Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng được nêu ra trong các định hướng Chính sách của Trung ương, pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam, theo TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường.
Theo ông Dung, áp dụng kinh tế tuần hoàn trong ngành đồ uống chứa đựng nhiều tiềm năng và cơ hội mới cho các doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp ngay từ giai đoạn thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết kế các sản phẩm, thiết kế quy trình phân phối, tiêu thụ và thu hồi để đảm bảo hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu, vật liệu thô, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường”, ông Dung nói.
Làm rõ hơn quan điểm này, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường nhấn mạnh tới khâu quản lý bao bì. Ông cho rằng, bao bì đồ uống phải được tái chế kèm theo tỷ lệ và quy cách tái chế liên quan.
Tại Hội thảo “Giải pháp bao bì bền vững, mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn”, ông Mạnh nêu 4 mô hình thường được trong thực tế. Đó là: Cung cấp tuần hoàn (thay nguyên liệu truyền thống bằng nguyên liệu tái tạo); Phục hồi tài nguyên (Sản xuất nguyên liệu thô thứ cấp từ chất thải); Kéo dài vòng đời sản phẩm và Biến sản phẩm thành dịch vụ.
Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường thông tin, rằng nhiều ngành nghề đã ứng dụng thành công các nguyên tắc và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, nhiều hãng xe ô tô hiện cho thuê ắc quy thay vì bán ắc quy; hoặc sản xuất ra xe điện thay vì xe chạy xăng, góp phần hạn chế rác thải.
Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam thải gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Trong báo cáo năm 2023, Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam lãng phí gần 3 tỉ USD mỗi năm vì không tái chế riêng rác thải nhựa từ sinh hoạt.
Cũng tại hội thảo ngày 11/4, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhận định, việc tận dụng nguồn rác thải này chắc chắn đem lại lợi ích cho các bên.
“Ngành đồ uống sẽ thu nhiều lợi ích khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiềm năng như bã hèm, men thải, các loại bao bì, pallet nhựa, thùng rác”, ông Việt chia sẻ.
Có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội, ngành đồ uống hiện rất quan tâm đến tính bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã đưa mục tiêu này thành giá trị cốt lõi trong hoạt động, nhằm giúp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong thời gian tới, theo ông Việt, không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn đảm bảo "tái sinh" nguồn nguyên liệu, môi trường, văn hóa và cuộc sống cho người dân.
“Đây phải là vấn đề được thực hiện xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cùng. Đây là cơ hội và thách thức với tất cả chúng ta”, Chủ tịch VBA bày tỏ.
Báo cáo của Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ (TERI) cho thấy: lon nhôm là vật liệu tối ưu để sản xuất bao bì. Cụ thể, lượng phát thải khiến Trái đất nóng lên của lon nhôm chỉ bằng khoảng 20-25% so với chai thủy tinh, khoảng 70% so với chai nhựa, và có khả năng tái chế cao hơn nhiều lần so với hộp giấy.
“Tỷ lệ thu gom chai nhựa tương đối thấp và dễ gây ô nhiễm, chai thủy tinh thì nặng và dễ vỡ. Trong khi sản phẩm từ giấy phù hợp hơn để làm ống hút, nắp, seal nhựa”, đại diện TERI phát biểu.
“Nghiên cứu nhằm mục đích cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về các lựa chọn bao bì đồ uống và ý nghĩa bền vững của chúng, giúp các bên liên quan trong chuỗi sản xuất đưa ra những lựa chọn đúng đắn, giảm tác động đến môi trường và hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn”.
Về vấn đề lon nhôm, ông Amit Lahoti, Tổng Giám đốc Khu vực Châu Á của Tập đoàn Ball thông tin: Tại Việt Nam, hơn 77% lon nhôm đang được thu gom để tái chế. Đặc biệt, một số loại lon được chế tạo từ các chất liệu đặc biệt, trong đó có TBC-Ball, chứa tới hơn 76% nguyên liệu tái chế.
Ngày 17/11/2020: Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. BVMT là một trong ba yếu tố cấu thành của phát triển bền vững, là điều kiện, nền tảng, cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tuần hoàn, có thể nói, là lời giải cho phát triển bền vững.