để tăng thu nhập? Chị bảo nhiều người nghĩ công nhân thủy nông nhàn hạ, nhưng thực tế khác một trời một vực. Bởi mỗi năm có 3 vụ, công nhân thủy nông vừa phải vận hành máy bơm, vừa dẫn nước và duy tu, bảo trì kênh mương, nói dễ hiểu hơn là vớt bèo rác, cắt cỏ thủ công và vá những bờ kênh bị vỡ, hư hỏng do chuột đào hang... Chỉ tính riêng tiền xăng chạy xe máy để tuần tra, phát hiện vi phạm công trình thuỷ lợi vài lượt mỗi ngày (chiều dài 3-4km) của hai vợ chồng chị đã tốn gần 1 triệu tiền xăng rồi.

Đó là những công việc bắt buộc phải làm vì hàng tháng, Ban Quản lý quản lý và dịch vụ thuỷ lợi Hà Nội (thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội) đều đi kiểm tra và nghiệm thu sản phẩm, nếu kênh mương không thông thoáng, cỏ mọc cao hai bên bờ kênh mương thì không được nghiệm thu. Chưa kể, anh em trạm bơm phải chia làm 3 ca để thay phiên nhau bảo vệ tài sản của công ty.

z4018160962735_cefec19cf31015ed8df01c389e45868e

Lương không đủ sống, chị Nguyễn Thị Thủy - công nhân trạm bơm Triệu Xuyên (Xí nghiệp Đầu tư và phát triển thuỷ lợi Sông Tích) phải tranh thủ ngoài giờ làm việc để mò trai, bắt ốc mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Vay nợ chẳng thiếu chỗ nào

Giống như gia cảnh của chị Vinh, vợ chồng anh Trần Nam Dân (38 tuổi) và chị Vũ Thị Huyền, quê ở xã Trạch Mỹ Lộc (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng xin ở nhờ một gian phòng tương tự ở trạm bơm Xuân Phú.

Anh là công nhân vận hành máy có thâm niên 18 năm, như mọi năm, tổng thu nhập hàng tháng kể cả lương và tiền tăng ca khoảng 4,2 triệu đồng nhưng năm nay công ty chưa được UBND thành phố Hà Nội cấp đủ kinh phí, nên hiện tại hàng tháng chỉ được tạm ứng 3 triệu đồng. Vợ anh cũng mới trở lại làm giáo viên mầm non được 2 năm nên thu nhập chẳng đáng là bao.

z4018156244103_91e4609fc778305211801adf183e8567

Với mức lương tạm ứng 3 triệu đồng/tháng, gia đình anh Trần Nam Dân không đủ trang trải mức sống tối thiểu. Ảnh: Trung Quân.

“Túng thiếu quá, mình phải “lựa cơ gắp mắm”, xoay xở đủ cách trang trải cuộc sống. Tháng nào cũng nợ thêm một ít, vay chỗ này đập chỗ kia. May nhờ công ty cho ở nhờ trạm bơm mới có chỗ chui ra chui vào chứ không không biết sẽ thế nào”, anh Dân tâm sự.

Đã đến ngày 9/1/2023, thế nhưng tiền lương tạm ứng tháng 12/2022 vẫn chưa có. Như hàng trăm thuỷ nông viên của Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích, anh Dân sốt ruột như ngồi trên đống lửa vì hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

“Nhiều đêm, hai vợ chồng không ngủ nổi vì suy nghĩ, trăn trở. Mình thì thế nào cũng được nhưng con gái ngày một lớn cũng cần có không gian riêng mà 3 người vẫn sinh hoạt chung trong căn phòng 20m2, rất bất tiện. Những chỗ có thể vay mượn thì đã vay rồi trả nhiều lượt rồi, làm thế mãi cũng không được”. Giọng anh Dân nghẹn lại rồi tiếp tục kể: Vào những ngày cao điểm lấy nước, cả gia đình mất ngủ vì 9 tổ máy bơm công suất lớn chạy rầm rập cả ngày đêm. Còn ngày thường, chẳng đêm nào anh Dân được trọn giấc vì trạm bơm nằm ở  ngoài khu dân cư, thiết bị máy móc rất nhiều, sơ sẩy cái là trộm cắp vào lấy. Nếu xảy ra mất mát, anh em cả trạm lại khổ.

