Ảnh minh họa |
Các nhà nghiên cứu từ Tây Ban Nha tiến hành đo mức độ tiếp xúc với ánh sáng xanh dương nhân tạo ngoài trời như đèn đường (với sự hỗ trợ của trạm không gian quốc tế) và mức độ tiếp xúc trong nhà qua bảng câu hỏi tự trả lời.
Kết quả cho thấy những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh dương nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có nguy cơ mắc ung thư vú gấp 1,5 lần và ung thư tiền liệt tuyến gấp hai lần so với người ít tiếp xúc hơn. Nam giới tiếp xúc với ánh sáng xanh nhân tạo ở trong nhà có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gấp 2,8 lần dựa theo nghiên cứu. Điều này cho thấy bản chất của ánh sáng quan trọng hơn cường độ sáng trong việc sinh ung thư.
Lý giải tại sao ánh sáng xanh dương lại có thể gây ung thư chứ không phải các ánh sáng khác, chuyên gia cho rằng ánh sáng xanh dương có độ dài sóng ngắn hơn các ánh sáng khác trong quang phổ, tác động làm giảm phóng thích melatonin từ não. Melatonin là hormone đóng vai trò trong việc đồng bộ hóa nhịp điệu (đồng hồ sinh học) của các tế bào trong cơ thể, khi đồng hồ sinh học bị lỗi nhịp có thể sinh ra ung thư.
Để hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh dương từ điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị khác, người dùng có thể dùng một số phần mềm như F.lux, Redshift, Nightshift để lọc bớt ánh sáng xanh.