| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường chống hạn, kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho dân

Thứ Sáu 11/03/2011 , 08:15 (GMT+7)

Đó là phát biểu của bộ trưởng Cao Đức Phát trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai

Mặc dù từ ngày 5 đến ngày 7/3, một số địa phương tại các tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện một vài trận mưa, tuy nhiên chỉ là những trận mưa cục bộ với lượng mưa đo được không đáng kể, do vậy tình hình hạn hán vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng trên địa bàn.

Ông Phạm Vũ Tuấn- Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng- Thuỷ văn khu vực Tây Nguyên, cho biết: Dự báo trong những ngày tới của tháng 3 sẽ còn xuất hiện 2- 3 cơn mưa nữa, nhưng cũng chỉ trên phạm vi hẹp. Do vậy khó giải quyết được tình trạng thiếu nước tưới như hiện nay.

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện toàn tỉnh đã gieo trồng được 54.652 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa nước đạt 99% kế hoạch. Báo cáo tại cuộc giao ban báo chí chiều ngày 9/3 cho biết: Toàn tỉnh đã có trên 15 ngàn ha cây trồng bị khô hạn, trong đó lúa nước 4.921 ha (mất trắng 2.189 ha, thiếu nước tưới 2.732 ha), cà phê 8.441 ha, hồ tiêu 1.630 ha, rau màu 43 ha. Ước thiệt hại do hạn lên đến trên 220 tỷ đồng… Trước tình hình trên, tỉnh đã tổ chức 3 đoàn công tác, về các địa phương bị hạn nặng để kiểm tra, đánh giá tình hình. Ông Ngô Ngọc Sinh- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Biện pháp chống hạn của tỉnh Gia Lai hiện nay là tăng cường máy bơm để bơm chuyền, tích nước; tập trung ra quân nạo vét kênh mương; kêu gọi nông dân tiết kiệm nước; đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhanh chóng thay thế bằng những loại cây trồng có khả năng chịu hạn…

Về dịch lở mồm long móng (LMLM), giai đoạn cao điểm dịch diễn ra trên 7 huyện và 22 xã với 887 con trâu, bò, 188 con lợn bị dịch. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung dập dịch triệt để nên đến nay, chỉ còn 64 con bị dịch trên 7 xã của 5 huyện…

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do nắng hạn gây ra, ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến công tác tại Gia Lai, nhằm kiểm tra và chỉ đạo biện pháp đối phó kịp thời.

Chư Păh là một trong những huyện bị thiệt hại nặng do hạn hán gây ra. Vụ ĐX này, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng là 1.900 ha, trong đó lúa nước có 1.600 ha. Thống kê mới nhất cho biết: Toàn huyện đã có hơn 700 ha lúa nước bị mất trắng do thiếu nước tưới. Đối với cây cà phê, toàn huyện có 8.000 ha thì đã có đến 2.000 ha không có nước để tưới đợt 2.  Báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hạn hán diễn ra trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện- ông Trần Ngọc Quang, cho biết: Toàn huyện có 11 công trình thuỷ lợi thì đến nay, hầu hết đã bị khô cạn. Biện pháp chống hạn cứu lúa của huyện hiện nay là tăng cường máy bơm để bơm nước vào đồng ruộng (đối với những vùng có nước), kêu gọi nông dân tiết kiệm nước, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn để phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, huyện cũng khẩn trương thống kê hộ đói và kịp thời cứu đói cho dân.

Tại xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), Bộ trưởng đã làm việc với lãnh đạo xã để nắm tình hình khô hạn diễn ra trên địa bàn. Vụ ĐX này,  đến ngày 10/3, toàn xã có 79,14 ha/103 ha lúa nước bị mất trắng do hạn. Ra cánh đồng lúa nước lớn nhất xã, mới thấy hết sự khốc liệt của tình hình khô hạn nơi đây: Những ruộng lúa đang thời ngậm đòng héo quắt dưới cái nắng như đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên. Đồng ruộng khô khốc với chằng chịt những vết nứt rộng đến cả gang tay. Không thể cứu vãn cây lúa trên những cánh đồng khô cháy như thế này, bà con đành bấm bụng lùa bò vào gặm những thân lúa đang dần khô cháy. Nông dân Rơ Châm Ngoan (dân tộc J’rai) cứ ngẩn ngơ giữa đồng cháy: “Năm nay hạn to quá, mất sạch rồi. Thôi thì đành để cho bò… “thu hoạch” vậy!”.

Đối với vấn đề xây dựng nông thôn mới, trong chuyến làm việc tại tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng lưu ý địa phương cần tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân để họ hiểu và ủng hộ, bởi đây là chương trình do nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ; trong công tác quy hoạch, cần có sự quy hoạch cụ thể và thiết thực; khi triển khai chương trình, cần tập trung làm từng bước, tránh tình trạng làm ồ ạt để lấy thành tích mà kém hiệu quả…

Cũng tại huyện Chư Păh, Bộ trưởng đã kiểm tra diễn biến dịch LMLM nơi đây. Hiện toàn huyện còn 3 xã có dịch LMLM là xã Ia Ka, Ia Phí và Ia Khươl với 190 con trâu, bò bị mắc dịch. Tuy nhiên nhờ có những biện pháp dập dịch kịp thời nên hiện tại, trên địa bàn chỉ còn 9 con bị dịch…

Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai về vấn đề hạn hán và dịch bệnh, Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn của đồng bào nơi đây, hoan nghênh tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp chống hạn, kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho nhân dân. Bộ trưởng cho biết: Chính phủ sẽ sớm hỗ trợ cho đồng bào bị thiệt hại về gieo trồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần có thêm những biện pháp cụ thể, thiết thực hơn để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn gây ra. Đối với dịch bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng cho biết: Diễn biến tình hình đang nghiêm trọng với 25 tỉnh có dịch. Đặc biệt, vi rút LMLM lần này có thể từ trâu, bò lây sang lợn với tỷ lệ tử vong cao: Cứ 100 con mắc bệnh thì có 70- 80 con bị chết. Do vậy, cần kiểm soát chặt chẽ đàn gia súc bị bệnh, không để lây lan ra khu vực khác; phải xử lý quyết liệt, không vì tiếc của mà giấu dịch hoặc ăn thịt gia súc bị mắc dịch…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.