| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường pháp luật trong phòng, chống khai thác thủy sản trái phép

Thứ Năm 25/02/2021 , 13:26 (GMT+7)

Tỉnh Bạc Liêu, xác định tăng cường hiểu biết pháp luật cho ngư dân trong công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp là nhiệm vụ trọng tâm.

Ngư dân Bạc Liêu chia sẻ hiểu biết về Luật thủy sản 2017 cho nhau. Ảnh: Trọng Linh.

Ngư dân Bạc Liêu chia sẻ hiểu biết về Luật thủy sản 2017 cho nhau. Ảnh: Trọng Linh.

Ngư dân còn hạn chế về Luật Thủy sản

Hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh Bạc Liêu trong những năm qua có bước phát triển mạnh, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho ngư dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Tuy nhiên, để khai thác đúng tiềm năng và lợi thế của biển thì hoạt động khai thác thủy sản tại Bạc Liêu còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản trên biển vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cùng với các văn bản thi hành có nhiều điểm mới mà ngư dân chưa nắm được.

Ông Trần Xí Khuôl, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Khai thác thủy sản được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bạc Liêu trong nhiều năm qua, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ như: đóng tàu lớn, đầu tư trang thiết bị, mua lưới vươn khơi...

Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Bạc Liêu vẫn còn một số hạn chế đó là tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định pháp luật. Trong đó, vi phạm chủ yếu là tàu khai thác sai nội dung so với giấy phép khai thác, không đánh dấu tàu cá, thiếu trang thiết bị an toàn, không thực hiện ghi nộp nhật ký khai thác và báo cáo khai thác theo quy định.

Theo ông Khuôl, mặc dù công tác tuần tra, kiểm soát của đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên hàng năm, nhưng do hạn chế về nhân lực, phương tiện, nên không thể duy trì thường xuyên trên biển, do đó chưa kịp thời ngăn chặn xử lý triệt để tàu cá vi phạm, khai thác bất hợp pháp.

Ngoài ra, lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh Bạc Liêu hiện quá mỏng, phương tiện tàu kiểm tra xuống cấp không thể thực hiện nhiệm vụ vào ban đêm, điều kiện sóng gió lớn và hoạt động xa bờ.

Vì vậy, tính chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát chống khai thác bấp hợp pháp trên vùng biển của tỉnh chưa thể đảo bảo thường xuyên, liên tục và có tính linh hoạt, cơ động cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên vùng biển quản lý.

Tình hình trên không chỉ riêng tỉnh Bạc Liêu mà chung của những địa phương có biển trên cả nước. Theo đó, dẫn đến hệ quả là Ủy Ban Châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác thủy sản tại Việt Nam.

Theo ông Khuôl, nhiều tàu cá của chúng ta vi phạm về luật khai thác thủy sản có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là ngư dân chưa tiếp xúc, nắm rõ được với Luật Thủy sản 2017. Do đó, dẫn đến việc đánh bắt sai quy định.

Nhờ hiểu biết về quy định Luật thủy sản 2017, nhiều ngư dân đã hạn chế sai phạm về khai thác thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Nhờ hiểu biết về quy định Luật thủy sản 2017, nhiều ngư dân đã hạn chế sai phạm về khai thác thủy sản. Ảnh: Trọng Linh.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền về pháp luật

Xác định tầm quan trọng của ngành thủy sản trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, thời gian qua các ngành, các cấp của địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền về pháp luật, đồng thời hướng dẫn ngư dân những quy định mới về Luật Thủy sản năm 2017.

Qua đó, đã tăng cường ý thức của ngư dân trong việc khai thác thủy sản theo pháp luật, các hoạt động khai thác thủy sản trên biển dần theo chiều hướng tích cực. Trong đó, công tác quản lý hoạt động nghề cá từng bước đi vào nề nếp. Quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đã được nâng lên. Nhờ đó, sản lượng khai thác tăng lên đàn kể, tạo được việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại địa phương, tiếp tục mưu sinh bám biển.

Ông Trần Xí Khuôl, Phó cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Luật Thủy sản ra đời ngày 21/11/2017 và có thiệu lực tháng 1/2019, Luật Thủy sản có nhiều quy định mới cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề pháp luật quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thứ hai, Luật Thủy sản ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thủy sản Viêt Nam bị EC cũng như các nước đặt nhiều rào cản về kỹ thuật giống như thẻ vàng của EC.

Ngoài ra, Luật Thủy sản ra đời được xem là bước ngoặt để cho ngành thủy sản của Việt Nam, để ngư dân có trách nhiệm hơn, góp phần thúc đẩy ngành khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững. Thứ hai, Luật Thủy sản 2017 có nhiều điểm mới đáp ứng được yêu cầu mà các rào cản kỹ thuật của EC cũng như các nước quy định đối với Việt Nam.

Cùng với việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn mạnh, nâng cấp trang thiết bị để bám vững ngư trường truyền thống, các chủ tàu hoạt động khai thác. Cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá, còn chú trọng đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ đắc lực cho ngư dân bám biển khai thác, giảm chi phí, giảm thời gian bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế, là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Nhất là các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ phải được trang bị đầy đủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của địa phương. Tỉnh Bạc Liêu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển khai thác thủy sản theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Thứ ba, Luật Thủy sản ra đời cũng đáp ứng yêu cầu gỡ bỏ thẻ vàng của EC, vì Luật Thủy sản có nêu rõ cụ thể chi tiết, các quy định của EC.

Theo đó, các đơn vị có liên quan đã tổ chức triển khai tuyên truyền hướng dẫn cho ngư dân hiểu rõ Luật Thủy sản 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đồng thời, đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ quốc tế, cũng như các biện pháp bảo tồn và quản lý nguồn lợi gắn với kế hoạch nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác thủy sản đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Thái Hòa, ngư dân phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), cho biết: Luật Thủy sản 2017 có mức xử phạt cao hơn so với trước đây. Do đó, để tránh vi phạm về quy định khai thác thủy sản thì chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu rất cẩn thận về Luật Thủy sản để tuân theo luật định như khai thác đúng tuyến, ghi nhật ký khai thác, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…

“Thời gian qua, nhờ các cấp chính quyền thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật chúng tôi cũng ý thức được hành động. Mức phạt hiện nay cũng khá cao nên đa số ngư dân cũng không dám làm đánh bắt sai quy định”, ông Hòa chia sẻ.

Đến nay, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 18 cuộc/1.086 lượt người dự, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.

Hiện nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có 1.142 chiếc tàu cá đã đăng ký. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là 485 chiếc. Tính đến ngày 8/10/2020 đã cấp 720  Giấy phép khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản 2017, trong đó, 453 Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, 267 Giấy phép khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ. Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu có 350/485 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên), chiếm 72,2%.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 13 đoàn (12 đoàn khai thác thủy sản trên các vùng biển và 1 đoàn trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa, cải hoán tàu cá đạt 80% so với kế hoạch năm), kiểm tra gần 1.200 phương tiện và 3 cơ sở đóng tàu. Qua đó, đoàn lập biên bản ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp.

Trong đó, hành vi vi phạm như ghi nhật ký khai thác thủy sản không đúng qui định, không có văn bằng thuyền trưởng theo quy định, không treo cờ quốc kỳ Việt Nam, không đánh dấu tàu cá, không mua bảo hiểm thuyền viên tàu dưới 3 thuyền viên làm việc trên tàu cá... với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất