| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường quản lý kiểm soát giết mổ lợn

Thứ Năm 24/08/2023 , 12:16 (GMT+7)

Việc tăng cường quản lý kiểm soát giết mổ lợn sẽ giúp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo Cục Thú y, cả nước hiện có 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung, trong đó có 246 CSGM lợn. Các CSGM động vật tập trung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y/an toàn thực phẩm đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM) theo quy định. Số lượng lợn được KSGM tại CSGM tập trung năm 2022 trên 11,5 triệu con; trong 5 tháng đầu năm 2023 là trên 8,6 triệu con.

Tăng cường kiểm soát và giết mổ tập trung sẽ góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát và giết mổ tập trung sẽ góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.

Điều đáng nói, hiện cả nước đang có trên 24.600 CSGM động vật nhỏ lẻ, trong đó trên 17.600 CSGM lợn. Số lượng lợn được KSGM tại CSGM nhỏ lẻ năm 2022 trên 8,6 triệu con; 5 tháng đầu năm 2023 là trên 8,5 triệu con.

Theo Cục Thú y, tại các tỉnh miền núi, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm đa số, dẫn đến số hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều; CSGM nhỏ lẻ phân bổ rộng trên địa bàn các huyện, trong khi giao thông đi lại khó khăn. Việc giết mổ phân tán nên việc kiểm tra, KSGM gặp nhiều khó khăn, do không đủ nguồn lực. Thực tế hiện nay, các cơ quan thú y chỉ kiểm soát được khoảng 18,6% số CSGM nhỏ lẻ trên địa bàn; một số địa phương không thực hiện KSGM.

Tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, CSGM động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền cấp xã được giao quản lý CSGM nhỏ lẻ, tuy nhiên còn thiếu nhân viên có chuyên môn thú y để thực hiện KSGM; việc chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ lậu, không phép trên địa bàn vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương.

Ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; việc hiểu biết về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đáp ứng các điều kiện giết mổ, để đầu tư phù hợp của chủ CSGM nhỏ lẻ còn hạn chế; nhiều CSGM nhỏ lẻ giết mổ và bày bán ngay tại nhà, vỉa hè…, gây khó khăn trong việc thực hiện đúng, đầy đủ quy trình KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y.

Công tác kiểm dịch động vật, KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y tại các địa phương đã sáp nhập Trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không chặt chẽ, dẫn đến có địa phương thậm chí không thực hiện KSGM tại CSGM tập trung, hoặc không thực hiện KSGM trên địa bàn toàn tỉnh do nguồn nhân lực của Chi cục Chăn nuôi và Thú y mỏng. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y mặc dù có con người đủ năng lực, nhưng thiếu nguồn lực (số lượng rất ít), lại không được giao nhiệm vụ KSGM và không ủy quyền thực hiện KSGM cho cấp huyện được (do các trạm Chăn nuôi và Thú y đã chuyển về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, không thuộc quản lý trực tiếp của Chi cục). Việc này đang gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi và theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố không thực hiện được công tác kiểm dịch và KSGM cho động vật và các sản phẩm động vật xuất ra khỏi địa bàn tỉnh.

Theo Cục Thú y, các tỉnh, thành phố còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thuộc Chi cục quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh trực tiếp thực hiện KSGM tại các CSGM. Công tác KSGM do nhân viên của Chi cục hoặc hợp đồng lao động với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện. Lực lượng này đã được đào tạo qua các lớp kiểm dịch, KSGM, kiểm tra vệ sinh thú y, có trình độ từ trung cấp chăn nuôi và thú y trở lên.

Công tác quản lý hoạt động giết mổ ở các địa phương như Bình Định, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, số CSGM nhỏ lẻ đã giảm dần trong khi CSGM tập trung tăng về số lượng về quy mô và công suất giết mổ.

Xem thêm
Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.