| Hotline: 0983.970.780

Tạo điều kiện tối đa thu hút đầu tư giết mổ tập trung, công nghiệp

Thứ Năm 03/08/2023 , 08:00 (GMT+7)

LÀO CAI Việc kiểm soát hoạt động giết mổ gia xúc, gia cầm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh lây lan trong chăn nuôi.

Tại vùng cao Lào Cai, người dân vẫn còn giữ thói quen giết mổ lợn tại nhà. Ảnh: Hải Đăng.

Tại vùng cao Lào Cai, người dân vẫn còn giữ thói quen giết mổ lợn tại nhà. Ảnh: Hải Đăng.

586 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ khu dân cư

Hiện nay, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh Lào Cai gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở tập trung, điểm giết mổ đảm bảo đúng quy định.

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh đang có 586 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm.

Các cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở các địa bàn, chia cắt bởi đồi núi, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý về giết mổ. Bình quân mỗi ngày các cơ sở giết mổ 690 con lợn, trong đó số giết mổ tại cơ sở tập trung là 125 con chỉ chiếm khoảng 18%, số giết mổ tại cơ sở nhỏ lẻ là 565 con chiếm 82%, số lượng giết mổ trâu, bò, ngựa là 35 con mỗi ngày và 100% đều giết mổ nhỏ lẻ trong các khu dân cư.

Tại huyện Bát Xát hiện có 28 hộ thường xuyên giết mổ gia súc để cung cấp cho các chợ trên địa bàn, trong đó có 19 hộ tại thị trấn Bát Xát và 9 hộ tại các xã vùng cao. Các hộ giết mổ gia súc này ở xen kẽ trong khu dân cư nhưng bình quân giết mổ hơn 50 con lợn. Các hộ giết mổ gia súc đều không đạt được tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bát Xát cho biết, có nhiều hộ giết mổ gia súc nhỏ lẻ, tự phát, quy mô gia đình trong khu dân cư hình thành do ở vùng núi, địa hình chia cắt, thói quen tập quán của đồng bào…

Cho đến nay, Trạm chủ yếu tuyên truyền, vận động nhân dân, gom những nơi giết mổ nhỏ lẻ thành một điểm, gộp nhiều hộ thành một… Tuy nhiên, đối chiếu với những quy định cũng rất khó có thể đạt các tiêu chí, đảm bảo quy định. 

Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm hiện thực hiện kiểm tra lâm sàng tại các chợ trên địa bàn huyện… Khi có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm lở mồm long móng, tai xanh… báo với chính quyền địa phương để phối hợp xử lý, tiêu hủy. Lần đầu có thể nhắc nhở còn nếu cố tình vi phạm có thể xử phạt hành chính theo quy định.

Tương tự, tại huyện Bảo Yên, hiện nay cũng chưa thực hiện được việc đóng dấu kiểm soát giết mổ trên địa bàn. Việc kêu gọi xây dựng cơ sở giết gia súc, gia cầm hoặc điểm giết mổ gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo kiểm soát giết mổ theo quy định.

Cán bộ thú y Lào Cai đóng dấu kiểm dịch tại Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Thành Công (thành phố Lào Cai). Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ thú y Lào Cai đóng dấu kiểm dịch tại Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Thành Công (thành phố Lào Cai). Ảnh: Thanh Tiến.

Lo lắng thu không bù nổi chi phí đầu tư

Tại thành phố Lào Cai, hiện có duy nhất một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại phường Kim Tân. Tuy nhiên, cơ sở này cũng không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh, môi trường. Mặt khác, do nằm sát trong khu dân cư nên thời gian tới cơ sở này phải di rời đi nơi khác. 

Tuy nhiên, ngay cả những người đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm lâu năm như vậy cũng lo lắng tới việc phải di chuyển, đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng lò mổ mới… Chi tiền tỷ chỉ để mỗi ngày thu được vài trăm nghìn đồng không biết đến khi nào mới hoàn vốn.

Ông Hoàng Long Biên, quản lý Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Thành Công thuộc Công ty Dịch vụ Hoàng Long Lào Cai (tổ 1 phường Kim Tân, TP Lào Cai) cho biết, mỗi ngày cơ sở có khoảng vài ba chục con lợn được đưa đến. Mỗi con cơ sở thu được khoảng 70.000 đồng.

