Nông dân thành thục với GAP
Những ngày cuối tháng 6, thời điểm chính vụ vải thiều. Đưa chúng tôi đi thăm vùng trồng vải theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tại xã Thanh Xá (huyện Thanh Hà, Hải Dương), anh Phạm Văn Kiên, Bí thư Đoàn Thanhi niên xã Thanh Xá tự hào giới thiệu, vải thiều Thanh Hà đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường với hương vị thơm, ngon, ngọt đặc trưng.
Nhiều năm về trước, tại đây có những cây vải cổ thụ, năng suất 700 - 800 kg/cây, có cây cá biệt thu hoạch được cả tấn vải/vụ.
Những năm gần đây, vùng trồng vải tiêu chuẩn ở Thanh Xá ngày càng được mở rộng. Cây vải trồng tại đây phù hợp thổ nhưỡng nên năng suất, chất lượng cao. Bà con nông dân hiện nay trồng và chăm sóc cây đều theo quy trình GAP, có sổ ghi chép nhật ký sản xuất, cụ thể thời điểm nào phun thuốc, khi nào tỉa cành bón phân...
Anh Nguyễn Văn Chính ở thôn 4, xã Thanh Xá trồng 1,2 mẫu vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 5 năm canh tác theo VietGAP, anh cho biết năng suất cao hơn, nhàn hơn trước. Cứ đến thời điểm cần phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, hoặc bón phân, tỉa cành... đều có thông báo và có sổ ghi chép cụ thể, đảm bảo chất lượng, năng suất quả vải. Tuy nhiên, về đầu ra, các doanh nghiệp mới hỗ trợ tiêu thụ được 2/3 sản lượng vườn vải của gia đình.
Cung cấp thêm thông tin về quy trình trồng và chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Chính nhận định: "Về cơ bản không khác quá nhiều so với canh tác truyền thống, nhưng nông dân cần tuân thủ quy định về sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV, phun tưới theo lịch trình đã được các chuyên gia nghiên cứu. Đặc biệt, không sử dụng các loại thuốc BVTV ngoài danh mục cũng như đúng loại thuốc BVTV mà công ty bao tiêu sản phẩm cung cấp nhằm đảm bảo dư lượng trong quả vải ở mức cho phép".
Năm 2022, diện tích vải thiều toàn huyện Thanh Hà đạt 3.273 ha, sản lượng dự kiến đạt 40.000 tấn. Các cấp, các ngành và lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã sớm có kế hoạch, chương trình cụ thể mở rộng thị trường tiêu thụ vải Thanh Hà. Qua đó, giúp sản phẩm tiếp cận tốt hơn đến người tiêu dùng cả nước.
Mặt khác, cùng với việc cấp các mã số vùng trồng vải xuất khẩu đạt tiêu chuẩn, vải thiều Thanh Hà đang từng bước mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế như Trung Quốc, Australia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ…
Gần đây, huyện Thanh Hà đang tích cực triển khai mô hình du lịch kết hợp với sản xuất, kinh doanh vải. Tại xã Thanh Xá đang đẩy mạnh mô hình hái vải kết hợp du lịch sinh thái Đồng Mẩn. Mô hình này bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt, lượng khách du lịch hái vải ngày một tăng, thời điểm cuối tuần có hàng trăm lượt khách đến tham quan chèo thuyền hái vải.
Chi phí "ăn" hết vào quả vải
Năm nay, giá vật tư đầu vào tăng cao, phân bón, thuốc BVTV đội giá lên hơn 50%, cộng thêm xăng tăng giá dẫn đến cước vận chuyển tăng mạnh. Trong khi đó, giá vải trên thị trường năm nay vẫn như mọi năm, nên người trồng vải Thanh Hà kém vui, phần vì chi phí phân bón cả vụ rất lớn, phần vì cuối vụ việc tiêu thụ vải khó khăn do giá xăng dầu, cước vận tải tăng cao.
Vườn vải của gia đình bà Mạc Thị Hợi ở xã Thanh Xá có diện tích hơn 1 mẫu, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà Hợi cho biết: Trà vải sớm năm được giá, có thời điểm thương lái thu mua tới 100.000 đồng/kg, bà con rất vui. Tuy nhiên, khi vào chính vụ, giá vải lại bấp bênh, không ổn định, trung bình chỉ từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg. Giá vải chính vụ và cuối vụ năm nay thấp hơn kỳ vọng của nông dân rất nhiều.
Trà vải sớm năm nay tại Hải Dương được các thương lái, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu khoảng 60%, sản lượng còn lại là tiêu thụ nội địa. Đối với trà vải muộn, vải Thanh Hà thu hoạch cùng thời điểm với vải Lục Ngạn nên nguồn cung tăng mạnh, khiến việc tiêu thụ khó khăn hơn.
Hiện nay, một số hợp tác xã tại các vùng vải Thanh Hà cũng tính phương án sấy khô vải để bán dần. Tuy nhiên, số lượng cơ sở đầu tư vào dây chuyền chế biến vải sấy khô còn quá ít.
Là người trực tiếp đồng hành cùng bà con nông dân từ khi chăm sóc cây vải tới khi thu mua vải chín, chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6 (Thôn 3, xã Thanh Xá) băn khoăn kể: Thời điểm gần thu hoạch vải thiều năm nay, tại Thanh Xá xuất hiện một số dịch hại như rệp sáp, mã mực..., kết hợp thời tiết nắng nóng, gió tây nam mạnh khiến vỏ vải bị cháy, ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng quả. Vì vậy một số vườn tỉ lệ vải xấu mã, hỏng khá nhiều.
"Xã Thanh Xá đang thiếu cơ sở sơ chế, đóng gói, kho lạnh bảo quản quả vải. Vì vậy, chúng tôi mong trong tương lai sẽ có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp có năng lực thu mua, sơ chế, kết hợp kho lạnh bảo quản", chị Quách Thị Phượng chia sẻ.
Cũng theo chị Phượng, xã Thanh Xá cần quy hoạch thêm những vùng vải sớm, mặc dù chăm sóc sẽ tốn công hơn, nhưng bù lại, giá trị kinh tế thường cao hơn vải chính vụ, lại dễ tiêu thụ.