Tết chỉ mang thẻ nhang về thắp cho ông bà tổ tiên

Nói về việc đón Tết, anh Dân bảo 10 năm nay cả nhà ăn tết ở trạm bơm là chính vì đây là thời kỳ cao điểm lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân. Hôm nào không phải trực anh Dân mới chở vợ con về thăm, chúc Tết ông bà, bố mẹ rồi lại lên. Chỗ ở tạm là căn phòng nhỏ của trạm bơm giờ thành chỗ ở chính. “Ngày Tết chỉ khác với ngày thường một chút là có thêm cái bánh chưng, cái giò, gói quà của công ty, chứ tôi chẳng có điều kiện để sắm thêm thứ gì”, anh Dân ngán ngẩm.

Cách trạm bơm Xuân Phú chừng 10km, tại trạm bơm Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cũng có một cặp vợ chồng thuỷ nông viên xin ở đậu tại trạm bơm suốt 20 năm qua. Đó là gia đình chị Nguyễn Thị Minh Phương và anh Nguyễn Minh Đức.

z4018161043328_d60d970c759c38f669a4c4f78870b615

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Minh Phương và anh Nguyễn Minh Đức bên mâm cơm có phần "cao cấp" so với thường ngày vì có thêm... hai bìa đậu. Ảnh: Trung Quân.

Khi chúng tôi đến cũng là lúc vợ chồng chị ăn trưa, trên mâm chỉ có hai bìa đậu phụ, bát nhỏ tép khô rang và mấy quả sung muối chị hái từ trạm bơm về ướp. Chị quê ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), còn anh Đức quê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Họ tới ở nhờ trạm bơm Hát Môn từ năm 1999 và làm việc cho Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ.

Anh chị sinh được 3 người con, đứa lớn đang học năm 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ tính riêng tiền học phí đã 28 triệu đồng/năm, chưa kể tiền trọ, sách vở và sinh hoạt phí. Cách đây chừng nửa tháng, cháu nhắc bố mẹ đóng nốt 7 triệu đồng học phí mà chị Phương chẳng còn cách nào xoay sở, vì tổng tiền lương công ty tạm ứng cho hai vợ chồng chỉ 6 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, đứa con thứ hai đang học lớp 10 và đứa út đang học lớp 2, hàng chục đầu mục cần phải trang trải mỗi ngày. Đó là chưa kể cuối năm là mùa cưới, cỗ bàn nhiều nên phải xoay tiền như chong chóng. Kinh tế đã đến mức kiệt quệ. Thi thoảng chị Phương lên chợ mua nợ miếng thịt cho các cháu cải thiện bữa ăn, hứa đến cuối tháng nhận lương sẽ trả. Thế mà, sang năm mới rồi vẫn chưa thấy lương tạm ứng của tháng cuối cùng năm cũ đâu. Chị cảm thấy tủi nhục lắm vì mình trở thành người thất hứa.

Chị Phương bảo, từ trạm bơm về quê nội, quê ngoại không phải quá xa nhưng mỗi năm số lần anh chị về thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một phần vì không có thời gian, một phần vì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Nếu về thăm bố mẹ mà không có tấm bánh, biếu bố mẹ được mấy đồng thêm thắt chút thức ăn, hộp sữa thì phận làm con thấy tủi hổ vô cùng.

“Tết năm nay, vợ chồng tôi cùng các con chỉ mang theo bó nhang về thắp hương cho ông bà tiên tổ nội ngoại. Mong ước được báo hiếu mẹ cha thì nhiều vô kể, nhưng không có tiền đành chịu”, chị Phương nghẹn ngào.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.