Do vậy, từ ngày đầu tư cơ sở đến nay, hoạt động của lò mổ này hết sức èo uột, số lượng lợn được đưa đến lò mổ so với công suất là không đáng kể. Mặc dù cơ sở giết mổ gia súc hoạt động không hiệu quả có nhiều nguyên nhân, nhưng doanh nghiệp cũng không mặn khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

Ông Hoàng Long Biên cho biết thêm, trước đây, có muốn đầu tư nâng cấp cơ sở cũng khó vì có đầu tư cũng không đạt các tiêu chuẩn, đảm bảo các quy định. Hiện nay, cơ sở chỉ duy trì được 2 nhân lực thường trực gồm bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh. Trong khi, càng ngày càng phát triển, công nghệ cũng đã khác.

"Từ năm 2004, công ty đầu tư cơ sở giết mổ tập trung lên tới vài tỷ đồng, nay tiếp tục đầu tư mới số tiền phải bỏ ra khoảng gần 10 tỷ đồng nữa. Trong khi, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tự phát vẫn diễn ra chưa có giải pháp chấm dứt. Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bán ngoài chợ hiện nay không có dấu thú y, bán trôi, bán nổi nổi thì lò giết mổ công nghiệp của doanh nghiệp đắp chiếu, không thể sống được”, ông Hoàng Long Biên chia sẻ.

Ngoài ra, xây dựng cơ sở mới cũng phải có thời gian nên việc đầu tư gặp rất nhiều khó khăn mặc dù vị trí đã được giới thiệu tại xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai.

Tạo điều kiện xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, việc tăng cường công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật là nhiệm vụ cấp bách và nhất quán quan điểm thịt gia súc lưu thông, bày bán trên thị trường phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y, dấu kiểm soát giết mổ và tem vệ sinh thú y chỉ được đóng/cấp tại cơ sở giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo quy định.

Cuối năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu số gia súc giết mổ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát giết mổ trên 50%, hết năm 2024 kiểm soát được trên 80% số gia súc giết mổ trên địa bàn tỉnh. 

Để quản lý giết mổ gia súc đảm bảo an toàn thực phẩm Lao Cai bàn hành nhiều giải pháp, trong đó có chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở giết mổ. Vận dụng linh hoạt quy định luật pháp về đất đai, một là dùng ngân sách nhà nước thu hồi đất, bồi thường giải phòng mặt bằng… sau đó cho tổ chức, cá nhân thuê lại hoặc để tổ chức, cá nhân tự thỏa thuận với chủ đất về bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó nhà nước cho thuê lại và tiền thuê đất hàng năm trừ vào tiền chủ đầu tư đã bỏ ra…

Về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung công nghiệp hiện đại, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Với những địa bàn có điều kiện về đất đai, có số lượng gia súc, gia cầm giết mổ lớn cần tiếp tục kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại.

Trước mắt, Lào Cai tập trung xây dựng, nâng cấp, cải tạo các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tạm thời. Đây là giải pháp phải thực hiện ngay trong thời gian chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung để kiểm soát được gia súc, gia cầm giết mổ để kinh doanh trên địa bàn…

Về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ, tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh Lào Cai.

Cụ thể, xây dựng cơ sở giết mổ tại thị trấn Bắc Hà, xã Bảo Nhai huyện Bắc Hà; thị trấn Khánh Yên, xã Võ Lao huyện Văn Bàn; thị trấn Phố Lu, xã Xuân Giao, Xuân Quang huyện Bảo Thắng; thị trấn Bát Xát, xã Bản Vược huyện Bát Xát; thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà huyện Bảo Yên; xã Bản Lầu huyện Mường Khương; xã Sín Chéng, Cán Cấu huyện Si Ma Cai; khu vực phía nam thành phố Lào Cai. Các tụ điểm giết mổ mới phát sinh trên địa bàn tỉnh (nếu có), mỗi địa bàn xây dựng 1 - 2 cơ sở giết mổ quy mô nhỏ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.