| Hotline: 0983.970.780

Tăng diện tích vải chín sớm, giảm áp lực tiêu thụ chính vụ

Thứ Hai 29/05/2023 , 15:18 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Hải Dương đang chỉ đạo cơ cấu lại giống vải theo hướng tăng diện tích vải chín sớm, tận dụng lợi thế nguồn cung trên thị trường còn khan hiếm.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương cho biết, vải được xem là loại trái cây quý hiếm trên thế giới nên nhu cầu sử dụng thường xuyên của các thị trường rất cao. Tuy nhiên, nhược điểm của loại quả này là thời gian thu hoạch ngắn, trong khi không thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ra hoa hay đậu quả trái vụ mà bắt buộc phải có điều kiện nhiệt độ thấp để cây có thể phân hóa mầm, ra hoa. Vấn đề nan giải này chưa có phương án tối ưu để khắc phục, dẫn tới áp lực tiêu thụ rất lớn khi bước vào vụ thu hoạch.

Vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn nên áp lực tiêu thụ chính vụ rất lớn. Ảnh: MH.

Vải thiều có thời gian thu hoạch ngắn nên áp lực tiêu thụ chính vụ rất lớn. Ảnh: MH.

Hiện nay, Hải Dương có khoảng 10 giống vải, trong đó có 5 giống chủ lực (4 giống vải chín sớm và 1 giống vải thiều chính vụ). Tuy nhiên, vải chín sớm chỉ chiếm khoảng 30% diện tích, còn lại là vải chính vụ. Cho nên, vải thiều chính vụ chịu áp lực thu hoạch và tiêu thụ rất lớn khi bước vào giai đoạn thu hoạch rộ.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo cơ cấu lại giống vải theo hướng tăng diện tích vải chín sớm để tận dụng được lợi thế nguồn cung trên thị trường còn khan hiếm, giúp việc tiêu thụ trở nên thuận lợi, giá bán cao hơn (giá trị kinh tế mà vải sớm mang lại cho người dân Thanh Hà khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm).

Theo bà Kiểm, thông thường sau khi thu hoạch xong vải ở khu vực Tây Nguyên sẽ đến vụ vải sớm ở Hải Dương, sau khi kết thúc vụ vải sớm ở Hải Dương mới đến vụ vải ở Bắc Giang. Việc tránh thu hoạch rộ vào cùng thời điểm với các vựa vải khác khác sẽ giúp giảm áp lực cạnh tranh, tiêu thụ vải tươi sẽ thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp phân chia thị trường cho các nhóm vải. Ví dụ, vải xuất đi thị trường Trung Quốc chủ yếu là vải sớm; vải thiều chính vụ sẽ tập trung xuất khẩu đi thị trường các nước như Nhật, Mỹ, Úc và bán ở thị trường trong nước cho đối tượng khách hàng cao cấp.

Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thử nghiệm biện pháp bảo quản khác nhau nhằm kéo dài thời gian bảo quản để giảm áp lực tiêu thụ vải tươi. Nhờ đó, có thể vận chuyển quả vải tươi bằng đường biển đi các thị trường khoảng cách xa (thay vì duy nhất đường hàng không như trước đây), góp phần giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của vải Việt Nam so với sản phẩm của các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, khi công ty xuất khẩu vải sang Nhật Bản, một số quốc gia đã áp dụng cách thức bán sản phẩm cùng loại với giá thấp hơn để gây áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn tự tin, không ngại cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường là do chất lượng, hương vị của quả vải Việt Nam luôn vượt trội, được người tiêu dùng ở các quốc gia đánh giá rất cao.

Ngành nông nghiệp Hải Dương đang chỉ đạo tái cơ cấu giống vải theo hướng tăng diện tích vải chín sớm, tận dụng lợi thế nguồn cung trên thị trường còn khan hiếm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ. Ảnh: MH.

Ngành nông nghiệp Hải Dương đang chỉ đạo tái cơ cấu giống vải theo hướng tăng diện tích vải chín sớm, tận dụng lợi thế nguồn cung trên thị trường còn khan hiếm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ. Ảnh: MH.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà doanh nghiệp cho phép mình chủ quan, ngược lại tích cực sát sao cùng các hộ quản lý quá trình sử dụng vật tư đầu vào, nghĩa là người dân phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu đưa ra. Bên cạnh đó, không ngừng hoàn thiện cách thức sơ chế, chế biến, thu hái, vận chuyển; hoàn thiện, nâng cấp bao bì, tem nhãn, công nghệ bảo quản sản phẩm. Khi quảng bá quả vải phải kèm theo câu chuyện về hành trình tạo ra quả vải đó (bên cạnh sản phẩm luôn có bảng giới thiệu chi tiết để khách hàng nắm rõ mùa vụ ra sao, chất lượng thế nào, từ tỉnh nào…).

Quan trọng hơn, phải xác định rõ thị trường mình bán, từ đó định hướng sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để vừa có sản phẩm chất lượng vừa đón lõng được thị trường, giảm áp lực cạnh tranh, nâng cao giá bán sản phẩm.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.