Lương kỹ sư cũng không bằng cửu vạn, ô sin
Là Giám đốc Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích, thành phố Hà Nội) có 148 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuỷ lợi, quản lý 42 trạm bơm tưới tiêu, gần 1.200 cống, 68 tuyến kênh lớn với tổng chiều dài 154km, nhưng lương tạm ứng 11 tháng đầu năm 2022 của ông Hà Hữu Nho chỉ vỏn vẹn 4,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, đặc ân duy nhất mà ông giám đốc được hưởng là 70.000 đồng/tháng để mua trà tiếp khách.
Số tiền ấy, như ông Nho nói thì “không đủ nuôi thân, thậm chí âm nặng, nên phải thường xuyên ăn vào lương giáo viên về hưu của vợ”. Để đi quan hệ ký hợp đồng tưới tiêu với 23 xã trong phạm vi phục vụ, xuống các tổ đội kiểm tra, động viên anh em và lên công ty họp, mỗi tháng tiền xăng xe của ông Nho đã hết cả triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều khi lãnh đạo, cán bộ địa phương, anh em trong công ty mời cưới con, mời đình đám... mệt mỏi vô cùng.
Ông Nho đã làm việc 37 năm trong ngành thủy lợi, sắp nhận sổ hưu rồi nên chỉ chờ ngày bàn giao công việc. Thế nhưng, ông luôn canh cánh nỗi lo cho hàng trăm lao động của xí nghiệp, nắng mưa vẫn phải cắt cỏ, vớt rác, bảo trì sửa chữa máy bơm mà đồng lương chỉ được tạm ứng từ 2,5 - 3 triệu đồng mỗi tháng. Như thế, chẳng thể nào họ sống nổi.
Thậm chí từ tháng 10/2022 đến nay, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích cạn kiệt nguồn tiền nên phải nợ bảo hiểm xã hội của cán bộ, công nhân viên.
“Bây giờ nếu công ty cho cán bộ, công nhân thủy lợi nghỉ việc mà vẫn được đóng bảo hiểm thì đa số anh em xin nghỉ để làm việc khác hết. Vì lương phụ hồ, lương cửu vạn, lương ô sin, bảo vệ còn cao hơn nhiều”, ông Nho sốt ruột.
Thực tế, đã có 2 trường hợp xin nghỉ vì lương thấp quá. Nếu tình trạng này kéo dài, công nhân nhảy việc hàng loạt thì ngành thủy nông tê liệt. Bởi thủy lợi là dịch vụ công ích có tính kinh tế kỹ thuật chuyên sâu. Nếu không hiểu hệ thống, không có kỹ năng vận hành máy thì khối tài sản hàng nghìn tỷ của xí nghiệp chẳng thể mang lại giá trị.
Ế vợ vì lương thấp và những lá đơn xin nghỉ việc
Ông Hoàng Văn Dương – Phó Giám đốc, Chủ tịch công đoàn bộ phận của Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ ngao ngán, ở xí nghiệp có nhiều cặp vợ chồng đều làm công nhân thuỷ lợi, đời sống rất bi đát. Mấy hôm nay đang là cao điểm lấy nước đổ ải vụ đông xuân của các tỉnh phía Bắc. Trời rét căm căm nhưng anh em vẫn phải “quần đùi áo bông” căng mình lội nước, trực máy ngoài đồng, vớt rác kênh mương để đảm bảo dẫn nước thông suốt vào đồng ruộng.
Cũng theo ông Dương, xí nghiệp phục vụ tưới tiêu cho 4.000ha (tổng diện tích tưới 3 vụ/năm khoảng 11.000ha). Trung bình mỗi vụ có khoảng 11 đợt tưới, mỗi đợt kéo dài vài ngày. Đặc biệt, vào những thời kỳ cao điểm chống hạn, chống úng, anh em phải vận chuyển, tháo lắp các trạm bơm dã chiến bạc mặt. Vì thế, một số công nhân dù rất yêu nghề nhưng không chịu được áp lực kinh tế, đành phải nghỉ việc. Một số anh em trẻ cố bám trụ với nghề, nhưng lương không đủ sống, hơn 35 tuổi chưa lấy được vợ.
Điển hình như ở cụm đội vùng bãi sông Hồng, anh Đặng Thế Linh, sinh năm 1987 đã làm việc nhiều năm nhưng lương tạm ứng chưa đủ 3 triệu đồng nên đến giờ này vẫn chưa lấy vợ. Bức bí quá, anh Linh đã xin nghỉ việc từ ngày 1/8.
Kỹ sư thủy lợi Nguyễn Thị Thanh Hà, cán bộ phụ trách cụm đội bãi sông Hồng bảo: “Trên báo đài đưa tin các trường đào tạo công nhân vận hành bơm điện thiếu học viên, chẳng ai đi học. Thậm chí, Đại học Thủy lợi cũng vậy, tuyển sinh các khoa chuyên ngành rất vất vả. Cũng phải thôi, vì lương thấp quá”.
Chẳng ai có thể nghĩ rằng, thời đại 4.0 rồi nhưng anh em công nhân thủy lợi vẫn phải cắt cỏ kênh mương bằng liềm; vớt rác bằng cào thủ công. “Hơn 10 năm trước, công ty giao cho mỗi đội thủy nông 1 cái máy cắt cỏ, nhưng dùng được mấy năm thì hỏng, từ đó đến nay anh em toàn phải cắt cỏ bằng tay. Mà giả dụ có máy cắt cỏ thì anh em cũng phải bỏ tiền túi đổ xăng. Xăng xe máy để đi tuần tra kênh mương, xăng chạy máy cắt cỏ đều cấu vào tiền lương công nhân, nghĩ mà tủi”, chị Hà nói.
Có những công nhân phụ trách cắt cỏ hàng nghìn mét chiều dài tuyến kênh lớn, vào mùa xuân, cứ cắt xong đoạn cuối thì đoạn đầu cỏ lại mọc um tùm. Mà đâu có chuyện ăn gian với nhà nước được, bỏ bê một tháng không cắt cỏ là dây leo bò ngang dọc lòng kênh.
Lay lắt bên dòng kênh rác thối
Ông Hà Đức Nho chia sẻ, từ năm 2017 đến nay điệp khúc nợ, chậm lương năm nào cũng xảy ra, nhất là dịp cuối năm. Các công ty thủy lợi ở Hà Nội đều đang ngắc ngoải hết cả rồi. Ở Công ty Đầu tư Phát triển thủy lợi Sông Đáy, từ lãnh đạo công ty đến anh em công nhân mỗi người chỉ được tạm ứng 2 triệu đồng/tháng.
Dẫn chúng tôi ra khu vực cống đầu kênh (K12) đang ngập ngụa rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hai công nhân của trạm đang cầm chiếc cào vớt xác những con gà, vịt chết trương. Khi lưỡi cào bập vào và nhấc lên, chúng nát nhũn ra từng mảnh, rớt tứ tung xuống nước. Chúng tôi đứng gần đó chụp ảnh, ai cũng nôn thốc tháo.
Anh Hà Đức Thế - Trạm trưởng Trạm thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thuỷ lợi Phúc Thọ), không giấu nổi bức bối: “Anh em công nhân thủy nông chúng tôi giờ trở thành công nhân vớt rác rồi”.
Trạm phụ trách cấp, tiêu nước trên địa bàn 6 xã có mật độ dân cư đông đúc. Người dân vứt đủ loại rác từ bàn ghế, bàn thờ, xác gia súc, gia cầm. Rác nhiều đến mức anh em công nhân vớt không xuể.
Có thời điểm, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ giấu dịch cho lợn chết vào bao tải rồi ném xuống kênh mương, đọng lại ở cống. Có con lợn nặng khoảng 2 tạ, nếu cứ để dưới kênh thì rất lâu mới phân hủy hết, ách tắc dòng chảy. Anh em đành dùng cào kéo lên bờ. Khi cào vừa chạm vào thì xác lợn bung ra, nguyên cả bộ nội tạng loang trên mặt nước to như mảnh chiếu. Nhiều người hãi quá không dám làm tiếp.
Nhưng, oái oăm nhất là khi anh em thủy nông vớt rác lên bờ. Có cái thì đốt được, có cái thì không mà để lại sẽ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, xe rác của công ty vệ sinh môi trường lại không thu gom vì đó không phải là rác thải dân sinh. Tình thế tiến thoái lưỡng nan, anh em trong trạm đành phải bỏ tiền túi ra thuê xe chở ra bãi rác Xuân Sơn xử lý.
Làm việc ở môi trường độc hại, nhưng trạm trưởng như anh Thế (quản lý hơn 40 lao động) cũng chỉ được công ty tạm ứng 2,9 triệu đồng mỗi tháng. Vợ anh cũng là công nhân thủy nông, nên cuộc sống bi đát chất chồng khi phải nuôi 3 con ăn học.
“Bây giờ tôi chỉ mong Thành phố Hà Nội sớm quyết toán kinh phí dịch vụ công ích thủy lợi của năm 2022 cho công ty, để công ty thanh toán nốt số tiền lương còn nợ người lao động. Được vậy anh em mới có đồng ra đồng vào sắm sửa tết cho gia đình. Làm quần quật cả năm, “ăn nằm” với rác, hít mùi hôi thối thường xuyên mà đến tết vẫn không được quan tâm thì tủi hổ vô cùng”, giọng anh Thế khẩn thiết.
Được biết, năm 2022, Thành phố Hà Nội chỉ đặt hàng tạm thời dịch vụ công ích thủy lợi cho 4 công ty thủy nông. Đến hết tháng 12/2022, kinh phí ngân sách Thành phố cấp cho Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích chỉ 45 tỷ đồng (trong khi đó, chi phí lương cho người lao động, bảo hiểm, nhiên vật liệu, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và các chi phí khác lên tới 100 tỷ đồng).
Do đó, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích mới chỉ tạm ứng lương cho người lao động đến tháng 11/2022 và nộp bảo hiểm đến hết tháng 9/2022. Còn lại, các chi phí sửa chữa công trình, nguyên, nghiên vật liệu công ty nợ hết. Chỉ tính riêng chi phí điện đã nợ khoảng 20 tỷ đồng.